Nhật Bản dẫn đầu về tiếp nhận lao động Việt Nam

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng số người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động là 74.691 người, đạt 57,4% kế hoạch năm (mục tiêu đưa 130.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2025). Trong đó, Nhật Bản là thị trường tiếp nhận người lao động lớn nhất với 35.240 người.

Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ), trong tháng 6/2025, cả nước có 13.060 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, lao động nữ chiếm tỷ lệ đáng kể với 4.650 người. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6, đã có 74.691 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có 25.617 lao động nữ. Kết quả này tương đương 57,4% kế hoạch năm 2025 (mục tiêu 130.000 lao động), tạo nền tảng tích cực để kỳ vọng hoàn thành, thậm chí vượt chỉ tiêu trong nửa cuối năm.

6 tháng đầu năm Việt Nam đưa hơn 70.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh: Tống Giáp.

6 tháng đầu năm Việt Nam đưa hơn 70.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh: Tống Giáp.

Nhật Bản tiếp tục là thị trường tiếp nhận lao động lớn nhất của Việt Nam, với 35.240 lao động trong 6 tháng đầu năm. Đài Loan (Trung Quốc) xếp thứ 2 với 28.206 lao động, trong khi Hàn Quốc đứng thứ 3 với 5.650 lao động. Đây là các thị trường truyền thống, ổn định, có nhu cầu tuyển dụng lớn, thu nhập tốt và điều kiện làm việc đảm bảo, nhờ đó luôn thu hút lượng lớn người lao động Việt Nam.

Ngoài các thị trường truyền thống kể trên, một số thị trường khác cũng ghi nhận kết quả tiếp nhận đáng chú ý như Trung Quốc với 1.478 lao động, Singapore với 1.100 lao động, Hungary với 572 lao động và Rumani với 400 lao động. Việc tiếp tục duy trì kết quả tích cực tại các thị trường này là minh chứng cho hiệu quả của các chính sách mở rộng thị trường và đa dạng hóa ngành nghề thời gian qua.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, cùng với việc duy trì các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới là hoạt động kiểm tra, giám sát việc tuyển chọn, đào tạo, phái cử người lao động được triển khai đồng bộ. Qua đó, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Các hoạt động trao đổi, hợp tác với các quốc gia và vùng lãnh thổ có nhu cầu tiếp nhận lao động cũng được tăng cường, góp phần mở rộng thị trường, đa dạng hóa ngành nghề và nâng cao hiệu quả công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Văn Hồi, việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm làm việc và hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, ngay sau khi xảy ra vụ việc vi phạm liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu lao động mới đây, Bộ Nội vụ có cuộc họp với Cục Quản lý lao động ngoài nước và các đơn vị có liên quan để nghiêm khắc chấn chỉnh.

Đặc biệt, bỏ các “giấy phép con”, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, phát triển, mở rộng thị trường cũng như đảm bảo cung ứng dịch vụ tốt nhất cho người lao động; yêu cầu đơn vị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các tỉnh, thành thực hiện.

Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2025, đồng thời nâng cao hiệu quả, bền vững và an toàn trong công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhat-ban-dan-dau-ve-tiep-nhan-lao-dong-viet-nam-10309872.html