Nhận diện vướng mắc về cơ chế tài chính cho các dự án PPP

Ngày 11/7, tại hội thảo 'Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển hạ tầng một số lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam', ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), đã trình bày về một số các vướng mắc liên quan đến cơ chế quản lý tài chính đối với các dự án PPP.

Kiến nghị bỏ trần vốn nhà nước tham gia dự án PPP

Phát biểu tại hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư Dương Bá Đức cho hay, giai đoạn 2010 - 2014 là giai đoạn số lượng dự án PPP được ký kết nhiều nhất. Giai đoạn 2015 - 2020 tập trung chủ yếu tiếp tục đàm phán một vài dự án BOT điện có vướng mắc trong giai đoạn trước và xử lý các vướng mắc của các dự PPP đã ký hợp đồng.

Giai đoạn 2021 (thời điểm Luật PPP có hiệu lực đến nay), có 3 dự án BOT giao thông được chuyển tiếp từ giai đoạn trước và đã ký; 8 dự án mới song đang giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa ký kết hợp đồng PPP, trong đó 7 dự án thuộc lĩnh vực giao thông.

Số lượng dự án mới khá khiêm tốn đặt ra câu hỏi về nguyên nhân dẫn đến xu hướng giảm các dự án PPP trong giai đoạn từ 2015 đến nay, do khung pháp lý, do công tác tổ chức thực hiện hay là do nguyên nhân vĩ mô khác… Liệu các cơ chế quản lý tài chính cho các dự án PPP tại Luật PPP và các nghị định hướng dẫn đã đủ hấp dẫn hay chưa, có vướng mắc gì không?

Ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư Bộ Tài chính, trình bày tại hội thảo

Để trả lời các câu hỏi này, lãnh đạo Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì rà soát vướng mắc Nghị định số 28/2021/NĐ-CP và đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2023. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính (Vụ Đầu tư) đã chủ động rà soát, xin ý kiến các bộ, ngành, các bên liên quan và qua đó tổng hợp được một số vấn đề chính.

Trong đó, liên quan đến Luật PPP, có ý kiến cho rằng quy định phần vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP tối đa 50% tổng mức vốn đầu tư (Điều 69 Luật PPP) là không phù hợp. Một số ý kiến đề nghị bỏ quy định mức trần này, trong khi một số ý kiến khác đề nghị nghiên cứu sửa đổi tăng tỷ lệ này, có thể là 70% tổng mức đầu tư.

Theo Vụ Đầu tư, do tính chất đặc thù của một số dự án giao thông đường bộ có chi phí giải phóng mặt bằng tương đối cao, nên khi các dự án này thực hiện theo hợp đồng BOT đòi hỏi phần vốn nhà nước hỗ trợ cho dự án có thể phải cao hơn 50% tổng mức đầu tư. Hiện nay, Chính phủ đang nghiên cứu xây dựng luật sửa đổi các luật; trong đó dự kiến sửa đổi quy định tháo gỡ vướng mắc nêu trên cho các dự án giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, để đảm bảo sử dụng vốn nhà nước thật sự hiệu quả, ông Dương Bá Đức cho rằng cần phải có quy định chặt chẽ về tiêu chí cho phép các dự án đường bộ được áp dụng mức trần vốn nhà nước trên 50% tổng mức đầu tư.

Dùng vốn dự phòng ngân sách để chia sẻ doanh thu giảm là chưa phù hợp quy định

Về cơ chế chia sẻ doanh thu giảm, Bộ Tài chính cho rằng, quy định sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách để xử lý cơ chế chia sẻ doanh thu giảm (quy định tại Khoản 3 Điều 83 Luật PPP) là chưa phù hợp với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; chưa phù hợp với mục đích sử dùng nguồn ngân sách dự phòng. Do đó, Vụ Đầu tư đề nghị nghiên cứu sửa đổi quy định này theo hướng bố trí một dòng ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để chia sẻ phần doanh thu giảm.

Bên cạnh đó, một số ý kiến địa phương đề nghị Nhà nước sẽ chia sẻ doanh thu giảm cho nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án PPP ngay khi doanh thu thực tế giảm dưới 75% doanh thu quy định trong hợp đồng, chứ không phải thực hiện điều chỉnh giá, thời hạn hợp đồng như quy định tại Luật PPP. Đồng thời, các ý kiến đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của Nhà nước khi không bố trí đủ nguồn vốn để thanh toán cho nhà đầu tư theo quy định.

Hội thảo diễn ra trong ngày 11/7.

Hội thảo diễn ra trong ngày 11/7.

Liên quan đến Nghị định số 28/2021/NĐ-CP, một số ý kiến nêu vấn đề về lãi suất vốn vay. Cụ thể, có ý kiến đề nghị có hướng dẫn cụ thể hơn, chỉ rõ tên các ngân hàng được sử dụng để tham khảo mức lãi suất vốn vay khi lập phương án tài chính dự án PPP.

Theo Vụ Đầu tư, đối với dự án PPP, lãi suất vốn vay của các dự án phụ thuộc nhiều vào rủi ro lĩnh vực của dự án, mức độ rủi ro mà doanh nghiệp dự án PPP phải nhận trách nhiệm, loại hợp đồng khác nhau và tình hình thị trường tín dụng. Thời gian từ giai đoạn lập báo cáo tiền khả thi đến đàm phán, ký kết hợp đồng có thể kéo dài từ 1 đến 3 năm. Do đó mức lãi suất vốn vay có thể thay đổi khá lớn giữa các khoảng thời gian này. Việc quy định tên ngân hàng cụ thể để cơ quan có thẩm quyền tham khảo mức lãi suất vốn vay không phù hợp bởi lẽ nhà đầu tư họ có quyền tự do trong việc lựa chọn ngân hàng để vay.

Về chỉ tiêu đánh giá phương án tài chính đối với các lĩnh vực cụ thể, một số địa phương bộ, ngành đề nghị quy định hướng dẫn các chỉ tiêu phân tích, đánh giá tính khả thi của phương án tài chính quy định tại khoản 8 Điều 4 Nghị định số 28/2021/NĐ-CP cho từng lĩnh vực cụ thể.

Cho rằng kiến nghị là phù hợp, song ông Dương Bá Đức lưu ý mỗi ngành, lĩnh vực đều có đặc thù. Do đó, việc quy định cụ thể từng lĩnh vực tại nghị định rất khó phù hợp, thay vào đó Chính phủ nên giao cho các bộ, ngành hướng dẫn cụ thể (nếu cần).

Theo ông Dương Bá Đức, các vướng mắc tại các quy định của Luật PPP, thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Qua rà soát, tổng hợp, Bộ Tài chính ghi nhận và sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết trong thời gian tới. Đối với các vướng mắc liên quan đến Nghị định 28/2021/NĐ-CP, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến của các đơn vị và đề xuất các phương án sửa đổi, bổ sung các quy định của Nghị định số 28 (nếu cần) để báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào quý III/2023.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhan-dien-vuong-mac-ve-co-che-tai-chinh-cho-cac-du-an-ppp-131801.html