Nhật Bản bắt đầu xả nước thải hạt nhân ra biển

Hôm qua 24/8, Nhật Bản đã chính thức tiến hành xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima qua một cống ngầm dài khoảng 1km ra biển. Đơn vị vận hành nhà máy là Tập đoàn Điện lực Tokyo. Đây là đợt xả nước thải hạt nhân ra Thái Bình Dương đầu tiên của Nhật Bản, trong bối cảnh nước này nhận nhiều phản ứng từ các nước láng giềng và ngư dân.

TEPCO sẽ thải tổng cộng 7.800 tấn nước ra biển trong 16 ngày tới, liên tục 24h/ngày. Đây là đợt xả thải đầu tiên trong 4 lần xả được lên kế hoạch trong năm tài khóa 2023 (từ nay đến tháng 3/2024), dự kiến xả 31.200 tấn nước.

Các giám sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) có mặt tại nhà máy thực hiện các thủ tục liên quan. Nhân viên TEPCO lấy mẫu nước và cá sau đó phân tích, dự kiến công bố kết quả sớm nhất vào ngày hôm nay. Tháng 3/2011, Nhật Bản hứng chịu thảm họa kép động đất và sóng thần, khiến nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị ảnh hưởng.

TEPCO, đơn vị vận hành nhà máy, phải xử lý khoảng 1.000 bể thép chứa 1,34 triệu tấn nước ô nhiễm dùng để làm mát lò phản ứng.

Khi không còn đất xây bể chứa và cần giải phóng không gian, giới chức Nhật Bản từ năm 2021 bắt đầu lên kế hoạch xả dần nước thải qua xử lý xuống biển. Nước được lọc, pha loãng triệt để, loại bỏ các đồng vị phóng xạ, chỉ để lại tritium, một trong hai đồng vị phóng xạ của hydro. Kế hoạch xả thải của Nhật Bản vấp phải phản đối từ phía các nghiệp đoàn đánh cá nước này, cũng như các láng giềng như Trung Quốc hay Hàn Quốc.

Q.T

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nhat-ban-bat-dau-xa-nuoc-thai-hat-nhan-ra-bien-187256.htm