Nhân lên sức mạnh bảo vệ biển, đảo Tổ quốc
Với phương châm 'sâu, rộng, hiệu quả, sát thực tiễn, sát đối tượng', những năm qua, Quân chủng Hải quân đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền về biển, đảo. Qua đó tạo chuyển biến vững chắc về nhận thức đối với cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đa dạng các hình thức tuyên truyền
Tham gia buổi tuyên truyền về biển, đảo tại tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi rất ấn tượng với cách làm sáng tạo, hiệu quả của đội ngũ báo cáo viên Lữ đoàn 162 (Vùng 4 Hải quân). Ngoài việc thông tin tới cán bộ, đảng viên, nhân dân về quan điểm, đường lối, phương châm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; những kết quả nổi bật trong hoạt động bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, vùng biển, Lữ đoàn 162 còn tổ chức triển lãm, trưng bày bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; phát tờ rơi và cung cấp nhiều thông tin bổ ích giúp học sinh tự tin đăng ký thi tuyển vào các học viện, nhà trường trong Quân đội.
Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Vũ Thị Thúy Ngà, Phó trưởng phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết: “Công tác tuyên truyền về biển, đảo giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng và Lữ đoàn 162 được duy trì thường xuyên, với nhiều cách làm sáng tạo, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, bồi đắp tình yêu biển, đảo quê hương cho quần chúng nhân dân, nhất là chức sắc các tôn giáo, già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên”.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, với tinh thần chủ động, sáng tạo, cấp ủy, chỉ huy các cấp thuộc Quân chủng Hải quân thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền về biển, đảo. Trọng tâm là phối hợp tổ chức các đoàn đại biểu đi thăm, động viên quân, dân quần đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1; phối hợp triển khai các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, dân vận, tìm kiếm cứu nạn, đối ngoại quốc phòng và thực hiện chính sách hậu phương Quân đội. Đặc biệt, thực hiện sự chỉ đạo của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, từ năm 2019 đến nay, Quân chủng Hải quân đã đón hơn 6.000 lượt phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài Quân đội đến thâm nhập thực tế, lấy tư liệu tuyên truyền về hoạt động của Bộ đội Hải quân, đăng hàng chục nghìn tin, bài, phóng sự phản ánh đời sống của quân, dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK1; kết quả huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ hải quân và nhân dân trên các đảo...
Chung sức, đồng lòng hướng về biển, đảo Tổ quốc
Từ năm 2019 đến nay, mỗi năm Quân chủng Hải quân cử hơn 1.600 lượt cán bộ, báo cáo viên trực tiếp tuyên truyền cho khoảng 250.000-300.000 lượt cán bộ, đảng viên, nhân dân tại các địa phương. Với nhiều nội dung phong phú, hình thức đa dạng, công tác tuyên truyền giúp cán bộ và nhân dân nhận thức rõ tính chất phức tạp, quyết liệt, lâu dài của cuộc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước; chia sẻ với những khó khăn, gian khổ của các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển; kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thông tin bịa đặt, sai sự thật của các thế lực thù địch, nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội...
Bên cạnh đó, hằng năm, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân đã phối hợp tổ chức các đoàn kiểm tra và đưa đại biểu trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài đến thăm, động viên quân, dân trên quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1, bảo đảm chặt chẽ, chu đáo, an toàn tuyệt đối. Tận mắt chứng kiến những cống hiến, hy sinh của quân, dân trên quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1, các đại biểu và kiều bào có cơ hội nhận thức sâu sắc, hiểu rõ về biển, đảo Tổ quốc. Cùng với sự quan tâm, động viên về tinh thần, những năm qua, đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã hỗ trợ quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 hàng nghìn tỷ đồng để cùng với Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng nhà ở, nhà làm việc và các công trình dân sinh, văn hóa, bảo đảm trang thiết bị, đồ dùng phục vụ bộ đội và nhân dân trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Đến nay, đã có 26 công trình lịch sử, văn hóa và 22 nhà văn hóa đa năng, nhà đại đoàn kết; trung tâm y tế, bệnh xá, trường học, âu tàu... tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa được tu sửa, nâng cấp, xây mới. Nhờ vậy, diện mạo của Trường Sa, nhà giàn DK1 có nhiều đổi mới, là điểm tựa vững chắc nơi tiền tiêu của Tổ quốc.
Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân cho biết: "Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song công tác phối hợp tuyên truyền về biển, đảo đã được Quân chủng và các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện toàn diện, đồng bộ, đạt hiệu quả thiết thực. Kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, niềm tin cho mọi tầng lớp nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài về vị trí, vai trò của biển, đảo Tổ quốc. Công tác tuyên truyền về biển, đảo đã thực sự trở thành một “mặt trận”, một phương thức quan trọng giúp nhân lên sức mạnh đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước".