Nhận diện và trọng dụng người tài cách nào?
Dự thảo nghị định chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến. Tuy nhiên, tiêu chí xác định thế nào là người tài vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau.
Báo Giao thông trao đổi với ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
Đẩy mạnh cơ chế tiến cử
Chuyện thế nào là người tài gây tranh cãi rất nhiều từ trước tới nay, vậy theo ông thế nào là người tài?
Nói đến nhân tài một cách toàn diện, theo tôi phải gọi phải gọi là hiền tài, tức là người vừa có tài vừa có đức.
Nghĩa chung nhất, thì nhân tài là người có khả năng "kinh bang tế thế", biết xoay chuyển cục diện, có năng lực nổi trội. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn của ba yếu tố tài năng, cam kết và cống hiến. Quan trọng, tài phải gắn với đức.
Theo ông thì nên nhận diện nhân tài thế nào và trọng dụng họ ra sao?
Cách nhận diện phổ biến nhất hiện nay, tùy theo nhóm cán bộ cần tuyển chọn để xác định chủ đề tương ứng: Đối với các chức danh do bầu cử (lãnh đạo, quản lý), thì phải trình bày được cương lĩnh, chương trình, kế hoạch hành động và bảo vệ được quan điểm, tư tưởng của mình trước tập thể có thẩm quyền.
Đối với các chức danh do bổ nhiệm (điều hành), thì nhất thiết phải thông qua thi tuyển.
Ngoài hai hình thức tuyển chọn cơ bản trên, cần đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tiến cử nhân tài.
Theo đó, những ai nhận thấy một người có khả năng đáp ứng đủ các tiêu chí cán bộ theo từng nhóm thì tiến cử người ấy cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Đồng thời, phải xác định trách nhiệm cụ thể của tập thể, cá nhân trong việc tuyển chọn cán bộ và tiến cử nhân tài, với các quy định về thưởng, phạt nghiêm minh.
6 nhóm nhân tài
Là một người kiên trì đề xuất chính sách về trọng dụng nhân tài, liên tục đề nghị ở Quốc hội các khóa XIII, XIV. Vậy ông đánh giá như thế nào về dự thảo nghị định trọng dụng nhân tài lần này?
Để tìm được người hiền tài đích thực thì chúng ta phải có cơ chế thật tốt, phát huy được khả năng, sở trường của họ, tạo ra thành quả có tính đột phá.
Đề xuất xây dựng nghị định để "cầu hiền" được đặt ra trong bối cảnh hiện nay, đương nhiên là cần thiết. Song cần làm rõ định nghĩa nhân tài, phân loại nhân tài trong từng lĩnh vực, những nguyên tắc lựa chọn và trọng dụng.
Nhân tài phải cam kết cống hiến và người quản lý phải có tiêu chí để đánh giá năng lực, những cống hiến của nhân tài.
Đồng thời phải đề cập tới trách nhiệm tiến cử, đề cử, trọng dụng nhân tài cũng như cơ chế bảo vệ và chế tài xử lý đối với những hành vi trù dập, ngăn cản nhân tài...
Trong dự thảo đang được lấy ý kiến có nêu một số tiêu chí như: Người tài cần có phẩm chất đạo đức, lối sống chuẩn mực; có khát vọng cống hiến, phụng sự đất nước; có trình độ, năng lực sáng tạo vượt trội… Theo ông, như vậy đã đủ chưa?
Nhân tài cần phải được phân loại theo 6 lĩnh vực: chính trị, quản lý, điều hành, khoa học, chuyên môn và văn hóa, nghệ thuật.
Nhân tài trong chính trị là những người xuất chúng, có tư duy ở tầm tư tưởng, trên cơ sở nhận thức đúng đắn quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội, có tầm nhìn xa, trông rộng để hoạch định đường lối, chính sách chiến lược, làm định hướng dẫn dắt, có khả năng khởi xướng chính sách và tạo cảm hứng.
Nhân tài trong quản lý là những người có năng lực vượt trội về phương pháp, biết cụ thể hóa tư tưởng chính trị thành những chính sách cụ thể, những quy tắc xử sự phù hợp để triển khai các mục tiêu, định hướng thành hiện thực.
Nhân tài trong điều hành là những người nắm chắc đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật để chỉ huy hệ thống thuộc quyền vận hành theo đúng mục tiêu, đạt được kết quả như mong muốn.
Nhân tài trong khoa học là những người có khả năng nhận thức được quy luật vận động, phát triển, từ đó đưa ra lời giải cho việc xử lý những vấn đề mà cuộc sống đặt ra.
Nhân tài trong chuyên môn là những người có khả năng ứng dụng thuần thục các quy trình, quy phạm, quy tắc trong công việc, bảo đảm sự đúng đắn, chính xác, tuyệt đối, mà không để xảy ra sai phạm.
Nhân tài trong văn hóa, nghệ thuật là những người có khả năng sáng tạo, trình bày tác phẩm, các giá trị văn hóa, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân.
Đã có tài thì không ngại xuất thân
Việc phân loại như ông nói nhằm mục đích gì?
Khi phân loại được 6 nhóm nhân tài như trên, sẽ là cơ sở để bố trí nhân sự phù hợp với từng lĩnh vực cụ thể theo sở trường, sở đoản của từng người. Dụng nhân như dụng mộc. Khi dựng nhà, cũng phải lựa từng loại gỗ cho phù hợp.
Một người có khả năng làm tốt công tác phong trào, chưa hẳn trở thành một chính trị gia, một nhà lãnh đạo trong hệ thống chính trị.
Một doanh nghiệp giỏi về sản xuất, kinh doanh chưa hẳn trở thành một nhà quản lý, điều hành trong bộ máy hành chính; một nhà khoa học xuất sắc chưa hẳn trở thành một chính khách...
Trên thực tế, chúng ta đã có sự nhầm lẫn đáng tiếc trong việc trọng dụng nhân tài.
Một trong những chính sách đáng chú ý là người tài sẽ được ưu tiên bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo quản lý hoặc chuyên gia đầu ngành mà không phụ thuộc số năm công tác. Điều này liệu có khuyến khích được họ?
Tôi nghĩ, chính sách ưu tiên này sẽ không có vấn đề gì nếu được thực hiện thông qua thi cử quang minh chính đại.
Như chương trình "Đường lên đỉnh Olympia", những em được giải thì gần như dư luận tuyệt đối tán thành. Họ xuất chúng như thế thì đâu có ai phản đối, kiến nghị.
Khi người tài có bằng chứng để chứng minh, ghi nhận thì thành phần xuất thân không quan trọng. Đó mới là hồng phúc dân tộc!
Thực tế hiện nay cứ có người trẻ lên chức bị nghi là con ông cháu cha. Vì con đường xuất thân của nhiều vị mập mờ, được nâng đỡ, khi đảm nhận chức vụ không thể hiện được điều gì.
Có điều khi bổ nhiệm phải xem xét thêm cái tâm của họ. Có tài mà phục vụ cho lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân thì không nên bổ nhiệm và không xứng đáng làm lãnh đạo.
Trong nghị định này, về vấn đề đãi ngộ, có chính sách hàng tháng người tài được hưởng khoản tiền khuyến khích bằng 100% mức lương hiện hưởng. Với mức đãi ngộ này thì liệu người tài có thực sự mặn mà?
Mức lương, thưởng đãi ngộ cũng quan trọng nhưng thực tế, qua tiếp xúc với nhiều người trẻ tài năng, tôi nhận thấy họ không nhất thiết phải có thu nhập. Điều mà đa phần họ mong muốn chính là môi trường làm việc và được tôn trọng trong sáng tạo và được thực hiện những dự định của mình.
Như vậy, ở vị trí người đứng đầu đơn vị cơ quan, thủ trưởng cơ quan cần tôn trọng tính sáng tạo, định vị tài năng và thừa nhận họ.
Nguyên lý chung là chỉ có người tài mới nhận ra người tài. Trên thực tế, có người đứng đầu cao nhưng chưa hẳn chất lượng trí tuệ, tài năng bằng cấp dưới. Thế nhưng, tiếp nhận một tài năng trẻ, những cán bộ này lại xem thường họ.
Về môi trường làm việc, chẳng hạn nếu như đó là nhân tài khoa học - công nghệ nhưng lại về nơi không có phòng thí nghiệm để khai triển ý tưởng thì sẽ thui chột.
Bên cạnh đó là được ghi nhận đánh giá. Họ muốn được đánh giá công bằng, khách quan. Nếu không, người tài chạy hết sang nước ngoài.
Cuối cùng là cơ hội thăng tiến, chỉ khi nắm giữ chức vụ quyền hạn thì mới có công cụ, điều kiện để thực hiện ý tưởng. Nếu một người tài đang làm ở cấp phòng nhưng đáp ứng được tiêu chí của cấp vụ có thể cất nhắc.
Cảm ơn ông!
Theo dự thảo Nghị định quy định chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Nội vụ đề xuất người tài khu vực công được ưu tiên thuê nhà công vụ, vay mua nhà trả góp với lãi suất ưu đãi, hàng tháng được hưởng khoản tiền khuyến khích bằng 100% mức lương hiện hưởng cùng nhiều chế độ đãi ngộ khác.
Đối với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng, Bộ Nội vụ đề xuất tuyển dụng bằng hình thức xét tuyển.