Nhật Bản muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc

Nhật Bản đang thực hiện chính sách mới nhằm tránh phụ thuộc nguồn cung vào Trung Quốc; mở rộng sang khối các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Ông Nguyễn Chỉ Sáng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam ngày 31.8 cho biết, hiện con số xuất nhập khẩu của ngành cơ khí lớn nhưng hầu hết nằm trong khối doanh nghiệp FDI, tỷ trọng của doanh nghiệp Việt Nam còn khiêm tốn.

Dù dư địa thị trường của công nghiệp là rất lớn, song việc đa dạng và mở rộng thị trường đối với các doanh nghiệp trong ngành cơ khí vẫn hết sức khó khăn do vấp phải sự canh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp do năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh, chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng tiềm năng biết đến.

Căn cứ trên thực tế, ông Nguyễn Chỉ Sáng cho hay khách hàng nước ngoài nhận diện nhiều hạn chế của doanh nghiệp cơ khí Việt Nam. Trong đó, kỹ năng tìm kiếm khách hàng hạn chế, chưa có mặt hàng truyền thống, không có đại diện bán hàng theo khối và không liên kết chặt chẽ trong tìm kiếm khách hàng; ngại thay đổi quy mô sản xuất; hạn chế trong sử dụng thương mại điện tử phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Dù dư địa thị trường của công nghiệp là rất lớn, song việc đa dạng và mở rộng thị trường đối với các doanh nghiệp trong ngành cơ khí vẫn hết sức khó khăn do vấp phải sự canh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài - Ảnh: IT

Dù dư địa thị trường của công nghiệp là rất lớn, song việc đa dạng và mở rộng thị trường đối với các doanh nghiệp trong ngành cơ khí vẫn hết sức khó khăn do vấp phải sự canh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài - Ảnh: IT

Theo đó, đại diện Hiệp hội Cơ khí đề xuất các thương vụ Việt Nam ở thị trường nước ngoài hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp cơ khí trong nước, nhất là về cung cấp thông tin thị trường. Đồng thời, hiệp hội đề nghị Bộ Công Thương tăng cường hỗ trợ kết nối doanh nghiệp trong ngành với các nhà mua hàng nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các kênh thương mại điện tử, hỗ trợ tổng hợp số liệu và nhu cầu thị trường.

Về phía Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), bà Trương Thị Chí Bình - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VASI thông tin, năm nay thị trường sản phẩm cơ khí suy giảm khoảng 20% đơn hàng, có doanh nghiệp đơn hàng suy giảm nặng hơn, từ 30 - 40%. Tuy nhiên, lĩnh vực cơ khí cũng có thêm nhiều khách hàng mới do sự dịch chuyển về sản xuất. Trong khi đó, năng lực của doanh nghiệp trong nước đã có những chuyển biến tích cực. Cùng với đó là nhiều công đoạn sản xuất doanh nghiệp Việt Nam đủ khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ.

Thông tin về thị trường Mỹ trong lĩnh vực cơ khí, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York cho biết lĩnh vực cơ khí đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Mỹ, nhất là ngành sản xuất ô tô. Là nhà sản xuất lớn về cơ khí chế tạo, Mỹ cũng là nước có nhu cầu nhập khẩu đa dạng, các sản phẩm nhập khẩu là máy công nghiệp, máy bay dân dụng, máy tính, phụ kiện bán dẫn, máy móc nông nghiệp, ngành giấy, ô tô, phụ tùng ô tô...

Như vậy, hiện còn nhiều dư địa xuất khẩu sang thị trường Mỹ, doanh nghiệp trong nước cần chủ động nguồn hàng, tuân thủ quy định từ thị trường, có các chứng chỉ về chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, tùy theo từng ngành, sản phẩm cụ thể. Mặt khác, doanh nghiệp cần sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững, hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tham gia các hội chợ xúc tiến xuất khẩu. "Thương vụ sẽ đồng hành, phối hợp với các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để sản phẩm cơ khí tiếp cận thuận lợi thị trường Mỹ", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Đối với thị trường Nhật Bản, đây là thị trường xuất khẩu truyền thống của sản phẩm cơ khí Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cơ khí đang chiếm tỷ trọng 5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Ông Tạ Đức Minh - Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản thông tin, Nhật Bản hiện thực hiện chính sách mới nhằm tránh phụ thuộc nguồn cung vào Trung Quốc; mở rộng sang khối các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. "Mặt khác, doanh nghiệp cơ khí của Nhật Bản chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, lâu đời, chủ của doanh nghiệp này muốn chuyển giao, tuy nhiên ở đất nước có tỷ lệ già hóa dân số thì việc này tương đối khó khăn nên có định hướng sang Việt Nam tìm cơ hội hợp tác sản xuất", ông Minh cho hay.

Theo số liệu thống kê, tháng 8.2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 60,92 tỉ USD, tăng 6,7% so với tháng trước, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 32,37 tỉ USD, tăng 7,7% so với tháng trước, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8 ước đạt 28,55 tỉ USD, tăng 5,7% so với tháng trước, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 435,23 tỉ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng 8 năm 2023 ước tính xuất siêu 20,19 tỉ USD.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nhat-ban-muon-mo-rong-hop-tac-voi-viet-nam-tranh-phu-thuoc-vao-trung-quoc-205028.html