Nhân viên 'lật bàn' sếp ở Hàn Quốc
Chuyên gia cho hay nhiều người Hàn Quốc từng chấp nhận bị sếp hoặc quản lý lạm quyền. Tuy nhiên, thời gian gần đây, họ sẵn sàng đứng lên phản đối hoặc tố giác những cá nhân này.
Một người sếp yêu cầu nhân viên dọn dẹp và cho chó của mình ăn. Một người thừa kế hãng hàng không bắt máy bay thương mại chở 200 người sắp cất cánh phải quay lại cổng chỉ để đuổi tiếp viên do “phục vụ sai cách”. Cháu gái 10 tuổi của một ông trùm báo chí lao vào lăng mạ tài xế và dọa đuổi việc anh này.
Những hành vi kiểu như vậy phổ biến ở Hàn Quốc đến nỗi quốc gia này có hẳn một cái tên cho nó: Gapjil.
Đây là một từ ghép để chỉ “gap” - những người có quyền lực - lạm dụng “eul” - những người làm việc cho họ. Trong xã hội phân cấp thứ bậc sâu sắc như Hàn Quốc, khi địa vị xã hội của một người được xác định bởi nghề nghiệp, chức danh và khối tài sản, thì rất nhiều người bị rơi những tình huống kiểu như vậy.
Tuy nhiên, gần đây, xã hội Hàn Quốc phản ứng dữ dội với gapjil. Trên các trang web, biểu ngữ đường phố hoặc thậm chí trong nhà tắm công cộng, cơ quan chính phủ, cảnh sát, tổ dân phố và tập đoàn đang cung cấp “đường dây nóng gapjil”, khuyến khích người dân tố cáo các quan chức và sếp lạm dụng quyền hạn.
Danh tiếng hủy hoại
Nhiều chính trị gia, quan chức cấp cao của chính phủ và các công ty lớn đều chứng kiến danh tiếng bị hủy hoại sau các vụ bê bối gapjil. Công chúng cảm thấy mãn nguyện và hả hê khi chứng kiến những người giàu có và quyền lực không còn nhận “ân sủng” như trước.
Gapjil đã trở thành vấn đề trong chiến dịch tranh cử tổng thống Hàn Quốc vừa qua. Vợ của ứng cử viên Lee Jae Myung đã buộc phải xin lỗi sau khi nhận cáo buộc đối xử với các quan chức chính phủ như thể họ là “người hầu riêng”. Bà đã yêu cầu họ lấy thức ăn và mua sắm đồ đạc dịp lễ tết cho bà khi ông Lee làm thống đốc tỉnh.
“Người Hàn Quốc (từng) chấp nhận bị lạm dụng, nhưng rồi họ không thể chịu được nữa và bùng nổ”, Park Chang Jin - cựu tiếp viên hàng không của Korean Air, người đã vận động chống lại gapjil - chia sẻ.
Anh Park từng trải qua tình huống này.
Năm 2014, Cho Hyun Ah - con gái của cựu Chủ tịch hãng hàng không Korean Air Cho Yang Ho - buộc máy bay thương mại quay lại cổng tại sân bay quốc tế Kennedy ở New York, Mỹ vì không thích cách tiếp viên phục vụ hạt macca.
Cô muốn hạt macca phải đổ ra đĩa thay vì giữ nguyên trong gói. Anh Park và một tiếp viên khác đã phải quỳ gối trước mặt cô Cho. Con gái cựu chủ tịch chỉ cho máy bay cất cánh sau khi đuổi anh Park khỏi máy bay.
Gia đình cựu chủ tịch Korean Air là hình ảnh thu nhỏ điển hình của gapjil. Vào năm 2018, tệp ghi âm và video bị rò rỉ cho thấy một cô con gái khác là Cho Hyun Min và mẹ là Lee Myung Hee la hét và lăng mạ nhân viên. Cựu chủ tịch đã phải xin lỗi và buộc 2 cô con gái từ chức khỏi vị trí quản lý tại công ty.
Vụ luận tội cựu Tổng thống Park Geun Hye vào năm 2017 bắt đầu khi cố vấn bí mật của bà, Choi Soon Sil, bị cáo buộc yêu cầu một trường đại học thay đổi chính sách tuyển sinh để nhận con gái bà.
“Đồng tiền lên tiếng”, cô con gái viết bình luận trên Facebook khiến dư luận phẫn nộ.
Trong khuôn viên trường đại học, các sinh viên đang treo những tấm biểu ngữ cáo buộc “các giáo sư gapjil” quấy rối tình dục.
"Chúng tôi phải thay đổi văn hóa nơi làm việc"
Hàn Quốc là một trong những quốc gia phát triển có thời gian làm việc trong tuần nhiều nhất thế giới. Gapjil thường được coi là một phần lý do đằng sau môi trường làm việc kiểu này.
Sếp bắt nhân viên làm thêm giờ mà không trả lương hoặc nhân viên bị người quản lý bắt nạt, bạo lực ngôn ngữ, yêu cầu đưa hối lộ hoặc trả lương không đúng hạn là những ví dụ cho gapjil.
“Tôi thực sự khó chịu. Cả ngày họ như thể không có gì để làm ngoài việc đi khắp văn phòng và bình phẩm về quần áo của nhân viên nữ, nói rằng chúng tôi không thể kết hôn nếu như cứ ăn mặc kiểu này”, Hong Chae Yeong - 30 tuổi - kể về một người quản lý nam lớn tuổi ở công ty cũ. Cô Hong nói rằng hành vi đó là một phần nguyên do cô bỏ việc.
Trong khi đó, giới tinh hoa và quan chức chính phủ nổi tiếng với một loại gapjil là “nghi thức hoàng gia”, khi nhân viên dưới quyền phải cầm ô hoặc bị buộc đi cầu thang bộ bởi cầu thang máy chỉ mình họ sử dụng. Vào năm 2017, chính trị gia Kim Moo Sung đã trở thành biểu tượng của kiểu gapjil này khi đẩy vali về phía trợ lý tại sân bay để họ kéo. Ông sau đó trở thành chủ đề chế giễu của công chúng.
Đã có lúc người Hàn Quốc dễ tha thứ cho những hành vi như vậy, đặc biệt khi nó liên quan tới những gia đình siêu giàu gọi là chaebol - cụm từ để chỉ đối tượng điều hành tập đoàn gia đình thống trị các lĩnh vực kinh tế lớn, theo Park Jum Kyu - làm việc tại Gabjil 119, nhóm công dân cung cấp tư vấn pháp luật cho nạn nhân.
“Nhưng hiện nay mọi người đòi hỏi tiêu chuẩn hành vi cao hơn”, anh nói.
Xu hướng phản đối gapjil gần đây cũng phản ánh sự thiếu tin tưởng vào hệ thống tư pháp của Hàn Quốc. Nhiều người cho rằng tòa án hiếm khi trừng trị giới tinh hoa khi họ "hành động trên cả pháp luật".
Năm 2007, Kim Seung Youn - Chủ tịch tập đoàn Hanwha - chỉ bị tống giam một thời gian ngắn sau khi hành hung nhân viên. Vào năm 2010, Chey Cheol Won - thành viên gia đình điều hành tập đoàn SK - chỉ nhận án tù treo sau khi dùng gậy bóng chày đánh một nhà hoạt động công đoàn.
Khi các nạn nhân của gapjil cạn kiệt nguồn lực để giải quyết những bất bình một cách hợp pháp, họ thường vạch mặt những kẻ lạm dụng quyền lực trước dư luận, thường là với sự trợ giúp của điện thoại và mạng xã hội.
Năm 2018, mạng xã hội lan truyền video quay cảnh Yang Jin Ho - người đứng đầu một công ty công nghệ - tát nhân viên một cách tàn nhẫn. Vào năm 2017, các tệp ghi âm thu lại giọng của Lee Jang Han - Chủ tịch công ty dược phẩm Chong Kun Dang - dùng một loạt lời lẽ lăng mạ xúc phạm tài xế.
Yang bị bỏ tù vì bạo lực và các tội danh khác, trong khi Lee buộc phải tổ chức họp báo để xin lỗi.
Bất chấp phong trào chống gapjil, Hàn Quốc có thể còn chặng đường dài phía trước để giữ cho môi trường làm việc công bằng và xã hội bình đẳng hơn. Luật chống lạm dụng tại nơi làm việc có hiệu lực vào năm 2019, nhưng luật này chỉ kỷ luật hoặc phạt hành chính tối đa 8.000 USD. Trong cuộc khảo sát của Gabjil 119 năm ngoái, gần 29% nhân viên cho biết họ bị lạm dụng tại nơi làm việc.
Yun Ji-young, luật sư nhân quyền chuyên giúp đỡ các nạn nhân gapjil - cho biết: “Gapjil vẫn được coi là việc nội bộ của công ty. Người muốn đưa vấn đề ra bên ngoài xã hội thường đối mặt với sự thù ghét".
Tuy nhiên, nếu không có trách nhiệm giải trình nhiều hơn, anh Park tại Gabjil 119 lo ngại sẽ không có nhiều thay đổi với những người lao động đang bị ngược đãi bởi sếp của họ.
“Chúng tôi phải thay đổi văn hóa nơi làm việc”, anh nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhan-vien-lat-ban-sep-o-han-quoc-post1321132.html