Tuyên bố không bận tâm nếu giá tăng sau 'Ngày giải phóng', 'ván cược' của Tổng thống Trump có đưa ngành sản xuất Mỹ hồi sinh?

Nhà Trắng đang chuẩn bị áp dụng mức thuế mới đối với nhiều mặt hàng tiêu dùng vào ngày 2/4, động thái vấp phải sự chỉ trích từ các nhà lãnh đạo quốc tế và lo ngại về khả năng giá cả tăng đối với người tiêu dùng. Tổng thống Donald Trump tuyên bố không bận tâm.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 28/3. (Nguồn: Reuters)

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 28/3. (Nguồn: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngày 29/3, cho biết ông không cảnh báo các giám đốc điều hành ngành công nghiệp ô tô về việc tăng giá khi thuế quan đối với ô tô sản xuất nước ngoài có hiệu lực, đồng thời nói với NBC News rằng ông "không quan tâm" nếu họ có làm vậy.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Donald Trump cho biết mức thuế quan cố định đối với ô tô sản xuất ở nước ngoài sẽ thúc đẩy các nhà máy tại Mỹ và tin tưởng động thái này sẽ dẫn đến doanh số bán ô tô sản xuất trong nước tăng lên. "Tôi hy vọng họ sẽ tăng giá, vì nếu họ làm vậy, mọi người sẽ mua ô tô sản xuất nội địa", ông nói.

Tổng thống Trump khẳng định ông sẽ chỉ cân nhắc đàm phán về thuế quan "nếu mọi người sẵn sàng cung cấp cho chúng ta thứ gì đó có giá trị lớn".

Thuế quan là một phần trong nỗ lực của ông nhằm thúc đẩy sản xuất tại Mỹ và giảm thâm hụt thương mại của nước này. Chính sách thương mại của ông là trọng tâm chính trong nhiệm kỳ tổng thống, giữa bối cảnh căng thẳng đang diễn ra với các đối tác thương mại lớn.

Theo CBS News, Tổng thống Donald Trump gọi ngày 2/4 là "Ngày giải phóng", đánh dấu bước tiến quan trọng trong chính sách "Nước Mỹ trước tiên" với kế hoạch áp thuế rộng rãi nhằm thúc đẩy sản xuất nội địa. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo động thái này có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu, đẩy giá cả leo thang và gây bất ổn cho nền kinh tế Mỹ.

Chính quyền của ông Donald Trump dự kiến áp mức thuế tương ứng với rào cản thương mại mà các nước đặt ra đối với hàng hóa Mỹ. Dù nhằm giảm thâm hụt thương mại và khuyến khích sản xuất trong nước, nhưng việc tăng giá nhập khẩu có thể khiến người tiêu dùng xứ cờ hoa chịu thiệt.

Theo Colin Grabow từ Viện Cato, "thuế quan thực chất là một loại thuế mà người tiêu dùng phải gánh". Trong khi đó, giới phân tích cảnh báo chính sách này có thể làm suy yếu GDP và tác động tiêu cực đến đầu tư kinh doanh do tâm lý bất ổn.

Ông Trump kỳ vọng chính sách thuế sẽ buộc các công ty chuyển hoạt động sản xuất về Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định mức thuế 10-20% chưa đủ để đảo ngược xu hướng dịch chuyển sản xuất ra nước ngoài. Chi phí lao động tại nhiều nước vẫn thấp hơn đáng kể so với Mỹ, khiến việc "hồi hương sản xuất" trở nên kém hấp dẫn.

Bên cạnh đó, sự không chắc chắn về tính bền vững của chính sách thuế cũng khiến các doanh nghiệp cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đầu tư vào sản xuất nội địa.

Với việc các doanh nghiệp dự kiến chuyển phần lớn chi phí thuế quan sang người tiêu dùng, giá cả hàng hóa có thể tăng cao, đẩy lạm phát lên mức đáng lo ngại.

Theo Oxford Economics, nếu thuế nhập khẩu trung bình tăng lên 10% vào tháng 4, lạm phát có thể tăng thêm 0,5 điểm phần trăm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

Dù ông Trump tin rằng chính sách thuế sẽ giúp nước Mỹ giành lại "tiền bạc và sự tôn trọng", nhưng hiệu quả thực tế vẫn là một dấu hỏi lớn. Liệu động thái này có thực sự mang lại lợi ích lâu dài cho nền kinh tế Mỹ hay chỉ làm gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước.

(theo Reuters, Washington Post, CBS News)

Vũ Khúc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tuyen-bo-khong-ban-tam-neu-gia-tang-sau-ngay-giai-phong-van-cuoc-cua-tong-thong-trump-co-dua-nganh-san-xuat-my-hoi-sinh-309374.html