Nhận diện rõ hành vi lãng phí để có chế tài cụ thể

Để chống 'giặc' lãng phí, trước hết cần có những quy định nhận diện được hành vi lãng phí, từ đó mới tính đến chế tài cụ thể để xử lý. Quan trọng hơn, cùng với phòng ngừa lãng phí, thì việc thực hành tiết kiệm như thế nào cũng phải có quy trình cụ thể. Đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trao đổi với phóng viên TBTCVN về việc triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Dự án điện khí Ô Môn đã bắt đầu khởi động để triển khai. Ảnh tư liệu

Dự án điện khí Ô Môn đã bắt đầu khởi động để triển khai. Ảnh tư liệu

PV: Thưa ông, thời gian qua mặc dù đã có những nỗ lực trong triển khai Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng tình trạng lãng phí vẫn còn khá phổ biến, gây nhiều hệ lụy. Theo ông, giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng này là gì?

Đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Anh: Trước hết, để đánh giá và có giải pháp thì việc nhận diện và chỉ ra được những lãng phí là rất quan trọng.

Thời gian qua, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đã chỉ ra rất nhiều tồn tại, hạn chế. Đặc biệt là đã chỉ ra danh mục các dự án cụ thể đang dẫn đến lãng phí lớn và giao trách nhiệm cho Chính phủ phải khắc phục.

Tháo gỡ vướng mắc gây lãng phí nguồn lực đất nước

Tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ trình Quốc hội xem xét nhiều nội dung nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng như trình dự thảo Nghị quyết về chính sách đặc thù tháo gỡ vướng mắc của các dự án đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án ở nhiều địa phương. Điều này thể hiện tinh thần kiến tạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết vướng mắc đang gây lãng phí nguồn lực đất nước.

Quốc hội, đoàn đại biểu và đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát quá trình triển khai thực hiện của Chính phủ. Vừa qua, báo cáo về tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ cho thấy, nhiều dự án đã có tiến triển tốt hơn, đang từng bước khắc phục những hạn chế mà đoàn giám sát chỉ ra. Ví dụ như dự án điện khí Ô Môn đã bắt đầu khởi động để triển khai. Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ cần phải được ghi nhận.

Tuy nhiên, tôi cho rằng để giải quyết triệt để những vấn đề lãng phí mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra trong bài viết mới đây thì Chính phủ cần nghiên cứu để sửa Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mới có thể giải quyết căn cơ được. Trong đó, cần những chế tài cụ thể cho việc xử lý tình trạng lãng phí, mà chúng ta thấy rằng nó không kém gì hậu quả của tham nhũng, tiêu cực.

PV: Trong bài viết, Tổng Bí thư có đưa ra thông điệp là phải rõ người chịu trách nhiệm để xảy ra tình trạng lãng phí. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Lê Hoàng Anh: Điều này rất đúng. Ở vai trò của Quốc hội, qua giám sát có trách nhiệm chỉ ra chủ thể tạo ra cái lãng phí đó. Khi chỉ ra được các chủ thể chịu trách nhiệm thì chúng ta mới xử lý được trách nhiệm của người gây ra lãng phí và cao hơn là hoàn thiện được thể chế pháp luật để phòng, tránh lãng phí.

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 8/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Trong đó có quy định việc không thực hành tiết kiệm dẫn đến lãng phí lớn là một trong những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công. Tôi cho rằng cần phải tiếp tục thể chế hóa những quy định này vào văn bản pháp luật để thực hiện trong thời gian tới.

PV: Theo ông, làm thế nào để thể chế hóa những quy định này vào văn bản pháp luật, nhằm khắc phục những bất cập hiện nay?

Đại biểu Lê Hoàng Anh: Hiện nay, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang được triển khai đã bao quát rất rộng. Tuy vậy, có nhiều lĩnh vực rất khó đo lường được trong thực tiễn cuộc sống, ví dụ như lãng phí về thời gian, lãng phí về nguồn nhân lực… Hay nếu chính sách pháp luật khi xây dựng chưa đảm bảo được yêu cầu, khiến việc triển khai trên thực tế bị vướng mắc thì đó cũng chính là sự lãng phí.

Tôi cho rằng để tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, giải quyết căn cơ tình trạng lãng phí thì trước hết phải đánh giá, tổng kết, rà soát một cách tổng thể để nhận diện được đầy đủ về nguyên nhân, thực trạng của tình trạng lãng phí.

Luật cần phải chỉ ra được những hành vi về lãng phí, nhận diện được hành vi và sau đó mới tính đến chế tài để xử lý việc này. Quan trọng hơn, tôi cho rằng để phòng ngừa lãng phí, thì việc thực hành tiết kiệm như thế nào, ai thực hành và thực hành vào lúc nào cũng phải có quy trình cụ thể.

PV:Hiện nay một số địa phương bắt đầu thành lập Ban Chỉ đạo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ví dụ như Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo của UBND thành phố hôm 20/11/2024. Ông nhìn nhận như thế nào về sự lan tỏa thông điệp từ bài viết của Tổng Bí thư?

Đại biểu Lê Hoàng Anh: Thông điệp của Tổng Bí thư rất rõ ràng và không phải chỉ Hà Nội mà tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và các cơ quan, đơn vị cần phải tiếp tục triển khai cụ thể. Theo tôi, việc thành lập Ban Chỉ đạo là bước đi đầu tiên, thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ mà chúng ta đang cần trong lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bước đi tiếp theo là hoạt động và hiệu quả của Ban Chỉ đạo như thế nào. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói là phải có sản phẩm rất cụ thể để đo đếm được. Tôi cho rằng, thời gian tới, việc quyết tâm và thống nhất rất cao trong việc triển khai sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả cũng chính là để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vì bộ máy hiện nay, như Tổng Bí thư đã nói, rất cồng kềnh và kém hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn đại biểu!

Thanh Mai

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhan-dien-ro-hanh-vi-lang-phi-de-co-che-tai-cu-the-164922-164922.html