Nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất trong trồng trọt
Những mô hình trồng trọt ở các địa phương trên địa bàn tỉnh gắn với bao tiêu sản phẩm có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp gia tăng chất lượng và tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Mô hình liên kết sản xuất lúa giống giữa người dân phường Quảng Cát (TP Thanh Hóa) với Tập đoàn ThaiBinh Seed.
Thời gian qua, huyện Quảng Xương đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân tích tụ đất đai đầu tư hình thành các vùng sản xuất tập trung theo chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm. Toàn huyện đã xây dựng được các chuỗi cung ứng lúa gạo có diện tích 550 ha và các chuỗi liên kết rau, củ an toàn tập trung, trong nhà màng, nhà lưới với diện tích hơn 40 ha tại các xã Quảng Văn, Quảng Hòa, Quảng Hợp, Quảng Ngọc, Quảng Nhân, Quảng Long, Quảng Yên... Các xã đã liên kết bao tiêu sản phẩm với các công ty, như: Công ty TNHH Nông sản An Thành Phong Thanh Hóa, Công ty TNHH Giống cây trồng Bắc Trung bộ, Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang Ninh Bình, Công ty CP Mía đường Lam Sơn... Vụ xuân 2023, bà con nông dân các thôn Uy Bắc, Uy Nam, Xuân Mộc, xã Quảng Ngọc (Quảng Xương) đã liên kết với Công ty TNHH Giống cây trồng Bắc Trung bộ (TP Thanh Hóa) sản xuất 112 ha lúa giống Bắc Thịnh. Đây là vùng liên kết sản xuất lúa giống tập trung có diện tích lớn nhất của xã.
Theo ông Vương Huy Tưởng, Chủ tịch UBND xã Quảng Ngọc, tham gia mô hình, bà con nông dân được cán bộ kỹ thuật của công ty hướng dẫn quy trình sản xuất, từ khâu ngâm ủ, gieo cấy, thời vụ đến sử dụng liều lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Nhờ đó, vụ xuân 2023, diện tích người dân liên kết sản xuất cho năng suất ước đạt 60 đến 66 tạ/ha. Nhìn chung, mô hình liên kết sản xuất lúa giống đem lại lợi nhuận tăng 10% so với phương thức người dân tự sản xuất, tự tiêu thụ. Khi thu hoạch, công ty tổ chức thu mua thóc tươi ngay tại ruộng, bà con đỡ công vận chuyển, phơi, bảo quản lúa. Trong những vụ tới, địa phương khuyến khích người dân mở rộng diện tích sản xuất lúa giống theo hình thức liên kết, bao tiêu sản phẩm.
Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa, vụ xuân 2023, toàn tỉnh đã duy trì và phát triển sản xuất theo hình thức liên kết gắn với bao tiêu sản phẩm được hơn 30.000 ha. Trong đó, mía 12.482 ha, sắn 8.468 ha, lúa giống 1.000 ha, lúa thương phẩm 3.575 ha, ngô ngọt 245 ha, ngô dày làm thức ăn chăn nuôi 860 ha, ớt 875 ha... còn lại là diện tích các loại rau màu và cây trồng khác. Nhiều mô hình liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm có quy mô lớn và giá trị kinh tế cao tiếp tục được nhân rộng, như: Sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm tại các huyện Yên Định, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nông Cống, Triệu Sơn, Đông Sơn, Vĩnh Lộc, Hà Trung... Liên kết trồng khoai tây, ớt, ngô ngọt, đậu tương rau, rau an toàn tập trung chuyên canh hoặc sản xuất trong nhà màng tại các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Yên Định, Nga Sơn, Thọ Xuân, Đông Sơn, Quảng Xương, Vĩnh Lộc... Mô hình lúa - cá sản xuất theo hướng hữu cơ gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm tại huyện Hà Trung.
Ông Nguyễn Hữu Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng (Hà Trung), cho biết: Là doanh nghiệp chuyên sản xuất lúa gạo thương phẩm, nhằm chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất công ty đang liên kết với người dân sản xuất với diện tích hơn 700 ha lúa. Trong đó, huyện Hà Trung có 400 ha, tập trung ở các xã Hà Lĩnh, Hà Sơn, Hà Tiến, Hoạt Giang... Tham gia vào chuỗi liên kết, người dân được công ty tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định như đã ký kết và đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất. Việc liên kết sản xuất giúp cho công ty kiểm soát được theo hợp đồng từ các khâu từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ nhằm tạo sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hiện nay, để nhân rộng và phát triển các mô hình liên kết sản xuất trong trồng trọt, ngành nông nghiệp và các địa phương đang đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, liên kết đất đai trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung. Ngành nông nghiệp cũng có các cơ chế nhằm khuyến khích và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản cho nông dân và HTX...