Nhận diện vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển công nghiệp văn hóa
Theo các chuyên gia nghiên cứu, Nhà nước cần dành sự quan tâm nhiều hơn cho các chủ thể công nghiệp văn hóa, để khu vực kinh tế tư nhân phát huy vai trò trong xã hội.

Công nghiệp văn hóa đang được Nhà nước quan tâm đầu tư, xác định là một ngành kinh tế. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Kinh tế tư nhân không chỉ cần được nhìn nhận là nhà đầu tư, mà cần được xem là người đồng kiến tạo tương lai văn hóa Việt Nam. Họ có khát vọng, có tiềm lực, có tinh thần đổi mới, cần sự tin tưởng và sự đồng hành từ thể chế.
Đó là ý kiến của Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội trong buổi tọa đàm “Vai trò của các chủ thể trong phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045” ngày 27/3 tại Hà Nội.
Theo ông Bùi Hoài Sơn, kinh tế tư nhân đã xuất hiện như một lực lượng năng động, nhanh nhạy và sáng tạo, đáp ứng được yêu cầu của thời đại. Với khả năng huy động vốn linh hoạt, với tư duy thị trường, với tinh thần đổi mới liên tục, các doanh nghiệp tư nhân đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của nhiều lĩnh vực văn hóa – từ điện ảnh, âm nhạc, thời trang, truyền thông đến xuất bản và nghệ thuật biểu diễn.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
“Trong kỷ nguyên mới của dân tộc, vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển văn hóa càng trở nên nổi bật và cần thiết hơn bao giờ hết. Họ là những người dám nghĩ, dám làm, dám thử nghiệm và mở đường; là lực lượng tiên phong đưa văn hóa Việt ra thế giới bằng những bước đi táo bạo, sáng tạo và linh hoạt,” ông Sơn nói.
Tuy nhiên, để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực chiến lược cho phát triển văn hóa, cần có một hệ sinh thái thuận lợi: chính sách ưu đãi rõ ràng, hành lang pháp lý minh bạch, cơ chế khuyến khích đổi mới và sự đồng hành chặt chẽ từ Nhà nước. Cần thay đổi tư duy từ "xin-cho" sang "hợp tác cùng phát triển," từ "hành chính hóa" sang "tạo điều kiện và hỗ trợ."
Cùng quan điểm, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng để các chủ thể của công nghiệp văn hóa rất cần sự nâng đỡ của Nhà nước.

Các diễn giả tại tọa đàm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
“Cụm từ công nghiệp văn hóa ngày nay không còn xa lạ với chúng ta nhưng để có sự tham gia đầy trách nhiệm của các chủ thể công nghiệp văn hóa thì vẫn còn xa bởi dấn thân vào thị trường là phải chịu nhiều rủi ro. Chúng tôi đang đề xuất sửa Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, có cơ chế ưu đãi thuế hoặc thành lập quỹ hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp văn hóa,” bà Nguyễn Thị Thu Phương cho biết.
Đóng góp ý kiến tại tọa đàm, Tiến sỹ Nguyễn Thị Quý Phương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty tư vấn QP Việt Nam khẳng định chủ thể của công nghiệp văn hóa là các doanh nghiệp, nhưng hiện nay Nhà nước vẫn đang đầu tư mạnh cho các thiết chế văn hóa mà chưa có sự quan tâm đúng mức đối với các doanh nghiệp.
“Thực tế là khoảng 97.000 doanh nghiệp đang phải ‘tự bơi.’ Qua giai đoạn COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã bị phá sản. Không phải ai cũng thành công như Trấn Thành. Dù phim ‘Dòng máu anh hùng’ rất thành công nhưng hãng phim Chánh Phương của Nghệ sỹ Ưu tú Chánh Tín vẫn phá sản vì không ‘gồng’ được chi phí, lãi ngân hàng,” bà Quý Phương chia sẻ./.
Tại tọa đàm, Viện Nghiên cứu Trung Quốc phối hợp Nhà xuất bản Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) ra mắt cuốn sách “Chọn cho hay chọn bỏ - Thị trường văn hóa Trung Quốc trong kỷ nguyên toàn cầu hóa” do Tiến sỹ Trần Thị Thủy (Viện Nghiên cứu Trung Quốc) chủ biên.
Cuốn sách được đúc kết từ đề tài khoa học cấp bộ “Phát triển thị trường văn hóa ở Trung Quốc từ đầu thế kỷ XXI đến nay,” được thực hiện trong giai đoạn 2021-2022, do Viện Nghiên cứu Trung Quốc chủ trì.
Cuốn sách gồm ba chương chính, đưa ra một số vấn đề lý thuyết và thực tiễn về thị trường văn hóa Trung Quốc cùng những gợi mở đối với công nghiệp văn hóa Việt Nam.