Nhân sự mới bị ép về quê rèn thể lực, đứng dưới nắng nóng, đi bộ 60km, xin ăn

TRUNG QUỐC - Văn hóa ép các nhân sự mới phải chống đẩy, đi bộ, xin ăn... để rèn luyện tinh thần vượt khó và nuôi dưỡng tinh thần đồng đội bị lên án kịch liệt.

Khi một nhóm thực tập sinh đến làm việc ở công ty mì ăn liền Jinmailang hồi cuối tháng 4, có lẽ họ đã mong đợi một thứ khác thay vì phải chịu đựng một tuần “địa ngục” được gọi dưới cái tên mĩ miều là "chương trình hòa nhập".

76 nhân sự mới tuyển dụng được đưa về vùng nông thôn ở tỉnh Hà Bắc, nơi họ phải trải qua một tuần mệt mỏi với các hoạt động huấn luyện kiểu quân đội.

Ngày đầu tiên, các huấn luyện viên yêu cầu họ phải hoàn thành 80 lần chống đẩy, sau đó đứng dưới nắng hàng giờ đồng hồ.

Cuối tuần, các nhân sự buộc phải hoàn thành hàng trăm động tác rèn thể lực, đi bộ 60km quanh vùng, trên lưng mang theo những chiếc túi nặng dưới thời tiết 30 độ C, thậm chí phải xin đồ ăn từ người lạ để “trau dồi kỹ năng sinh tồn”.

Chương trình hòa nhập dành cho các nhân sự mới ở nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang trở nên cực đoan

Chương trình hòa nhập dành cho các nhân sự mới ở nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang trở nên cực đoan

Đây không phải là lần đầu tiên các công ty Trung Quốc áp dụng chương trình làm quen doanh nghiệp theo phong cách quân sự cực đoan như vậy. Các nhà tuyển dụng cho rằng đây là một cách làm hiệu quả để nuôi dưỡng tinh thần đồng đội.

Tuy nhiên, người lao động phản đối, cho rằng cách làm này là không cần thiết và có khả năng bất hợp pháp.

Vụ việc ở Hà Bắc một lần nữa lại làm dấy lên tranh cãi sau khi một tờ báo trong nước đăng tải câu chuyện chi tiết về trải nghiệm của người lao động - thứ được gọi là “văn hóa sói” hung hãn đang được nhiều nhà tuyển dụng Trung Quốc cổ vũ.

Họ cho rằng, chương trình huấn luyện nhằm rèn luyện khả năng phục hồi cao độ khi đối mặt với khó khăn, sự sẵn sàng hy sinh bản thân và bản năng săn mồi sắc bén.

Nhiều người dùng mạng xã hội Weibo cho rằng, các chương trình đào tạo khắc nghiệt như vậy không thực sự nhằm mục đích thúc đẩy tinh thần đồng đội, mà để kiểm tra xem liệu nhân viên có sẵn sàng tuân theo văn hóa làm việc vắt kiệt sức lao động của công ty hay không.

“Đây là giai đoạn đầu tiên trong việc thanh lọc người lao động. Ai chọn ở lại sẽ chấp nhận làm việc như trâu như ngựa, ai không chịu đựng được sẽ bỏ đi ngay từ đầu” - một người bình luận.

Theo các tờ báo trong nước, trào lưu đào tạo nhân sự theo phong cách quân đội đã dần trở nên phổ biến trong quá trình hội nhập của các công ty ở Hà Bắc, đặc biệt là những công ty thực hiện phong cách quản lý “cường độ cao, tiêu chuẩn cao”.

Và trào lưu này dường như đang lan rộng sang các địa phương khác của Trung Quốc.

Liang Yi, 24 tuổi, chia sẻ với tờ Sixth Tone rằng cô đã phải trải qua một chương trình huấn luyện tương tự ở một công ty điện lực tư nhân lớn có trụ sở tại Giang Tây.

Vài ngày trước khi bắt đầu làm việc, Liang được thông báo cô cần phải hoàn thành chương trình hòa nhập. Cô phải dành 13 ngày ở vùng nông thôn để chạy, đứng tập trung và hoàn thành các hoạt động thể chất khác dưới nền nhiệt lên tới 38 độ C.

“Tôi cảm thấy bị lừa dối,” Liang nói. “Tôi không nghĩ việc đào tạo là cần thiết. Tôi thấy nó chỉ mang tính đòi hỏi về thể chất. Tôi đã sụt vài cân và chúng tôi không học được bất kỳ kỹ năng thực tế nào cần thiết cho công việc của mình”.

Liang cho biết, công ty đã không đề cập đến chương trình này trong quá trình tuyển dụng. Khi cô phản đối, các nhà quản lý khẳng định việc đào tạo là cần thiết để trau dồi khả năng phục hồi và rèn luyện tinh thần đồng đội.

Cô nhớ lại: “Đôi khi, tôi có cảm giác như công ty đang cố kiểm soát tinh thần của chúng tôi, chỉ trích chúng tôi không có khả năng vượt qua ‘những thử thách nhỏ như vậy’ như cách họ gọi”.

Sự phản đối dường như ngày càng gia tăng, không chỉ với những nhân sự trẻ như Liang. Trong một bài bình luận mới đây, tờ Jimu News cho rằng sự gia tăng các trại huấn luyện là một triệu chứng của “văn hóa sói” ẩn chứa nhiều vấn đề.

“Việc quá nhấn mạnh vào sự hoang dã, tham lam và hiếu thắng sẽ dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật và không nhân đạo. Điều này sẽ gây căng thẳng nghiêm trọng cho người lao động”, tờ báo nhận định.

“Văn hóa đòi hỏi nhân viên phải tuyệt đối vâng lời và làm việc chăm chỉ quá mức mà không được khen thưởng dường như đã lỗi thời”.

Mới đây, công ty Jinmailang đã phải đối mặt với sự giám sát gắt gao, khi các chuyên gia pháp lý cho rằng công ty có thể đã vi phạm luật lao động của Trung Quốc.

Ông Chen Yuan, luật sư của hãng luật Yingke Bắc Kinh, nói với báo chí địa phương rằng, việc đào tạo theo kiểu quân đội chỉ có thể được yêu cầu nếu nó cần thiết cho một vị trí nhất định.

Nếu việc đào tạo như vậy được coi là cần thiết, công ty phải tuân thủ các quy định an toàn và sức khỏe, đồng thời phải thông báo chi tiết cho nhân viên về chương trình đào tạo. Ông Chen cho biết, Jinmailang có thể đã vi phạm quyền của người lao động khi không thông báo rõ ràng từ trước cho họ về chương trình đào tạo.

Trao đổi với báo chí, một đại diện từ công ty cho biết chương trình hòa nhập rất căng thẳng, nhưng “vẫn trong tầm kiểm soát với người trưởng thành”. Người này cũng cho biết thêm, nhân viên y tế luôn sẵn sàng cho các trường hợp khẩn cấp.

Hiện tại, công ty đã xóa video quay cảnh nhân viên tham gia các bài tập huấn luyện khỏi tài khoản chính thức trên ứng dụng WeChat.

Đăng Dương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhan-su-moi-bi-ep-ve-que-ren-the-luc-dung-duoi-nang-nong-di-bo-60km-xin-an-2292738.html