Nhân rộng các mô hình an toàn thực phẩm
Thời gian qua, nhiều địa phương đã đẩy mạnh việc xây dựng và triển khai các mô hình về an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm về hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình này, cần sự tham gia của cả cộng đồng, từ chính quyền địa phương đến người dân trong việc chấp hành những quy định về an toàn thực phẩm.
Nhiều chuyển biến tích cực
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng, để bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn, từ đầu năm 2024 đến nay, huyện duy trì hiệu quả 2 mô hình: “Kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người trên địa bàn huyện Thanh Trì”, "Tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố bảo đảm an toàn thực phẩm có kiểm soát trên địa bàn huyện Thanh Trì”.
Cùng với đó, huyện duy trì Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025” năm 2024 tại tuyến đường trung tâm huyện (đường Nguyễn Bặc) và tuyến đường Ngọc Hồi, thị trấn Văn Điển. Đến nay, huyện đã tổ chức kiểm tra thực tế điều kiện cơ sở và cấp biển nhận diện cho 40/40 cửa hàng kinh doanh tổng hợp có kinh doanh trái cây không thuộc chợ và siêu thị.
Ngoài ra, huyện tiếp tục triển khai Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025”. Thực hiện đề án này, các cơ sở ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm và 100% ban quản lý các chợ đã ban hành quy chế quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ.
Hiện tại, trên địa bàn huyện có 117 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại chợ đã được cấp biển nhận diện bảo đảm an toàn thực phẩm. UBND huyện Thanh Trì cũng đã bố trí trạm xét nghiệm nhanh tại chợ Cầu Bươu (xã Tả Thanh Oai) để thực hiện xét nghiệm nhanh thực phẩm tại chợ.
Tại huyện Ba Vì, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, để giám sát chặt chẽ an toàn thực phẩm từ cơ sở, huyện tiếp tục duy trì các chuyên đề giám sát dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại 31 xã, thị trấn và 2 tuyến phố văn minh trên địa bàn, gồm: Việt Long (xã Tản Lĩnh) và Hưng Đạo (thị trấn Tây Đằng); đồng thời duy trì mô hình tự nâng cao năng lực quản lý bếp ăn tập thể tại Trường Tiểu học Tây Đằng B, Trường Tiểu học Vật Lại và mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể của 25 trường tiểu học trên địa bàn.
Đặc biệt, huyện đã duy trì mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người tại 31 xã, thị trấn. Với mô hình này, Tổ giám sát tư vấn thực hiện giám sát 100% bữa cỗ do gia đình tự nấu trước và trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm; hướng dẫn thực hiện các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm tại gia đình tổ chức bữa cỗ tập trung đông người.
Do thực hiện tốt các chương trình, đề án, mô hình điểm, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm, nên từ đầu năm 2024 đến nay, tại các huyện Thanh Trì, Ba Vì không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra. Công tác kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố được tăng cường triển khai đồng loạt từ huyện xuống xã và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, hạn chế tối đa sự chồng chéo.
Việc xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm đã tạo chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở; nhiều cơ sở đã đầu tư trang thiết bị cho sản xuất, kinh doanh thực phẩm; ý thức bảo đảm an toàn thực phẩm được nâng cao rõ rệt.
Không để xảy ra ngộ độc thực phẩm
Từ nay đến cuối năm 2024, dự báo nhu cầu tiêu dùng, sử dụng thực phẩm của người dân tăng cao. Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức Trần Ngọc Tráng cho biết, huyện sẽ tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm; quyết tâm không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện tập trung kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu, các ngày lễ lớn, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và triển khai có hiệu quả các mô hình và đề án điểm về an toàn thực phẩm; tiếp tục rà soát, thống kê danh sách, tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn; hướng dẫn các cơ sở về thủ tục hành chính trong quá trình xin cấp phép hoạt động theo đúng quy định; tăng cường công tác hậu kiểm sau quá trình cấp phép.
Còn theo Trưởng phòng Y tế huyện Thường Tín Trần Ngọc Tuân, huyện đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn. Mặt khác, huyện tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và xử lý nghiêm những vi phạm; tổ chức xét nghiệm nhanh; lấy mẫu thực phẩm gửi xét nghiệm, kịp thời phát hiện các mối nguy cơ mất an toàn thực phẩm; tăng cường giám sát, phòng, chống ngộ độc thực phẩm; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, trang thiết bị cần thiết để sẵn sàng điều tra, xử lý khi có sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra trên địa bàn.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong cho rằng, các địa phương cần tiếp tục triển khai các chương trình, dự án, mô hình điểm về an toàn thực phẩm. Cùng với đó là phát triển vùng rau an toàn, quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, quản lý chợ, siêu thị; tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án, mô hình điểm, chuyên đề về an toàn thực phẩm đã được phê duyệt; tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất, hậu kiểm việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nhan-rong-cac-mo-hinh-an-toan-thuc-pham-675024.html