Nhập khẩu gạo tới 1 triệu tấn/năm, có nên lập 'barie'?
Trước lượng nhập khẩu gạo lên tới gần 1 triệu tấn vào năm ngoái, Bộ Công Thương đề xuất siết quản lý mặt hàng này. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là nhu cầu bình thường, phản ánh quy luật thị trường, vì vậy không nên siết chặt.
Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo và có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo đang bộc lộ một số vấn đề bất cập, trong đó xuất hiện tình trạng nhập khẩu gạo trong bối cảnh giá lương thực tăng cao.
Siết chặt vì lo ảnh hưởng tới thu nhập nông dân
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam là nước nông nghiệp chủ yếu sản xuất lúa gạo, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến phục vụ sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch. Sản lượng lúa gạo hàng năm của Việt Nam tương đối dồi dào, đảm bảo an ninh lương thực, dự trữ quốc gia và dành một lượng nhất định cho xuất khẩu.
Hàng năm, Việt Nam dành khoảng 6 – 6,5 triệu tấn gạo cho xuất khẩu. Do vậy, khi xây dựng Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, hoạt động nhập khẩu gạo không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 107/2018/NĐ-CP bảo đảm phù hợp với thực tế tại thời điểm xây dựng Nghị định.
Tuy nhiên, trước tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan, Việt Nam đã nhập khẩu một số loại gạo để phục vụ các nhu cầu trong nước như sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia… và dành lượng gạo chất lượng cao hơn cho xuất khẩu. Tuy nhiên, việc nhập khẩu gạo quá nhiều nhưng không được quản lý, thống kê đầy đủ, kịp thời sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước, tác động đến sản xuất lúa gạo của Việt Nam, đời sống của người nông dân và gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh lương thực.
Trong năm 2021, Bộ Công Thương dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng lượng gạo nhập khẩu của Việt Nam là 999.750 tấn. Trong đó, nhập khẩu từ Ấn Độ lên mức 719.970 tấn (chiếm 72,02% tổng lượng nhập khẩu gạo của cả nước), chủng loại gạo nhập khẩu chủ yếu là gạo tấm (thuộc phân nhóm HS 100640), gạo trắng khác (thuộc phân nhóm HS 100630). Gạo nhập khẩu từ Ấn Độ chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước để làm bún, bánh, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu…
“Việc nhập khẩu gạo dù để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước nhưng với việc tăng mạnh như đã diễn ra trong năm 2021, cùng với việc chưa được quản lý, thống kê đầy đủ, kịp thời có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước như sản xuất lúa gạo, sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu, sản xuất các sản phẩm từ gạo như bún, bánh…, tạo cạnh tranh với sản phẩm trong nước, tác động đến đời sống của người sản xuất trong nước và có thể gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh lương thực, an ninh kinh tế - xã hội”, Bộ Công Thương đánh giá.
Do vậy, Bộ Công Thương cho rằng cần có quy định về quản lý nhập khẩu gạo để giúp cơ quan quản lý nhà nước chủ động, kịp thời điều tiết, điều hành hoạt động nhập khẩu gạo phù hợp với mục tiêu quản lý trong từng thời kỳ.
Theo đó, cơ quan này đề nghị tăng cường quản lý nhập khẩu gạo. Cụ thể, khi xuất hiện lượng gạo nhập khẩu tăng có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ áp dụng biện pháp quản lý nhập khẩu.
Đồng thời, trong trường hợp khi xuất hiện lượng gạo nhập khẩu tăng cao ảnh hưởng tới sản xuất trong nước, Tổng cục Hải quan có trách nhiệm báo cáo chi tiết Bộ Công Thương về số lượng gạo nhập khẩu theo các tiêu chí: số lượng, trị giá, chủng loại, thị trường, khách hàng xuất khẩu, thương nhân nhập khẩu, cửa khẩu nhập khẩu và đề xuất biện pháp quản lý phù hợp.
Tận dụng cơ hội thay vì hạn chế
Chia sẻ về đề xuất này, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH lương thực Phương Đông, nhìn nhận năm ngoái Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo là nhu cầu bình thường của thị trường. Không chỉ chúng ta phải nhập khẩu gạo của Ấn Độ mà còn phải mua thêm từ Campuchia. Đây là quy luật bình thường.
Theo đó, ông Việt Anh cho rằng quan điểm Việt Nam là cường quốc xuất khẩu mà phải đi nhập khẩu gạo là không đúng bởi chính xác là chúng ta đang hưởng lợi từ hoạt động này. Theo đó, gạo nhập khẩu về để phục vụ chế biến, sản xuất bia, thức ăn chăn nuôi… Do vậy, không thể nói là ảnh hưởng tiêu cực tới thu nhập của nông dân Việt Nam, bởi thực tế này không chỉ xảy ra vào năm ngoái mà đã diễn ra nhiều năm.
Thậm chí, đại diện Công ty TNHH lương thực Phương Đông chia sẻ năm nay nếu không có gạo Ấn Độ về thì Việt Nam càng thiếu gạo xuất khẩu, hiện xảy ra tình trạng hợp đồng có nhưng không mua được gạo. Khoảng 1 tháng nay, giá gạo của Việt Nam đang ở mức rất cao, cao hơn Thái Lan, do vậy hãy để ngành lúa gạo vận hành theo quy luật thị trường.
"Tham gia ngành hàng gạo từ năm 1995, tôi thấy không phải dễ, cả doanh nghiệp nước ngoài cũng vậy chứ không phải chỉ doanh nghiệp trong nước. Nhiều doanh nghiệp ngành hàng gạo nước ngoài cũng phá sản, rút khỏi ngành gạo”, ông Việt Anh chia sẻ.
Cùng với đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng việc đặt vấn đề kiểm soát gạo nhập khẩu để bảo đảm an ninh lương thực, đời sống người trồng lúa là không phù hợp với thực tiễn ngành lúa gạo hiện nay. Do diện tích canh tác của mỗi hộ nông dân Việt Nam ít, cây lúa có giá trị thấp nên hiệu quả mang lại không bằng những cây trồng khác. Theo đó, chỉ nên trồng lúa gạo ở những vùng có lợi thế và Việt Nam cũng đã chủ trương giảm sản lượng gạo xuất khẩu xuống 4-5 triệu tấn để tập trung cho chất lượng, hiệu quả.
Theo đó, thay vì hạn chế nhập khẩu, Việt Nam nên tái cơ cấu lại ngành hàng lúa gạo theo hướng cạnh tranh tốt ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), chia sẻ doanh nghiệp đang làm giống với biên lợi nhuận khoảng 32 - 35% thì lấn sân sang làm gạo, biên lợi nhuận chỉ 7- 12%, thậm chí có doanh nghiệp lỗ vì gạo.
Lý giải điều này, bà Liên cho rằng nếu chỉ nghĩ về lợi nhuận, Vinaseed sẽ tập trung vào mảng giống cây trồng và sẽ không mở rộng quy mô kinh doanh sang làm gạo. Tuy nhiên, Vinaseed thấy rằng chuỗi giá trị ngành lúa gạo đang bị chia cắt quá nhiều và nông dân - những người đồng hành cùng doanh nghiệp lại là đối tượng thiệt thòi nhất. “Tôi rất xót xa khi thấy sau mỗi vụ lúa, nông dân trang trải công nợ xong, họ chẳng còn gì để mang về nhà cả”, bà Liên nói.
Để khắc phục tình trạng này, lãnh đạo Vinaseed cho rằng chắc chắn nông nghiệp Việt Nam sẽ phải đổi mới phương thức tổ chức sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, quy mô lớn ứng dụng cơ giới hóa nâng cao năng suất lao động nông nghiệp, thực hiện phân công lại lực lượng lao động trong nông nghiệp.
Đồng thời, “Việt Nam còn đang thiếu thương hiệu gạo mạnh ở thị trường nội địa và quốc tế. Tỷ lệ tiêu thụ lúa qua thương lái còn cao. Đối với hợp đồng tiêu thụ, thì tỷ lệ phá vỡ hợp đồng còn cao”, ông Phan Minh Thông, Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững Nông nghiệp Nông thôn Việt Nam nói.
Ông Nguyễn Như Cường
Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT)
Tôi khẳng định thu nhập mang lại hiệu quả kinh tế, thậm chí lợi nhuận cho người nông dân trồng lúa không thấp, tuy nhiên đời sống của người dân trồng lúa còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất của chúng ta còn nhỏ lẻ, manh mún. Nếu mỗi hộ nông dân Việt Nam có diện tích đất trồng lúa lớn thì tôi có thể khẳng định rằng những hộ này sẽ là những người có mức thu nhập cao, cuộc sống khá giả.
GS. Võ Tòng Xuân
Hiệu trưởng danh dự Đại học Nam Cần Thơ
Hiện nay, diện tích nông nghiệp ở Campuchia còn chưa được khai phá nhiều, chi phí lao động thấp hơn ở Việt Nam nên nhiều doanh nghiệp Việt cũng chuyển hướng sang đầu tư, trồng lúa ở nước này. Do vậy, việc hạn chế nhập khẩu gạo không đáng quan ngại, mà quan trọng hơn cả là gạo nhập khẩu phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch, tránh tình trạng đấu trộn vào nhau để xuất khẩu, ảnh hưởng tới cả thương hiệu của ngành lúa gạo Việt Nam.
Ông Phạm Thái Bình
Tổng giám đốc CTCP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ)
Gạo mà Việt Nam nhập khẩu đa phần là 100% tấm, cấp thấp, có mức giá rẻ hơn dùng cho chăn nuôi. Vì vậy, Việt Nam không nên e ngại là cường quốc xuất khẩu gạo mà vẫn phải nhập khẩu. Theo đó, nếu Nghị định 107 có sửa đổi cần thắt chặt và xuất khẩu gạo không nên đưa ra giá thấp để ảnh hưởng tới sức cạnh tranh chung.