Nhan nhản kỷ tử, táo đỏ... bán ngoài chợ, dùng thế nào cho đúng?
Kỳ tử, táo đỏ, long nhãn... là những vị thuốc Đông y hiện được bày bán rất nhiều ở các chợ, siêu thị, hiệu thuốc. Vậy cách sử dụng đúng các vị thuốc này như thế nào?
Chúng ta có thể dễ dàng mua được các vị thuốc bổ Đông y quen thuộc như long nhãn, táo đỏ, kỷ tử… tại các chợ, siêu thị, hiệu thuốc. Tuy nhiên đa số đều sử dụng, chế biến đều theo kinh nghiệm dân gian, truyền miệng, ít người chú ý đến liều lượng, tương kỵ... của các vị thuốc này.
1. Tác dụng của kỷ tử
- Tính vị: Vị ngọt, tính bình.
- Quy kinh: Phế, can và thận.
- Tác dụng: Sáng mắt, an thần, bổ ích tinh huyết, bổ hư lao, nhuận phế, trừ phong, bổ gân cốt, ích khí, tư thận…
- Chủ trị: Chứng âm huyết hư tổn, hư lao, can thận âm hư, di tinh, đái tháo đường, huyết hư gây chóng mặt, ho lâu ngày và đau thắt lưng.
- Cách dùng – liều lượng: Câu kỷ tử được dùng để sắc, hãm dùng như trà, làm viên hoàn… Liều dùng: 8 – 20g/ngày.
2. Tác dụng của long nhãn
- Tính vị: Vị ngọt, tính bình, ấm, không chứa độc.
- Quy kinh: Kinh tâm và tỳ.
- Tác dụng: Trong Đông y, long nhãn có tác dụng bổ tâm tỳ, an thần, lợi khí, dưỡng huyết. Chủ trị suy giảm trí nhớ, chữa hay quên, rối loạn giấc ngủ, lo âu, thiếu máu, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, kéo dài tuổi thọ.
- Cách dùng và liều lượng: Tùy theo lứa tuổi, thể trạng có thể dùng 9 – 18g long nhãn một ngày.
- Tác dụng phụ của long nhãn: Nóng trong, nổi mụn, táo bón, tăng cân, tăng lượng đường trong máu, thai phụ ăn nhiều long nhãn có thể bị ra huyết, đau bụng, động thai.
3. Tác dụng của táo đỏ (hồng táo)
- Tính vị: Táo đỏ vị ngọt, tính bình.
- Quy kinh: Can, tỳ, vị, thận, tâm, phế.
- Tác dụng: Đông y cho rằng, táo đỏ có tác dụng bổ tỳ vị, lợi khí, sinh tân dịch, cường lực, giảm ho, bổ huyết, an thần, giải độc dược, điều hòa các loại thuốc.
- Chủ trị: Tỳ vị hư nhược, tiêu chảy, kém ăn, hồi hộp, suy nhược cơ thể, bồn chồn khó ngủ, lở loét ngoài da, táo bón, nghẹt mũi…
- Liều lượng: Ngày dùng 3 – 10 quả.
- Cách sử dụng: Dùng cả quả khô sắc uống. Có thể chưng nhừ, bỏ hột và vỏ lấy phần thịt quả trộn với các dược liệu khác làm hoàn. Ngoài ra, quả hồng táo còn được sử dụng để chế biến ra nhiều món ăn bài thuốc trị bệnh, cải thiện sức khỏe.
- Kiêng kỵ: Trái xanh ăn không tốt, không nên ăn nhiều. Ăn táo với hành làm ngũ tạng bất hòa, ăn với cá làm đau bụng, đau thắt lưng.
Mặc dù các vị thuốc trên có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe nhưng phải dùng đúng cách, đúng liều lượng.
- Sử dụng hằng ngày: Khi sử dụng các vị thuốc trên hằng ngày bạn cần lưu ý đến tính vị, liều lượng và những tác dụng của mỗi vị thuốc như đã nêu trên. Ví dụ long nhãn tính ấm nóng những người thể trạng nhiệt, đang có sốt thì không nên dùng. Mỗi ngày chỉ nên ăn một lượng vừa đủ, không kéo dài liên tục. Tối đa 15-20 ngày, cách 1-2 tháng ăn một đợt như vậy.
- Sử dụng làm trà:Các vị thuốc trên cũng được dùng khá phổ biến trong các gói trà hoa hãm uống hằng ngày với tác dụng bổ huyết, sáng mắt, an thần. Với cách dùng này bạn có thể sử dụng hằng ngày với liều lượng 5-7 quả kỷ tử, 2-3 quả long nhãn, 1-2 quả hồng táo. Dùng duy trì 1-2 tháng liên tục, mỗi năm có thể dùng 2-3 đợt.
- Sử dụng trong các món hầm:Với các món hầm có thể sử dụng 50-70g kỉ tử, 5-7 quả hồng táo. Ngoài ra, có thể kết hợp với 50g ý dĩ, 15g thục địa, 20g đương quy để món ăn thêm bổ dưỡng. Với cách chế biến này, bạn có thể duy trì 1 bữa trong 1-2 tuần.