Nhân tài, anh là ai?
Hiện chúng ta chưa đưa ra được tiêu chí xác định nhân tài mà chỉ lấy bằng cấp, học vị làm tiêu chí gần như duy nhất để xác định đó là nhân tài.
Trong phiên chất vấn cuối tuần qua, ĐBQH Lê Thanh Vân đã gửi câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, liên quan đến việc hoàn thiện cơ chế chính sách trọng dụng nhân tài. Đây là vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Bộ đang xây dựng đề án quốc gia về thu hút, sử dụng nhân tài, cùng với đó sẽ có cơ chế chính sách hấp dẫn để trọng dụng nhân tài.
Thực tiễn chứng minh nhân tài là yếu tố căn bản, gốc rễ thay đổi diện mạo quốc gia, dân tộc.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm thu hút, trọng dụng người tài trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng xác định định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài...
Có thể thấy, việc thu hút, trọng dụng nhân tài thời gian qua vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Tình trạng “chảy máu chất xám” vẫn là một thách thức to lớn.
Rõ nhất là cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài chưa được cụ thể hóa một cách đồng bộ, thống nhất. Hầu hết các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chưa có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút, trọng dụng nhân tài theo ngành, lĩnh vực; số địa phương thực hiện hiệu quả chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài còn khiêm tốn.
Mấu chốt chưa thành công là do chưa đưa ra được khái niệm về nhân tài; tiêu chí xác định nhân tài. Hiện nay, dường như chúng ta vẫn chỉ lấy bằng cấp, học vị làm tiêu chí gần như duy nhất để xác định đó là nhân tài.
Trong khi đó, bằng cấp chỉ là tiêu chí phân biệt trình độ đào tạo về một ngành, một lĩnh vực, chứ chưa phải là nhân tài.
“Bằng cấp, học vị” và “tài năng” là hai thuật ngữ có liên quan với nhau, chứ không có nghĩa đồng nhất. Trong nhóm người có bằng cấp, học vị cao thì tần suất là nhân tài sẽ cao hơn ở các nhóm người khác.
Đặc điểm quan trọng của nhân tài khác với người bình thường là khả năng sáng tạo và mức độ đóng góp mang lại một kết quả, hiệu quả có ích cho ngành, cho lĩnh vực, cho cộng đồng, cho xã hội. Tiêu chuẩn của nhân tài luôn vẫn phải là đức và tài.
Do đó, chúng ta phải một mặt cố gắng thu hút, giữ chân nhân tài đang làm việc trong nước, mặt khác thu hút những nhân tài Việt Nam ở nước ngoài về nước đóng góp xây dựng đất nước, nhất là trong những lĩnh vực Việt Nam còn thiếu và yếu bằng cách xây dựng các cơ chế, chính sách vượt trội, hấp dẫn, hợp lý, cụ thể.
Hiện nay, chủ trương thu hút nhân tài chưa được cụ thể hóa bằng cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp, chưa được xây dựng một cách đồng bộ và toàn diện trên cơ sở nhận diện các nhu cầu, mong muốn thực sự của nhân tài.
Người tài chưa thực sự được hưởng những ưu đãi tương xứng với tài năng; chính sách tiền lương, phụ cấp còn nhiều bất cập.
Việc quan trọng cần làm ngay là cần có tiêu chí thống nhất để xác định nhân tài, nhận diện nhân tài. Bởi, chừng nào chưa xác định được thế nào là nhân tài, chừng đó các bộ, ngành, địa phương vẫn sẽ chỉ tập trung thu hút nhân tài là những người có bằng cấp, học hàm, học vị mà chưa thực sự coi trọng năng lực thực tiễn và các tiêu chí khác.
TS. Phạm Quang Long
Phó chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính VN
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nhan-tai-anh-la-ai-d571961.html