Nhân lên nét đẹp văn hóa ứng xử trong gia đình
Thực tế khẳng định, con người chỉ có thể được trang bị những phẩm chất tốt đẹp nếu có một môi trường xã hội tốt. Môi trường đó trước hết là từ mỗi gia đình, mỗi tế bào của xã hội.
Tiếng nói từ cơ sở
Ðảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng gia đình trong thời đại mới, khẳng định vai trò của gia đình đối với sự phát triển đất nước. Theo đó, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương cả nước đã ban hành nhiều giải pháp, phát động các phong trào thi đua nhằm tăng cường xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.
Gần đây, TP Hà Nội triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại năm xã, phường của thành phố. Theo đó, tại xã Phú Cường (huyện Ba Vì), nơi mang đặc trưng văn hóa nông thôn, các hộ gia đình đăng ký thực hiện theo từng tiêu chí: Ứng xử vợ chồng; ứng xử cha mẹ với con, ông bà với cháu; ứng xử con với cha mẹ, cháu với ông bà; ứng xử của anh, chị, em…
Thực hiện các tiêu chí nêu trên, ông bà và các con cháu càng cảm thấy trách nhiệm hơn trong ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Ông bà mẫu mực, con cháu lễ phép, trên kính dưới nhường, cùng biết chia sẻ, thấu hiểu. Qua hơn nửa năm triển khai thí điểm, mới đây, thành phố Hà Nội đã tiến hành nhân rộng việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử nêu trên đến nhiều địa bàn dân cư. Gắn liền với đó, ngành văn hóa tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình.
Truyền thống văn hóa, đạo đức gia đình Việt Nam đang chịu nhiều tác động của cuộc sống hiện đại. Gia đình có vị trí, vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Hiện nay, đạo đức, lối sống ở một số địa bàn, bộ phận dân cư có mặt xuống cấp; môi trường văn hóa có những biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội và một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng…
Thiết nghĩ, cấp ủy, chính quyền mỗi địa phương, trước hết từ cơ sở, địa bàn dân cư cần có sự quan tâm, giải pháp nhằm định hình những chuẩn mực ứng xử văn minh, tạo nền nếp để gia đình luôn bền vững, êm ấm. Cần có sự quyết tâm, nỗ lực hơn nhằm tạo sự bền vững, hạnh phúc gia đình; góp phần tôn vinh, lan tỏa các chuẩn mực đạo đức, văn hóa gia đình.
Cần thấy rằng, gia đình chịu trách nhiệm trước xã hội về sản phẩm của gia đình mình, có trách nhiệm nuôi dưỡng và giáo dục con cái, cung cấp cho xã hội những công dân hữu ích.
Ðể góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội, trước hết là trách nhiệm của mỗi gia đình; vai trò định hướng, dẫn dắt của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tạo môi trường, điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.