Nhân dịp rằm tháng 7, nghe lại câu chuyện về ngày lễ Vu Lan
Ngày lễ Vu Lan hay Rằm tháng 7 là dịp lễ quan trọng trong phong tục của người Việt. Đây là ngày lễ lớn trong Phật giáo với ý nghĩa tôn kính và tri ân công ơn sinh thành của ông bà, cha mẹ. Ngoài ra, đây cũng là ngày Xá tội vong nhân với lễ cúng trang trọng, linh thiêng.
Ngày lễ Vu Lan còn được biết đến với các tên gọi khác như: ngày Xá tội vong nhân, tháng cô hồn, lễ Vu Lan, mùa Báo hiếu, Tết Trung nguyên.
Ngày lễ Vu Lan hay Rằm tháng 7 là ngày 15/7 âm lịch hàng năm. Năm nay, ngày này sẽ rơi vào thứ 4, ngày 30 tháng 8 Dương lịch.
Theo truyền thuyết dân gian, ngày lễ Vu Lan có nguồn gốc từ câu chuyện của Đại đức Mục Kiền Liên (đệ tử của Đức Phật).
Biết bà Thanh Đề (mẹ Đại đức Mục Kiền Liên) đang chịu khổ trong kiếp Ngạ quỷ nơi địa ngục, ông liền tìm đến dâng cơm cho mẹ. Tuy nhiên, vì nghiệp báo bà đã gây ra, khi cơm vừa đưa đến miệng đã biến thành lửa cháy.
Đại đức Mục Kiền Liên vô cùng xót thương cho mẹ nên đã tìm đến Đức Phật hỏi cách cứu mẹ. Đức Phật khuyên rằng, Rằm tháng 7 là ngày thích hợp để cung thỉnh chư Tăng và ông nên chuẩn bị mâm lễ vào ngày đó.
Ông liền tuân theo lời dạy và đã giải thoát mẹ khỏi kiếp Ngạ quỷ. Kể từ đó, lễ Vu Lan vào Rằm tháng 7 trở thành ngày quan trọng để tôn vinh lòng hiếu thảo và tri ân cha mẹ.
Lễ Vu lan đã trở thành ngày lễ hàng năm để tưởng nhớ về ân đức sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ, tổ tiên, nhắc nhớ mỗi người con hãy sống có hiếu hơn, đạo đức hơn nữa để đáp đền tình thương bao la rộng lớn của cha mẹ.
Ngày lễ Vu lan đã trở thành ngày lễ mang nét đẹp nhân văn sâu sắc, là một trong những hoạt động văn hóa truyền thống, tập quán tốt đẹp để tỏ lòng báo hiếu, tri ân của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, với những người thân đã khuất. Không những vậy, đây cũng là dịp để cầu siêu cho các Anh hùng Liệt sỹ, thể hiện đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc.
Trong lễ Vu Lan, mọi người thường thực hiện nghi thức bông hồng cài áo và thả đèn hoa đăng nhằm nguyện cầu công đức, mong muốn những điều tốt đẹp, an lành đến với ông bà, cha mẹ.
Ngoài ra, theo quan niệm của một Đạo giáo vào thời hậu Đông Hán ở Trung Quốc, ngày Rằm tháng 7 thuộc tiết Trung Nguyên, bắt đầu từ mùng 1 tháng 7 âm lịch (ngày mở cửa quỷ môn) đến ngày 30 tháng 7 (ngày đóng cửa quỷ môn). Vào tiết này, các vong hồn nơi địa ngục được trở lại dương gian để nhận lễ vật và sự cúng tế từ người sống. Do đó, ngày Rằm tháng 7 còn được gọi là ngày Xá tội vong nhân, cúng cô hồn hay cúng thí thực.
Theo tín ngưỡng Phật giáo, nguyên nhân của việc cúng cô hồn tháng 7 còn bắt nguồn từ câu chuyện giữa tôn giả A Nan Ðà và một ngạ quỷ. Vào đêm nọ, khi đang ngồi trong tịnh thất, ông A Nan Ðà thấy một ngạ quỷ khô gầy, cổ nhỏ dài và miệng nhả ra lửa tiến đến gần.
Con quỷ nói rằng ba ngày sau, tôn giả A Nan Đà sẽ chết và trở thành một ngạ quỷ miệng lửa, khuôn mặt cháy rụi như nó.Vì vậy, ông đã hoảng sợ và nhờ con quỷ chỉ cho ông cách tránh khỏi kiếp nạn khốn khổ. Thế là con quỷ nói rằng, sau này, ông phải cúng thí cho chúng tôi và vì tôi mà cúng dường Tam Bảo. Như vậy sẽ giúp ông được gia tăng tuổi thọ và tôi cũng sẽ được vãng sanh.
Tôn giả A Nan chia sẻ câu chuyện với Đức Phật, ngài đã ban cho ông bài kinh “Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni” để tụng trong nghi thức cúng lễ, đạt thêm phúc phần.
Ngày Xá tội vong nhân với lễ cúng cô hồn, cúng thí thực đã trở thành nghi thức truyền thống trong tín ngưỡng của người Việt. Lễ cúng có ý nghĩa cung cấp thức ăn và cầu mong cho những vong hồn vất vưởng không nơi hương khói sớm được siêu sinh. Qua đó thể hiện lòng nhân ái, cứu khổ, giúp đỡ những người khốn khó theo đạo lý tốt đẹp của người Việt.