Nhận định chứng khoán tuần 8-14/7: Thị trường vào vùng tích lũy trong biên độ hẹp

Thị trường chứng khoán trong nước tuần từ 8 -14/7 có diễn biến giằng co trong biên độ hẹp. Chỉ số VN-Index điều chỉnh giảm không đáng kể so với tuần trước.

Thị trường chứng khoán trong nước tuần qua vừa trải qua tuần với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Chỉ số VN-Index điều chỉnh giảm không đáng kể so với tuần trước dù trong tuần có 3 phiên giảm liên tiếp. Thị trường đang cho thấy sự tích lũy khá tích cực trong bối cảnh nhà đầu tư ngóng chờ thông tin kết quả kinh doanh quý II.

Thanh khoản trên sàn HOSE tuần này giảm mạnh so với tuần trước đó khi khối lượng khớp lệnh giảm 26,8%; tổng giá trị tăng 33,88%, tương ứng đạt 97.308 tỷ đồng.

Thống kê giao dịch trên sàn HOSE tuần qua, chỉ số VN-Index có 2 phiên tăng đầu tuần, trong đó điểm nhấn là phiên tăng hơn 10 điểm ngày 9/7 đưa chỉ số vượt mốc 1.290 điểm tiến gần hơn tới mốc 1.300 điểm. Tuy nhiên, thị trường sau đó có 3 phiên giảm liên tiếp nhưng mức độ biến động không lớn và đóng cửa vẫn giữ được ngưỡng 1.280 điểm.

Nhận định chứng khoán tuần 8-14/7: Thị trường vào vùng tích lũy trong biên độ hẹp

Nhận định chứng khoán tuần 8-14/7: Thị trường vào vùng tích lũy trong biên độ hẹp

Diễn biến thị trường cho thấy lực cầu hụt hơi thay vì nguồn cung tăng mạnh, khi phiên giảm mạnh nhất thị trường cũng chỉ mất gần 8 điểm.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số VN-Index đóng cửa tại 1.280,8 điểm, giảm nhẹ -2,29 điểm, tương đương giảm -0,18% so với phiên cuối tuần trước. Mức độ giảm điểm là không lớn và biên độ biến động của từng phiên khá hẹp cho thấy thị trường đang vào ở vùng tích lũy trên nền thanh khoản vừa phải.

Trong tuần qua, vì sự phân hóa khá rõ nên diễn biến các nhóm ngành cũng có sự phân hóa giữa các ngành và chính trong nội bộ từng ngành. Nếu so với tuần trước, cũng có ngành tăng điểm tích cực, nhưng cũng có ngành điều chỉnh giảm; tuy nhiên, điểm chung là mức độ biến động không nhiều. Nhóm tăng cao nhất là dầu khí cũng chỉ +3,5% và nhóm giảm nhiều nhất là công nghệ thông tin cũng chỉ -3,2% so với tuần trước.

Cụ thể hơn, sau giai đoạn tăng điểm mạnh vừa qua, nhóm ngành công nghệ hông tin đã giảm điểm trong tuần với các mã tiêu điểm như: FPT (-3,53%), CMG (-0,62%), ICT (-8,61%), ITD (-4,1%)...

Ngoài nhóm công nghệ thông tin, một số nhóm cổ phiếu khác cũng có diễn biến không tích cực trong tuần như: Nhóm viễn thông, tiêu biểu với MFS (-14,58%), ABC (-11,9%), TTN (-4,33%)...; nhóm cổ phiếu bia giao dịch trong sắc đỏ với SAB (-3,45%), BHN (-2,17%)...; nhóm cổ phiếu thực phẩm cũng giảm điểm với MSN (-2,48%), VNM (-1,34%), DBC (-3,55%)...

Khối ngoại tiếp tục bán ròng với giá trị bán ròng tăng gấp đôi so với tuần trước, đạt -4.482 tỷ đồng trong tuần, nâng giá trị bán ròng của khối ngoại lũy kế từ đầu năm tới -58.269 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán trong nước có thể nói vừa trải qua một tuần giao dịch trầm lắng. Chỉ số VN-Index điều chỉnh giảm so với tuần trước tuy nhiên thị trường đang cho thấy sự tích lũy tích cực trên nền thanh khoản tốt hơn, dù có suy giảm dần về cuối tuần. Nhiều chuyên gia đều rằng, việc thị trường tích lũy trong biên độ hẹp bối cảnh này là khá hợp lý để chờ những tín hiệu rõ nét hơn từ kết quả kinh doanh.

Thị trường chứng khoán tuần tới sẽ đón nhận liên tục các thông tin về kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng của nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn đang được mong chờ. Các dự báo đều kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ tích cực hơn và tác động tâm lý từ đó giúp dòng tiền chủ động nhập cuộc. Dòng tiền hiện tại vẫn luân phiên khá tốt, nhưng lực vẫn chưa đủ để thúc đẩy tâm lý “xuống tiền” của khối nhà đầu tư đang quan sát.

Chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán kiến thiết Việt Nam cho rằng, thanh khoản tăng nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình của 20 tuần, với biên độ điều chỉnh rất nhỏ (-0,18%) cho thấy xu hướng giao dịch của tuần qua chủ yếu là đi ngang, tích lũy trong biên độ khá hẹp.

Vì vậy, khả năng cao xu hướng đi ngang sẽ kéo dài trong vài phiên tới, để thị trường tích lũy, chuẩn bị cho sự bùng nổ thanh khoản và xác nhận xu hướng rõ ràng hơn.

“Chúng tôi thiên về tín hiệu tích cực nên vẫn giữ quan điểm nên mua vào, trong đó lựa chọn những mã cổ phiếu đã xây nền tích lũy trong 2 tuần trước đó”, CSI khuyến nghị.

Theo dự báo của SHS Research, trường hợp tích cực nếu VN-Index phục hồi tốt ở vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.270 - 1.275 điểm, thì khả năng quay trở lại kiểm tra vùng khá 1.300 điểm vẫn có thể xảy ra. Trong khi đó, SSI Research thì cho rằng, VN-Index đang trong quá trình tìm kiếm điểm cân bằng ngắn hạn, nên có thể tiếp tục đà giảm và dao động trong biên độ 1.270 - 1.282 điểm.

Chuyên gia Phạm Bình Phương - Công ty Chứng khoán Mirae Asset - nhận định, VN-Index đang có trạng thái đi ngang, với tâm lý lưỡng lự của nhà đầu tư. Về mặt kỹ thuật, mốc tâm lý 1.300 điểm trở thành thử thách lớn cho VN-Index.

“Kết quả kinh doanh quý 2 sẽ là yếu tố đánh giá kỳ vọng vừa qua của nhà đầu tư với các nhóm cổ phiếu có hợp lý hay không. Việc chờ đợi thông tin này có lẽ chi phối mạnh đến quyết định giao dịch của nhà đầu tư”, ông Phương nhận định.

Nhóm phân tích từ công tyChứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, mùa công bố kết quả kinh doanh quý II diễn ra trong tháng 7 giúp VN-Index có cơ hội quay lại ngưỡng 1.300 điểm.

Theo ước tính của VDSC, doanh thu toàn thị trường bắt đầu có sự phục hồi so với quý trước, dù mức tăng có thể thấp hơn cùng kỳ. Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ước đạt 13% so với cùng kỳ, hàm ý về sự cải thiện biên lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết so với cùng kỳ”, VDSC nhận định

Ngọc Ngân

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhan-dinh-chung-khoan-tuan-8-147-thi-truong-vao-vung-tich-luy-trong-bien-do-hep-332192.html