Nhận diện và lật mặt thật những tiếng kêu lạc lõng, sai trái đội lốt bảo vệ quyền con người ở Việt Nam (1): Mặt thật của cái gọi là 'tù nhân lương tâm'
Sự thật sáng như ban ngày ở Việt Nam cho thấy rõ không hề có cái gọi là 'tù nhân lương tâm' mà chỉ có những người vi phạm pháp luật bị điều tra, truy tố, xét xử theo pháp luật. Việc gắn cho những đối tượng này vào cái gọi là 'tù nhân lương tâm' hay trao giải thưởng này kia nằm trong mưu đồ can thiệp vào công việc nội bộ, chống phá Nhà nước, chế độ ở Việt Nam.
Đối tượng vi phạm pháp luật “biến hình” thành “tù nhân lương tâm”
Việc tổ chức Mạng lưới nhân quyền Việt Nam có trụ sở tại bang California (Mỹ) ngày 18-11 vừa qua có công bố “Báo cáo nhân quyền 2022-2023”, tiếp tục đưa ra những nội dung xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, chẳng có gì mới mẻ. Đó là điều mà tổ chức này vẫn thường “mũ ni che tai” trước thực tế sống động, sáng rõ tại nước ta để đưa ra những thông tin, đánh giá lệch lạc, sai trái liên quan tới vấn đề nhân quyền.
Không chỉ vậy, năm nay, tổ chức được biết đến là một tổ chức ngoại vi của Việt Tân chuyên tiến hành các hoạt động chống phá và khủng bố này còn đưa ra cái gọi là “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam 2023”, gọi là để “tôn vinh” các đối tượng Trần Văn Bang, Y Wô Niê, Lê Trọng Hùng. Đây cũng chính là những kẻ đang phải chấp hành án phạt tù về các hoạt động chống phá đất nước.
Theo thông tin công khai đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Trần Văn Bang (SN 1961, quê quán Hải Dương) và Lê Trọng Hùng (SN 1979, trú tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị TAND cấp cao tại TP.HCM và TAND thành phố Hà Nội tuyên y án lần lượt 8 năm tù giam và 5 năm tù giam về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo quy định tại Điều 117, Bộ luật Hình sự. Y Wô Niê (SN 1970, ở buôn Pưk, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk), bị TAND cấp cao tại Đắk Lắk tuyên phạt y án sơ thẩm 4 năm tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Cả ba đối tượng trên đều có hành vi vi phạm pháp luật, bị điều tra, truy tố, xét xử và kết án theo đúng quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, song lại được tổ chức Mạng lưới nhân quyền Việt Nam đeo cho tấm mặt nạ, khoác lên người tấm áo, xưng tụng là những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền. Để rồi từ đó, trao cho cái gọi là “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam 2023”.
Động cơ, mục đích sâu xa nhằm xuyên tạc về vấn đề dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, đồng thời cổ súy cho những kẻ lợi dụng quyền tự do dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật, chống phá đất nước của tổ chức Mạng lưới nhân quyền Việt Nam càng lộ rõ hơn nếu nhìn vào danh sách đã được tổ chức này “vinh danh” những năm qua, đều là những cá nhân vi phạm pháp luật đã bị kết án tù như: Nguyễn Văn Lý, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Hải (Hải “Điếu cày”), Cù Huy Hà Vũ, Tạ Phong Tần, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ “nấm”), Phạm Đoan Trang, Lê Công Định, Cấn Thị Thêu…
Đó là những đối tượng vi phạm pháp luật, bị điều tra, truy tố, xét xử và kết án nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật, song bỗng chốc được “xướng tên”, “vinh danh” như là những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và khi bị bắt, giam giữ lại trở thành “tù nhân lương tâm”.
Chuyện “đổi trắng thay đen” này không chỉ có tổ chức Mạng lưới nhân quyền Việt Nam mà cũng là chiêu trò, thủ đoạn mà các tổ chức thù địch, chống phá nước ta thường xuyên sử dụng mỗi khi có cơ hội. Họ chẳng phải bênh vực, đấu tranh cho những đối tượng vi phạm pháp luật ở Việt Nam mà muốn núp dưới chiêu bài “bảo vệ nhân quyền trên thế giới”, “thúc đẩy dân chủ, nhân quyền cho người dân Việt Nam”… để có những việc làm, hành động nhằm cổ súy cho các hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự, bất ổn xã hội hội, phá hoại cuộc sống bình yên của người dân là không thể chấp nhận. Đây chính là việc lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền để chống phá Nhà nước và chế độ ở Việt Nam.
Bất kỳ ai vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh
Nhiều năm qua, việc xuyên tạc, bóp méo tình hình nhân quyền tại Việt Nam luôn là một “mũi chủ công” trong chiến lược chống phá Việt Nam của các tổ chức, cá nhân thù địch, phản động. Trong đó, họ luôn tìm mọi cách cổ súy, dựng lên các đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị và có hành vi vi phạm pháp luật ở trong nước, gắn cho cách danh xưng mỹ miều “nhà hoạt động đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền” hay “tù nhân lương tâm” hòng đánh lừa dư luận, vu cáo Nhà nước ta vi phạm nhân quyền. Chỉ cần lướt qua những đối tượng được “vinh danh”, “trao thưởng” thời gian qua là thấy rõ điều này.
Song thật trớ trêu là chính những người được các thế lực thù địch, phản động gọi là “tù nhân lương tâm” ở Việt Nam khi bị điều tra, bắt giữ, truy tố, xét xử và kết án lại thừa nhận rằng, do không có kiến thức pháp luật, không lường hết hậu quả của những việc đã làm, do nhận tiền và bị xúi giục, ảo tưởng trước việc được xưng tụng, vinh danh… nên đã có hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, tại phiên tòa, hai bị cáo Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung đều đã thành khẩn khai báo, thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình đã vi phạm pháp luật; đồng thời cho biết nguyên nhân là do bị tiêm nhiễm những quan điểm sai trái về dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch, chống phá đất nước.
Cũng như mọi quốc gia độc lập, có chủ quyền trên thế giới, Việt Nam tôn trọng, bảo đảm các quyền cơ bản của con người bằng hệ thống luật pháp hoàn chỉnh cũng như trên thực tế. Và cũng như các quốc gia khác, tại Việt Nam, việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác... Những hành vi tuyên truyền xuyên tạc, bịa đặt, kích động vi phạm pháp luật, chống phá Nhà nước; âm mưu tổ chức hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân đều bị xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật nhằm giữ gìn an ninh trật tự, giữ gìn ổn định chính trị - xã hội.
Hiến Pháp - đạo luật gốc của Nhà nước Việt Nam - hiến định rõ ràng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều 14 ghi: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Điều 15 hiến định: “1. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. 2. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. 3. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. 4. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.
Có thể khẳng định hiến định, quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân tương đồng với luật pháp quốc tế phổ quát trên thế giới. Trong đó, khoản 2, Điều 29 “Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền năm 1948” nêu rõ: “Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra ngõ hầu những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn”.
Thượng tôn pháp luật cùng với một hệ thống pháp luật hoàn thiện thống nhất giúp bộ máy nhà nước vận hành trơn tru, thúc đẩy đất nước phát triển, bảo vệ, bảo đảm các quyền cơ bản được hiến định của công dân. Do đó, thượng tôn pháp luật, tuân thủ pháp luật là điều tất yếu với mọi cá nhân, tổ chức trên lãnh thổ Việt Nam. Đó cũng chính là để bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của mọi cá nhân, tổ chức.
Bất kỳ ai, tổ chức nào nếu vi phạm pháp luật đều phải bị điều tra, truy tố, xét xử và kết án nghiêm minh theo pháp luật. Nói cách khác, ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” mà chỉ có các bị can, bị cáo, tội phạm vi phạm pháp luật hình sự bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam - điều hiển nhiên được cộng đồng quốc tế thừa nhận, tôn trọng. (Còn nữa)