Nhận diện những thông tin sai lệch về văn hóa, lịch sử

Trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay đang lan truyền những chia sẻ sai lệch, quan điểm không khách quan về văn hóa, lịch sử Việt Nam…

Không gian văn hóa của các nghệ nhân hát Xoan ở đình Hùng Lô, Phú Thọ. (Ảnh: Hà Anh)

Không gian văn hóa của các nghệ nhân hát Xoan ở đình Hùng Lô, Phú Thọ. (Ảnh: Hà Anh)

Hệ lụy khôn lường

Đây là những nhận định thiếu kiểm chứng, có thể do hiểu lầm, do thiếu thông tin, thậm chỉ không loại trừ lý do chủ ý xuyên tạc, bịa đặt.

Ví dụ như xuất hiện những thông tin phủ nhận lịch sử kháng chiến giữ nước của dân tộc ta, cố ý làm mờ tầm quan trọng, ý nghĩa của những chiến thắng lịch sử, để từ đó giảm giá trị chiến công và sự hy sinh của các thế hệ đi trước trong các cuộc chiến đấu giữ nước.

Hay các nhận định thiếu khách quan, cực đoan về bản sắc văn hóa dân tộc. phủ nhận các yếu tố giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, quốc gia, quá nhấn mạnh vào sự khác biệt hoặc tương đồng giữa văn hóa các dân tộc, quốc gia nhằm kích động mâu thuẫn.

Cũng có những thông tin phê phán sai lệch về các nhân vật lịch sử với góc nhìn một chiều, bóp méo sự thật lịch sử, nhắm đến việc giảm giá trị các đóng góp của những nhân vật lịch sử này.

Các quan điểm sai lệch, khi được lan truyền trên mạng xã hội, có thể gây hiểu lầm và ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của công chúng, khiến một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ, bị cực đoan hóa, dẫn đến các hành động quá khích, thậm chí vi phạm pháp luật.

Chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc đưa thông tin đúng đắn, định hướng dư luận khi mà thông tin sai lệch dễ dàng được đẩy lên thành xu hướng các chủ đề thảo luận, khiến các cơ quan nhà nước gặp khó khăn trong việc phản ứng kịp thời và đúng đắn.

Những thông tin sai lệch về văn hóa, lịch sử đất nước đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, gây ra sự lo ngại cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này sẽ cản trở quá trình thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, hạ uy tín, thương hiệu quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tăng cường giải pháp

Chúng ta cần đẩy mạnh công tác giáo dục lịch sử và văn hóa cho thế hệ trẻ tất cả các bậc học. Cần tích hợp thêm các nội dung về lịch sử, văn hóa Việt Nam trong chương trình học phổ thông, không chỉ trong các môn học như Lịch sử, Giáo dục công dân và Ngữ văn, mà cần phổ biến ở các môn.

Điều này giúp học sinh có cái nhìn sâu sắc về những sự kiện, nhân vật lịch sử quan trọng, qua đó hình thành niềm tự hào dân tộc và ý thức bảo vệ các giá trị văn hóa, lịch sử.

Cũng cần tăng cường các chương trình tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua các chiến dịch truyền thông, các cuộc thi, hội thảo, tọa đàm về lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Giới trẻ ngày nay dễ dàng tiếp cận thông tin trên mạng xã hội, nhưng các bạn cần phải được trang bị các kỹ năng phân biệt thông tin chính thống và thông tin sai lệch.

Các khóa học hoặc chương trình đào tạo kỹ năng kiểm tra nguồn tin, nhận diện tin giả, và phân tích thông tin từ các chuyên gia truyền thông sẽ giúp các bạn trẻ tiếp cận thông tin một cách thông minh và có trách nhiệm.

Chúng ta cần hợp tác hơn nữa với các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok để giám sát và loại bỏ các thông tin sai lệch về văn hóa, lịch sử.

Đồng thời, các nền tảng cần tăng cường các biện pháp kiểm duyệt, thông báo và cảnh báo khi phát hiện thông tin sai lệch liên quan đến các vấn đề nhạy cảm về lịch sử và văn hóa.

Đầu tháng 11/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng là bước tiến mới trong việc xây dựng và quản lý không gian mạng an toàn, lành mạnh.

Bên cạnh việc xây dựng đội ngũ chuyên gia về an ninh mạng và truyền thông để tăng cường hoạt động giám sát thông tin, cũng cần tạo ra các phong trào, nhóm cộng đồng hỗ trợ kiểm chứng thông tin và khuyến khích mọi người chia sẻ thông tin có giá trị và chính xác.

Trần Xuân Tiến

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhan-dien-nhung-thong-tin-sai-lech-ve-van-hoa-lich-su-295422.html