Nhân rộng các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn

Đề án 'Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020', được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009, thực hiện trong 11 năm (2010-2020).

Nội dung chủ yếu của Đề án là dạy nghề theo các mô hình thí điểm cho 18.000 lao động nông thôn gồm 4 nhóm: nhóm lao động làm nông nghiệp (ở các vùng núi, vùng chuyên canh); nhóm lao động trong các làng nghề ở vùng đồng bằng; nhóm nông dân chuyển nghề sang công nghiệp, dịch vụ (ở vùng núi và vùng đồng bằng, trung du) và nhóm đánh bắt xa bờ ở các tỉnh duyên hải miền Trung (học sửa chữa máy tàu thủy; chế biến và bảo quản thủy sản…).

Đề triển khai hoạt động thí điểm đặt hàng đào tạo và xây dựng, nhân rộng các mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện thí điểm triển khai từ năm 2010 đến năm 2012 làm cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện trong những năm tiếp theo. Từ năm 2013, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và một số Bộ, ngành, cơ quan Trung ương của các đoàn thể (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Ủy ban Dân tộc, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hiệp Hội giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội) tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả.

Trong giai đoạn thí điểm đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức đã thí điểm nhiều mô hình đào tạo nghề có hiệu quả tại 24 tỉnh, thành phố với 24 nghề tiểu thủ công nghiệp; 26 nghề đào tạo theo vị trí làm việc tại doanh nghiệp; 2 nghề đào tạo cho ngư dân tàu đánh cá xa bờ. Qua triển khai hoàn thiện, nhân rộng mô hình dạy nghề có hiệu quả, Bộ đã xây dựng được 05 quy trình dạy nghề cho lao động nông thôn để phổ biến cho các địa phương tại Hội nghị giao ban giữa Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương với Thường trực Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại 3 miền Bắc, Trung, Nam và đưa vào nội dung chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện Đề án hàng năm. Các quy trình dạy nghề được ban hành gồm: Quy trình tổ chức lớp dạy nghề tiểu thủ công nghiệp cho lao động nông thôn tại các làng nghề; Quy trình tổ chức lớp dạy nghề thuyền trưởng, máy trưởng cho ngư dân tàu đánh cá xa bờ; Quy trình tổ chức lớp dạy nghề theo vị trí việc làm tại doanh nghiệp cho lao động nông thôn; Quy trình tổ chức lớp dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

Kết quả cụ thể các hoạt động như sau: Thứ nhất, Hoạt động thí điểm đặt hàng đào tạo nghề cho lao động nông thôn thôn thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế

Đã có 26 trường tham gia thí điểm đặt hàng đào tạo trong giai đoạn (2010 – 2015) gồm 24 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp. Số nghề được tổ chức đào tạo là 37 nghề. Tổng số lao động nông thôn được học nghề 10.452 người (đạt 7,9% mục tiêu Đề án trong giai đoạn 2010 - 2015, đạt 2% mục tiêu của Đề án trong cả giai đoạn), trong đó: 35,4% học nghề trình độ cao đẳng; 64,6% học nghề trình độ trung cấp; 16% người thuộc hộ nghèo; 27% người dân tộc thiểu số; 56,7% là người bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế và 0,3% thuộc các đối tượng con liệt sỹ, con thương binh nặng, con bệnh binh. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 97%. Vượt mục tiêu của Đề án 17,9%. Giai đoạn 2016 - 2020 không triển khai đặt hàng đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế.

Thứ hai, Hoạt động thí điểm xây dựng các mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng: Đã có 15.085 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng thông qua hoạt động thí điểm xây dựng mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đạt 125,7% Kế hoạch và vượt 25,7% so với mục tiêu của Đề án (12.000 lao động nông thôn), trong đó: 17,76% người dân tộc thiểu số; 14,68% người thuộc hộ nghèo; 0,9% người có công với cách mạng, người khuyết tật; 66,66% thuộc đối tượng lao động nông thôn khác. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 87,6%. Vượt mục tiêu của Đề án 7,9%.

Thứ ba, Hoạt động nhân rộng mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Trung ương Hội phụ nữ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam; Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi, Hội Người mù, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai nhân rộng các mô hình đào tạo nghề cho trên trên 61.000 người và gần 20.000 người khuyết tật, trong đó: Đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 46.761 lao động nông thôn; Đào tạo nghề nông nghiệp cho 35.000 lao động nông thôn; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%.

Với kết quả nhân rộng mô hình nêu trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thí điểm triển khai nhân rộng các mô hình đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn, người khuyết tật và đào tạo kiến thức kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp để làm căn cứ đánh giá, đúc rút và đề xuất các chính sách về giáo dục nghề nghiệp, cụ thể như sau:

Năm 2012 nhân rộng các mô hình Đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn theo vị trí làm việc tại doanh nghiệp (doanh nghiệp ký hợp đồng tuyển dụng lao động) hoặc doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm (doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm do người lao động sau học nghề làm ra); Đào tạo ngành nghề nông thôn, làng nghề, hình thành tổ nhóm sản xuất, hợp tác xã và Đào tạo nghề máy trưởng, thuyền trưởng hạng IV cho ngư dân.

Năm 2015, tổ chức đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn, người khuyết tật theo vị trí làm việc tại doanh nghiệp hoặc đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm theo 3 mô hình: “Đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn theo yêu cầu của vị trí làm việc tại doanh nghiệp để tuyển dụng vào làm việc trong doanh nghiệp theo hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng bao tiêu sản phẩm; “Cơ sở đào tạo nghề phối hợp với doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề phi nông nghiệp cho người khuyết tật theo yêu cầu của vị trí làm việc tại doanh nghiệp để tuyển dụng vào làm việc trong doanh nghiệp theo hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng bao tiêu sản phẩm.” và “Doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho người khuyết tật theo vị trí làm việc để tuyển dụng vào làm việc trong doanh nghiệp theo hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng bao tiêu sản phẩm”.

Năm 2017, phối hợp với Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội thực hiện các mô hình: Đào tạo giáo viên, người dạy nghề giảng dạy kiến thức kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp cho lao động nông thôn và Đào tạo nghề và kiến thức kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp cho lao động nông thôn; và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thí điểm thẻ học nghề nông nghiệp tại 2 tỉnh Thanh Hóa và Bến Tre cho 8.935 người học nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp, dạy nghề dưới 3 tháng. Sau khi tổng kết, đánh giá, Bộ đã quyết định kết thúc việc thí điểm. Như vậy, từ sau Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Đề án, không tiếp tục triển khai cấp thẻ học nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn tại 2 tỉnh Thanh Hóa và Bến Tre và không triển khai nhân rộng./.

Quốc Hưng

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/xa-hoi/nhan-rong-cac-mo-hinh-day-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-124959