Nhanh chóng hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp
Thảo luận về công tác dân nguyện mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu ý kiến về việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho doanh nghiệp (DN). Để tìm hướng giải quyết sớm cho DN, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI về vấn đề này.
Nhiều DN đang gặp khó khăn về vốn nhưng lại bị chậm hoàn thuế VAT. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Quốc hội, Chính phủ đang chỉ đạo ngành Ngân hàng tìm nhiều giải pháp để hạ mặt bằng lãi suất để tạo thuận lợi cho DN tiếp cận vốn. Thực tế, việc DN gặp khó khăn về vốn là một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay, cho nên việc giảm lãi suất, giảm chi phí cho DN là ưu tiên trong điều hành.
Mặt khác, nhiều DN cho rằng, vấn đề hoàn thuế VAT hiện nay đang khó khăn, rất nhiều ngành hàng, DN bị nợ đọng thuế VAT, chưa được hoàn lại thuế VAT là một vấn đề căng thẳng. Nhiều DN đang rất khốn đốn, nguy cập, thậm chí có những DN đang đứng bên bờ vực phá sản. Điều này cũng liên quan đến dòng tiền, đến vốn, đến chi phí vốn.
Chính vì thế, việc tháo gỡ khó khăn trong hoàn thuế VAT cần được ưu tiên. Với chính sách hiện tại, có nhiều ngành hàng đã gửi văn bản đến VCCI kêu cứu ở nhiều nơi.
Đây là vấn đề mà Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế đã nhận rõ, cần quan tâm giải quyết trong thời gian tới. Hiện nay lưu ý hoàn thuế VAT không còn là cá biệt ở một số doanh nghiệp, mà đã diễn ra với DN nhiều ngành như gỗ, cao su, sắn... thậm chí có DN sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam mà gần đây báo chí phản ánh cũng đang gặp khó khăn trong việc hoàn thuế VAT. Có những DN cho biết, việc nợ đọng hoàn thuế VAT lên đến cả trăm tỷ đồng, đây là một con số rất lớn.
Theo ông, hướng giải quyết vấn đề chậm hoàn thuế VAT cho DN, ngành Thuế và Bộ Tài chính cần có giải pháp như thế nào?
Nhiều doanh nghiệp cho biết khá nhiều vướng mắc trong việc hoàn thuế VAT, nhưng nó lại nằm ngoài kiểm soát của DN, chẳng hạn một DN có nhiều DN cung cấp nguyên liệu hoặc nhiều DN cung cấp dịch vụ mà chỉ cần một vài trong số đó ngành Thuế cho là rủi ro thì đã trực tiếp ảnh hưởng DN trong vấn đề hoàn thuế.
Chẳng hạn, có DN thành lập hợp pháp, giao dịch thực, hóa đơn cũng thực hiện một cách hợp pháp, thậm chí là hóa đơn điện tử, thông tin đã được gửi đến cơ quan thuế. Lúc doanh nghiệp làm ăn thì DN đó rất tốt, ngân hàng cũng tham gia thẩm định xác nhận rất tốt. Nhưng sau đó DN đó ngừng hoạt động, chuyển trụ sở hoặc lý do nào khác thì cơ quan cho là rủi ro. Vì một vài DN như vậy, việc tạm ngưng hoàn thuế VAT để xác minh hay đổi từ hoàn trước kiểm tra sau sang chế độ kiểm tra trước hoàn sau kéo dài sẽ gây thiệt hại rất lớn do việc đọng vốn của DN.
Hay thực tế thương mại một số ngành nông sản khi người nhập ở đó họ lách quy định bên nước sở tại để hưởng các ưu đãi về thuế, nhập hàng về rồi giải thể công ty như ngành sắn thì DN Việt Nam cũng không thể can thiệp được. Dù hàng xuất của chúng ta là thực, trả tiền thực và doanh nghiệp Việt Nam làm ăn rất nghiêm chính nhưng vẫn bị thiệt hại.
Vì vậy, Bộ Tài chính cũng như Tổng Cục thuế cần có giải pháp, quy định và có quy trình để gỡ khó cho DN. Có DN đề xuất có bảo lãnh của ngân hàng về khoản hoàn thuế này để cho DN hoạt động bình thường. Sau này nếu có vấn đề gì thì DN có thể cam kết thực hiện. Bởi dòng tiền bình thường của DN bảo đảm hoạt động là hết sức quan trọng.
Về mặt dài hạn, cần có một cơ chế quản lý rủi ro tốt hơn, tức là để tránh việc DN ma, tránh việc mua bán hóa đơn thì cần có cơ chế giám sát rủi ro tốt hơn để quy trách nhiệm, tránh việc đẩy những rủi ro này cho DN làm ăn nghiêm túc, tuân thủ pháp luật thuế tốt. Cần có cơ chế cảnh báo, giám sát tốt hơn để tránh những trường hợp DN tuân thủ nộp thuế tốt chưa từng trốn thuế hay chưa từng có vi phạm pháp luật về thuế nhưng vẫn bị đình trệ lớn tạo ra tác động tiêu cực cho hoạt động kinh doanh của DN.
Một điều nữa là cần phải có hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết cho các cơ quan thuế địa phương. Bởi hiện tại, nhiều DN cho biết, một việc diễn ra tại một DN cụ thể, tại một Cục thuế cụ thể, nhưng có thể tạo ra tình trạng đình trệ cho cả ngành hàng, đang có tình trạng thận trọng quá mức của các cơ quan thuế địa phương.
Trong bối cảnh này, ngành Thuế và Bộ Tài chính cần có một chương trình riêng để để tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc hoàn thuế. Có lẽ cần phải đẩy mạnh các hoạt động đối thoại, gặp mặt, giám sát những trường hợp mà kéo dài khi DN có phản ánh để những cơ quan chuyên môn của Tổng Cục thuế cùng ngành thuế địa phương nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc trong việc hoàn thuế VAT.
Ông đánh giá như thế nào về triển vọng của DN từ nay đến cuối năm và cần có giải pháp gì trong việc hỗ trợ để DN đảm bảo sản xuất và tăng trưởng?
Những tháng cuối năm 2023 rất quan trọng để đảm bảo thực hiện mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như Chính phủ đã đề ra. Bởi hiện tại những tháng đầu năm 2023, chúng ta đã chứng kiến chỉ số kinh tế suy giảm nên những tháng cuối năm rất quan trọng để tăng tốc, bứt phá đảm bảo mục tiêu đã đề ra.
Chính vì thế, môi trường hoạt động của DN, đặc biệt những quy định ít nhiều đang gây cản trở hoạt động của DN cần phải nhận diện để tháo gỡ. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh nhiều lần, đó là cần phải tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN đang gặp phải, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề thể chế.
Có 2 lĩnh vực cần phải làm: Một là rà soát, tháo gỡ những điểm nghẽn, những quy định đang hạn chế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN tại các văn bản quy phạm pháp luật và nhanh chóng sửa đổi nó. Hai là tăng cường chất lượng thực thi các văn bản pháp luật để làm sao tạo thuận lợi cho DN. Bởi vì nếu một văn bản không thuận lợi, thực thi không tốt thì sẽ gây khó cho DN.
Chính vì thế, từ nay đến cuối năm, vấn đề hoàn thuế VAT phải xem xét văn bản pháp luật nào chưa rõ, chưa phù hợp, đang tạo ra rủi ro cho cán bộ thực thi cần được sửa đổi ngay. Văn bản là một chuyện quan trọng nhưng quan trọng nữa là chất lượng thực thi của bộ máy, để tạo ra không khí thực thi tốt thì có lẽ cần có sự hướng dẫn phù hợp, việc thực thi cần hướng tới tạo thuận lợi cho DN trong thực tiễn, giảm chi phí, giảm thời gian chờ đợi, giảm sự đình trệ. Có như vậy mới thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và sự hồi phục của nền kinh tế.