Nhận thức đúng, can thiệp kịp thời giúp trẻ tự kỷ sớm hòa nhập cộng đồng

Theo các chuyên gia, dù không thể 'chữa khỏi' nhưng tự kỷ hoàn toàn có thể được hỗ trợ hiệu quả nếu có nhận thức đúng và hành động đúng từ gia đình, nhà trường và xã hội.

Tăng cường nhận thức đúng về tự kỷ

Ngày 18/12/2007, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết công nhận ngày 2/4 hàng năm là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (World Autism Awareness Day). Mục tiêu của ngày này là kêu gọi cộng đồng toàn cầu tăng cường hiểu biết, quan tâm và tôn trọng người tự kỷ, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu, can thiệp sớm và hỗ trợ hòa nhập xã hội cho người mắc rối loạn phổ tự kỷ (RLTK).

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay cứ khoảng 100 trẻ thì có 1 trẻ mắc RLTK, với tỷ lệ trẻ nam mắc cao gấp 4–6 lần trẻ nữ. Tại Việt Nam, nghiên cứu năm 2018 của Trường Đại học Y tế Công cộng tại 7 tỉnh thành đại diện cho các vùng miền cho thấy: Tỷ lệ trẻ 18–30 tháng có dấu hiệu tự kỷ là khoảng 0,75%, và tự kỷ có thể xuất hiện ở mọi tầng lớp, dân tộc và điều kiện xã hội.

Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ nhằm kêu gọi cộng đồng toàn cầu tăng cường hiểu biết, quan tâm và tôn trọng người tự kỷ, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu, can thiệp sớm và hỗ trợ hòa nhập xã hội cho người mắc rối loạn phổ tự kỷ. Ảnh: TL.

Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ nhằm kêu gọi cộng đồng toàn cầu tăng cường hiểu biết, quan tâm và tôn trọng người tự kỷ, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu, can thiệp sớm và hỗ trợ hòa nhập xã hội cho người mắc rối loạn phổ tự kỷ. Ảnh: TL.

Tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh, ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, tương tác xã hội và hành vi. Các biểu hiện có thể xuất hiện từ rất sớm và kéo dài suốt đời. Mỗi trẻ có biểu hiện tự kỷ ở mức độ khác nhau – có trẻ rất nhẹ, có trẻ nặng – nên việc phát hiện và hỗ trợ cần được cá nhân hóa và chuyên sâu.

Dù nguyên nhân chính xác gây ra tự kỷ vẫn chưa được xác định, các nhà khoa học cho rằng di truyền, môi trường sống, yếu tố trong thai kỳ (như mẹ tiếp xúc với chất độc hại: rượu, thuốc lá, ma túy...) có thể làm tăng nguy cơ mắc RLTK ở trẻ.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi năm tiếp nhận gần 10.000 lượt trẻ đến khám vì nghi ngờ rối loạn phổ tự kỷ. Riêng trong năm 2024, Khoa Tâm thần của bệnh viện đã ghi nhận 45.000 lượt khám sức khỏe tâm thần trẻ em, trong đó khoảng 20% có liên quan đến tự kỷ.

Phát hiện sớm - Can thiệp sớm - Hòa nhập sớm

TS. Đào Thu Thủy – Giảng viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, đồng thời là Nhà sáng lập Trung tâm Nghiên cứu, Bồi dưỡng Kỹ năng sống và Hướng nghiệp S.E.E.D dành cho thanh thiếu niên tự kỷ và khuyết tật trí tuệ – cho biết: "Mỗi trẻ rối loạn phát triển là một thế giới riêng biệt. Vì vậy, cần có đánh giá chuyên sâu để hiểu đúng khả năng, nhu cầu và sở thích của trẻ, từ đó xây dựng lộ trình can thiệp phù hợp".

Cha mẹ là người đầu tiên có thể phát hiện ra những dấu hiệu sớm. TS. Thủy khuyến nghị các bậc phụ huynh cần lưu ý nếu trẻ có những biểu hiện như:

- Không giao tiếp bằng mắt;

- Không phản ứng khi được gọi tên;

- Không đáp lại sự âu yếm hay chơi cùng người khác;

- Không bắt chước hành động;

- Không bập bẹ ở 12 tháng, chưa nói từ đơn ở 16 tháng, hoặc không nói rõ ở 24 tháng;

- Mất kỹ năng ngôn ngữ/xã hội ở bất kỳ thời điểm nào.

Khi có những biểu hiện này, trẻ cần được đánh giá tại các cơ sở chuyên môn uy tín. Thời điểm "vàng" để can thiệp là trước 6 tuổi, vì đây là giai đoạn não bộ có khả năng tiếp nhận và điều chỉnh tốt nhất.

Việc đánh giá cần thực hiện bởi nhóm chuyên gia đa ngành gồm bác sĩ tâm bệnh nhi, chuyên gia tâm lý, giáo viên giáo dục đặc biệt, chuyên viên trị liệu ngôn ngữ/vận động... Đánh giá không chỉ là phỏng vấn phụ huynh, mà cần có thời gian quan sát, thực hành công cụ chuẩn hóa một cách nghiêm túc, linh hoạt theo từng trẻ.

Chung tay vì một xã hội hòa nhập

TS Đào Thu Thủy nhấn mạnh: Dù không thể "chữa khỏi", nhưng tự kỷ hoàn toàn có thể được hỗ trợ hiệu quả nếu có nhận thức đúng và hành động đúng từ gia đình, nhà trường và xã hội.

Một số hành động thiết thực giúp trẻ tự kỷ sớm hòa nhập cộng đồng bao gồm:

- Tăng cường nhận thức: Học hỏi, cập nhật kiến thức khoa học để loại bỏ định kiến, hiểu đúng về tự kỷ.

- Hỗ trợ hòa nhập xã hội: Tạo cơ hội cho người tự kỷ được giao tiếp, học tập, làm việc và thể hiện bản thân trong môi trường tôn trọng và bao dung.

- Thể hiện sự đồng cảm: Thay vì phân biệt hay thương hại, hãy tiếp cận với sự lắng nghe, tôn trọng và hỗ trợ cá nhân hóa. Mỗi người tự kỷ đều có giá trị và cần được trao cơ hội phát triển.

- Ủng hộ các tổ chức hỗ trợ người tự kỷ: Tham gia, đồng hành hoặc chia sẻ với các đơn vị đang làm việc vì quyền lợi và hạnh phúc của người tự kỷ.

"Hãy chung tay xóa bỏ sự kỳ thị, thúc đẩy hòa nhập và tạo nên một thế giới nơi mọi người – dù là ai – đều có cơ hội phát triển và sống hạnh phúc. Mỗi hành động nhỏ, mỗi sự thấu hiểu và hỗ trợ đúng lúc đều có thể thay đổi cuộc đời của một đứa trẻ tự kỷ" – TS. Đào Thu Thủy khẳng định.

Nguyễn Mai

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nhan-thuc-dung-can-thiep-kip-thoi-giup-tre-tu-ky-som-hoa-nhap-cong-dong-172250402151301043.htm