Nhân lực tạo động lực

Sự phát triển bùng nổ về công nghệ trong Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay đã đào thải nhiều ngành nghề và cũng sinh ra những công việc mới, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực với trình độ cao. Nói cách khác, nguồn nhân lực chất lượng cao chính là 'chìa khóa', là động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững trong thời đại hiện nay. Do đó, cùng với những chủ trương kêu gọi, thu hút đầu tư của tỉnh, công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ thị trường lao động, việc làm, đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ mới là nhiệm vụ quan trọng, được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện.

Trường Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ chú trọng đào tạo nghề theo nhu cầu của đơn vị tuyển dụng.

“Nên thợ, nên thầy vì có học”

Để từng bước tăng cường số lao động qua đào tạo, có tay nghề, chứng chỉ, bằng cấp, hàng năm xã miền núi đặc biệt khó khăn Thu Ngạc (huyện Tân Sơn) làm việc với Trường THCS, định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh. Nắm bắt chủ trương kêu gọi đầu tư, phát triển CN, TTCN và nhu cầu của doanh nghiệp, xã đã tích cực tuyên truyền, rà soát số lượng lao động muốn học nghề, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để phối hợp tổ chức đào tạo nghề, bố trí việc làm cho người học, trong đó chủ yếu là nghề may công nghiệp, sản xuất, chế biến gỗ…

Đồng chí Hoàng Văn Liêm - Chủ tịch UBND xã Thu Ngạc cho biết: Từ những chính sách ưu tiên, hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, địa phương đã rà soát, động viên các cháu theo học nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp của tỉnh, huyện. Hiện nay, một số cháu đã học xong, có nghề, một số trở về phát triển kinh tế ngay tại địa phương, qua đó công tác giảm nghèo của xã đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan. Hiện nay, tỉ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 78%, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm 3,29%, tỉ lệ hộ cận nghèo giảm 4,45% so với năm 2021, đó là những tín hiệu vui, thể hiện sự vững chắc trên con đường giảm nghèo của xã.

Hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới từ năm 2019, nguồn nhân lực tiếp tục được xác định là động lực để xã Hương Xạ (huyện Hạ Hòa) tiếp tục phát triển. Hàng năm, xã phối hợp với các cấp, ngành rà soát, lập danh sách, tổ chức từ năm đến tám lớp tập huấn đảm bảo an toàn lao động, đào tạo nghề cho lao động địa phương. Đồng chí Nguyễn Tiến Ngọc- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Địa phương có bảy doanh nghiệp quy mô 40 lao động, 22 cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản quy mô từ 7-10 lao động, mang lại thu nhập bình quân từ 5-8 triệu đồng/người/tháng. Qua các lớp tập huấn, công tác đảm bảo an toàn lao động, phòng chống cháy nổ… luôn được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện đầy đủ, đảm bảo an toàn, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt trên 43 triệu đồng/năm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong đó có tám trường cao đẳng, năm trường trung cấp, 17 trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên và trung tâm dạy nghề, 23 cơ sở GDNN công lập, tám cơ sở GDNN tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài. Toàn tỉnh hiện có 5.774 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút trên 158.000 lao động tham gia, trong đó có 15 doanh nghiệp nhà nước với trên 6.700 lao động, 140 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với hơn 73.100 lao động, trên 5.600 doanh nghiệp ngoài nhà nước với khoảng 78.600 lao động.

Năm 2022, toàn tỉnh có trên 16.100 lao động có việc làm tăng thêm, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho 2.052 lao động, cho vay 220 dự án từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 356 lao động. Đến nay, doanh số cho vay đạt trên 18,2 tỉ đồng, tổng dư nợ tính đến hết tháng 9 năm 2022 ước đạt trên 70,6 tỉ đồng, qua đó giảm tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị 2,94%, tỉ lệ lao động qua đào tạo, truyền nghề đạt 70,7%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28,5%.

Chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp tại Trường THPT Phương Xá, huyện Cẩm Khê.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Một trong các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, việc tăng cường hợp tác giữa các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi bên cạnh trang bị cho người lao động đạo đức nghề nghiệp cùng những kiến thức về mặt lý thuyết, rèn luyện tay nghề, kỹ năng, kinh nghiệm trong nghề là yếu tố rất quan trọng trước khi họ trở thành những người thợ lành nghề.

Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển, đổi mới, sáng tạo là tài nguyên như hiện nay, để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật, trình độ, kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển, theo ông Lương Chí Cường - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Phú Thọ, cần có sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo nghề với các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp để tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng của hoạt động đào tạo nghề, sự cần thiết phải học nghề trước khi tham gia thị trường lao động. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo, thực hành, thực tập và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên. Mặt khác, các nhà trường cần quan tâm bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên giỏi về kiến thức chuyên môn và trình độ tay nghề, giúp người học vừa có kiến thức, kỹ năng, vừa có thái độ nghề nghiệp, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh ngày càng phát triển…

Lê Hoàng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xa-hoi/nhan-luc-tao-dong-luc/190386.htm