Nhanh chóng ổn định tổ chức, bộ máy sau sáp nhập, không ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp

Ngày 14/11/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Nam giai đoạn 2023-2025. Theo đề án, Phủ Lý có 12/21 đơn vị xã, phường thực hiện sắp xếp, sáp nhập, chiếm tỷ lệ 57,1%. Việc sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC không chỉ liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC), người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở mà còn có những ảnh hưởng, tác động nhất định đến người dân, doanh nghiệp. Xung quanh vấn đề này, phóng viên (P.V) Báo Hà Nam có cuộc trao đổi với đồng chí Đào Đình Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Phủ Lý về quá trình thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025.

P.V: Thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn giai đoạn 2023-2025, thời gian qua, thành phố Phủ Lý đã có sự chuẩn bị như thế nào? Và đến thời điểm này, việc triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang được thành phố triển khai ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Đào Đình Tùng: Trước hết phải xác định, việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, rất phù hợp với yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển trong giai đoạn hiện nay, góp phần giảm số lượng ĐVHC; giảm số lượng người làm việc trong cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị ở địa phương; giảm chi ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân...

Thường trực Thành ủy chúc mừng các đảng bộ được thành lập mới sau sáp nhập ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025. Ảnh: Vũ Thanh

Thường trực Thành ủy chúc mừng các đảng bộ được thành lập mới sau sáp nhập ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025. Ảnh: Vũ Thanh

Trên tinh thần đó, thời gian qua, BTV Thành ủy, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ. Trong đó, tập trung chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của tỉnh về sắp xếp ĐVHC, nhất là Kết luận 48, ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Nghị quyết 35, ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, Nghị quyết 117, ngày 30/7/2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025,...

Qua đó, nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân trên địa bàn. BTV Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ), Tổ giúp việc BCĐ sắp xếp các ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025; chỉ đạo UBND thành phố xây dựng, ban hành Đề án 05 về việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố; lấy ý kiến cử tri và tổ chức kỳ họp HĐND để thông qua chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã. Khi lấy ý kiến của cử tri, thành phố đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình rất cao với 98,86% cử tri nhất trí, ủng hộ phương án sắp xếp; 98,27% cử tri nhất trí với tên gọi của các ĐVHC sau sắp xếp; HĐND thành phố và các phường, xã ban hành nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp ĐVHC của phường, xã mình theo Đề án 05 của UBND thành phố.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của BTV Thành ủy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thành phố đã trình các cấp có thẩm quyền Đề án 05 theo quy định. Đến ngày 14/11/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 1288/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh Hà Nam giai đoạn 2023-2025. Đây chính là cơ sở quan trọng để thành phố triển khai thực hiện tốt việc sắp xếp ĐVHC trên địa bàn. Theo đó sau khi sắp xếp, thành phố Phủ Lý đã thực hiện giảm 7 ĐVHC, giảm từ 21 ĐVHC xuống còn 14 ĐVHC (10 phường, 4 xã). Các ĐVHC mới của thành phố đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2025.

P.V: Với số lượng ĐVHC trên địa bàn thực hiện sáp nhập tương đối lớn, đồng chí có thể cho biết, thành phố đã có những chỉ đạo như thế nào bảo đảm hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng quyền lợi của người dân, doanh nghiệp?

Đồng chí Đào Đình Tùng: Đó là vấn đề mà thành phố hết sức quan tâm khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC. Theo ước tính, sẽ có hàng chục nghìn người dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố Phủ Lý, bao gồm cả các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn các phường, xã sáp nhập bị ảnh hưởng bởi các thủ tục hành chính. Theo đó, công dân sẽ có sự thay đổi về nơi sinh, quê quán, hộ khẩu thường trú, tạm trú; các hồ sơ thông tin cá nhân liên quan lý lịch tư pháp, bảo hiểm, y tế, giáo dục, giao thông, đất đai… Tương tự, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sẽ có một số thay đổi liên quan đến đăng ký kinh doanh, thuế, con dấu…

Vì vậy, Thường trực Thành ủy, lãnh đạo UBND thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, địa phương liên quan, như: Nội vụ, Công an, Tư pháp, Kế hoạch - Tài chính… căn cứ chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn thực hiện với mục tiêu không làm ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch hay chuyển đổi giấy tờ. Đồng thời, chỉ đạo chính quyền các địa phương nỗ lực hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho công dân, doanh nghiệp thực hiện thay đổi thông tin… với mục tiêu nhanh nhất có thể, không để bị gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh và ảnh hưởng tới đời sống nhân dân. Các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, công dân, tổ chức trước khi thực hiện sắp xếp ĐVHC nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng. Thành phố cũng chỉ đạo các cơ quan chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền và triển khai việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ và không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện chuyển đổi do thay đổi địa giới ĐVHC, hạn chế tới mức tối đa việc gây xáo trộn, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt, hoạt động của người dân, doanh nghiệp.

Như vậy, sau khi sáp nhập, người dân, doanh nghiệp hoàn toàn yên tâm vì vẫn được sử dụng thông tin, giấy tờ vẫn còn thời hạn để giải quyết các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, để thuận tiện cho việc giao dịch, công dân, doanh nghiệp nên chủ động nghiên cứu, thực hiện việc chuyển đổi thông tin. Hiện nay, với sự hỗ trợ của chuyển đổi số, các thao tác thực hiện chuyển đổi thông tin theo hướng dẫn được thực hiện khá dễ dàng trên nền tảng số.

P.V: Trong quá trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập ĐVHC hiện nay, còn một vấn đề được xem là khó và có tính nhạy cảm cao là việc sắp xếp, bố trí đối với đội ngũ CBCC các xã, phường của địa phương sau sáp nhập. Đồng chí có thể chia sẻ chủ trương và cách làm của thành phố đối với vấn đề này?

Đồng chí Đào Đình Tùng: Thực hiện chủ trương sắp xếp các ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025, BTV Thành ủy đã xác định việc bố trí, sắp xếp đội ngũ CBCC dôi dư là một trong những nhiệm vụ quan trọng được ưu tiên hàng đầu. Chính vì vậy, để chuẩn bị bước đầu cho việc sáp nhập, từ đầu năm 2023, khi có CBCC nghỉ hưu, chuyển công tác, thành phố đã dừng việc tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm; không bổ sung cán bộ cho các vị trí khuyết, thiếu. Tổng số cán bộ các phường, xã thuộc diện dôi dư phải sắp xếp là 120 đồng chí; trong đó, có 89 cán bộ công chức và 31 cán bộ không chuyên trách.

Sau khi Nghị quyết số 1288 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành và có hiệu lực, Thường trực, BTV Thành ủy đã chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền và xây dựng phương án sắp xếp đội ngũ CBCC cấp xã với nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, làm tốt công tác tuyên truyền, công tác nắm tình hình tư tưởng, gặp gỡ, động viên, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong đội ngũ CBCC, viên chức khi thực hiện việc sắp xếp; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Quan tâm lựa chọn, sắp xếp, bố trí sử dụng đối với cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, uy tín, kinh nghiệm công tác; có trách nhiệm, tâm huyết với công việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là đối với người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị và cán bộ chủ chốt. Chú trọng bố trí bộ máy có cán bộ chủ chốt của các đơn vị trước khi sáp nhập, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lãnh đạo, chỉ đạo; tạo sự đoàn kết, thống nhất trong tập thể để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tiến hành rà soát chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm, nguyện vọng của từng người, sắp xếp, bố trí cán bộ theo vị trí việc làm phù hợp với CBCC đang đảm nhiệm trước khi sáp nhập; không còn nhiệm vụ, vị trí thì thực hiện điều chuyển bố trí từ các phường, xã sắp xếp sang các phường, xã còn thiếu; thực hiện vận động nghỉ tinh giản biên chế theo đúng các quy định của Trung ương, của tỉnh…

Đường Biên Hòa, phường Châu Cầu, TP Phủ Lý. Ảnh: Phạm Hiền

Đường Biên Hòa, phường Châu Cầu, TP Phủ Lý. Ảnh: Phạm Hiền

Với các giải pháp đó, thành phố đã chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, công tác nắm tình hình, tư tưởng và nguyện vọng của CBCC. BTV Thành ủy đã chỉ đạo các phường, xã thuộc diện sáp nhập có cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cấp trưởng các tổ chức chính trị - xã hội còn thời gian dưới 5 năm công tác để gặp gỡ, trao đổi vận động, thuyết phục; chỉ đạo các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách cụm, đồng chí Thành ủy viên phụ trách đảng bộ trực tiếp vào cuộc, chỉ đạo, đôn đốc, sát sao với công tác tuyên truyền, vận động CBCC.

Kết quả, đã có 27 CBCC ở các đơn vị sáp nhập viết đơn tình nguyện nghỉ công tác; 5 CBCC ở các đơn vị không sáp nhập tình nguyện nghỉ công tác theo chính sách tinh giản biên chế để nhường vị trí cho cán bộ dôi dư. Đối với các CBCC còn lại, thành phố thực hiện luân chuyển, điều động 29 người sang các đơn vị không sáp nhập; cho nghỉ công tác đối với 6 chủ tịch hội cựu chiến binh nghỉ hưu tham gia công tác và bố trí dôi dư tại các đơn vị sáp nhập; lộ trình, đến hết năm 2029 thành phố sẽ giải quyết xong.

P.V: Thưa đồng chí, để giúp bộ máy các ĐVHC trên địa bàn sau sáp nhập nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định, chuẩn bị tốt cho đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, Thành ủy Phủ Lý có yêu cầu, chỉ đạo gì đối với các phường, xã của thành phố hiện nay?

Đồng chí Đào Đình Tùng: Để bảo đảm ổn định tổ chức bộ máy của các đơn vị phường, xã sau sáp nhập, BTV Thành ủy đã ban hành quyết định về việc thành lập 5 đảng bộ trên cơ sở sáp nhập các đảng bộ phường, xã tương ứng với việc sáp nhập ĐVHC cấp xã; ban hành quyết định về việc chỉ định BCH, BTV và các chức danh lãnh đạo đảng bộ các ĐVHC mới. Đồng thời, ra thông báo chủ trương bầu các chức danh chính quyền (HĐND, UBND) các ĐVHC mới. Việc bố trí sắp xếp nhân sự của Đảng ủy, HĐND, UBND các ĐVHC mới đã được BTV Thành ủy tính toán gắn với việc chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ phường, xã trong thời gian tới đây.

Cùng với đó, Thành ủy Phủ Lý cũng chỉ đạo HĐND, UBND thành phố ban hành kế hoạch và hướng dẫn trình tự kỳ họp để kiện toàn bộ máy của chính quyền địa phương các đơn vị sáp nhập. Đến ngày 02/01/2025, đồng loạt 5 ĐVHC mới của thành phố đã tổ chức kỳ họp HĐND để kiện toàn bộ máy của chính quyền. Sau khi bộ máy đi vào hoạt động, đảng ủy các phường, xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị đại hội. Trong đó, chú trọng chỉ đạo các chi bộ trực thuộc tiến hành đại hội bảo đảm quy định, đúng tiến độ; tiếp tục thực hiện chủ trương bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện các văn kiện đại hội- nhất là báo cáo chính trị, để các chi bộ trực thuộc tiến hành thảo luận, tham gia ý kiến tại đại hội chi bộ. Đặc biệt, chỉ đạo tập trung làm tốt công tác nhân sự đại hội theo Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn của Ban Thường vụ Thành ủy như: thực hiện rà soát, lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp ủy khóa mới, xây dựng đề án nhân sự…

P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Vũ Hà (Thực hiện)

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/xay-dung-dang-chinh-quyen/nhanh-chong-on-dinh-to-chuc-bo-may-sau-sap-nhap-khong-anh-huong-den-nguoi-dan-doanh-nghiep-143337.html