Nhật Bản nói lời tạm biệt với gấu trúc

Gấu trúc đã trở thành biểu tượng nổi tiếng tại thị trấn Shirahama, Nhật Bản. Hơn ba thập kỷ qua, sự hiện diện của chúng tại vườn thú Adventure World địa phương đã thu hút hàng trăm nghìn du khách.

Adventure World đã là ngôi nhà của gấu trúc trong gần 31 năm. Ảnh: Yumi Asada/CNN

Adventure World đã là ngôi nhà của gấu trúc trong gần 31 năm. Ảnh: Yumi Asada/CNN

Người dân Nhật Bản đến vườn thú Adventure World, tay ôm chặt biểu ngữ và thú nhồi bông. Với nước mắt lưng tròng và tiếng nấc nghẹn ngào, họ kiên nhẫn xếp hàng dưới cái nắng như thiêu đốt để được nhìn thấy những chú gấu trúc lần cuối trước khi chuyển đi.

Gấu trúc đã trở thành biểu tượng nổi tiếng tại thị trấn Shirahama, Nhật Bản. Hơn ba thập kỷ qua, sự hiện diện của chúng tại vườn thú Adventure World địa phương đã thu hút hàng trăm nghìn du khách - những người yêu mến loài vật dễ thương này và nâng tầm chúng lên thành một biểu tượng, đưa thị trấn lên bản đồ thế giới.

Nhưng giờ đây, bốn chú gấu trúc ở thị trấn Shirahama đã đến lúc phải rời đi. Mặc dù tất cả đều được sinh ra tại thị trấn này, nhưng cuối cùng chúng thuộc về Trung Quốc, quốc gia đã bắt đầu cho người dân thị trấn Shirahama mượn gấu trúc vào năm 1994.

Năm nay, Trung Quốc đã từ chối gia hạn thỏa thuận và triệu hồi những chú gấu trúc trở về quê hương. Sẽ không có thêm chú gấu trúc nào thay thế chúng nữa.

Tại thủ phủ gấu trúc của Nhật Bản, khi đối mặt với một tương lai không còn gấu trúc, người dân cảm thấy hụt hẫng.

"Đến đây đã gợi lại biết bao kỷ niệm. Và tôi nhận ra, tôi thực sự không muốn những chú gấu trúc này phải rời đi", Shiori Sakurai, một trong số rất nhiều người hâm mộ gấu trúc đến chia tay tại buổi lễ hôm 27.6, đã bật khóc.

“Thật buồn,” bà Mihoko Ninomiya chia sẻ khi hòa vào đám đông tại Adventure World, cùng với con gái và cháu gái. Ba thế hệ người hâm mộ gấu trúc đã hành hương hàng tháng để ngắm nhìn những chú gấu lần cuối.

“Chúng tôi đã đến đây từ khi con gái còn rất nhỏ. Chúng tôi sẽ nhớ những chú gấu trúc vô cùng”, bà Mihoko Ninomiya nói.

"Thị trấn gấu trúc"

Việc xa cách những chú gấu sẽ là thử thách khó khăn đối với người dân thị trấn Shirahama, một điểm đến nghỉ dưỡng nằm khuất trên bờ biển phía nam Nhật Bản, chỉ cách Osaka 90 dặm về phía nam.

Hình ảnh khuôn mặt đen trắng mềm mại của những chú gấu trúc hiện diện khắp nơi, từ tàu hỏa, xe buýt đến nhà hàng và cửa hàng lưu niệm ở thị trấn.

Được biết đến với tên gọi “thị trấn gấu trúc”, nơi đây từ lâu đã đón tiếp rất đông du khách nhằm tìm kiếm những kỳ nghỉ theo chủ đề gấu trúc, trong đó điểm nhấn là cảnh những chú gấu yêu thích ôm cây, gặm tre và nhào lộn trong chuồng.

Những chú gấu trúc trong nhiều thập kỷ đã là nguồn sống kinh tế cho 20.000 cư dân của thị trấn. Với sự rời đi của bốn chú gấu trúc cuối cùng, thị trấn đang rơi vào tình trạng bấp bênh.

Katsuhiro Miyamoto, Giáo sư danh dự ngành kinh tế tại Đại học Kansai, ước tính thị trấn đã tạo ra 125,6 tỷ yên (870 triệu đô la) doanh thu từ nền kinh tế gấu trúc trong ba thập kỷ qua.

"Gấu trúc là điểm thu hút du lịch lớn nhất. Nếu không có chúng, số lượng khách du lịch sẽ giảm. Khi không có các loài động vật này, thị trấn có thể mất tới 6 tỷ yên (41 triệu đô la) mỗi năm, tương đương 40% ngân sách hàng năm của Shirahama", ông nói.

Ngành du lịch cho rằng thị trấn sẽ mất 200.000 du khách mỗi năm. Và sự sụt giảm đó sẽ gây ra tình trạng mất việc làm và đẩy nhanh quá trình suy giảm dân số, buộc các thế hệ trẻ phải chuyển đến các thành phố khác để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn.

Du lịch tại thị trấn Shirahama phụ thuộc rất nhiều vào những chú gấu trúc. Các khách sạn cung cấp phòng nghỉ theo chủ đề gấu trúc. Máy bán hàng tự động được trang trí bằng các phiên bản gấu trúc manga. Các nhà hàng phục vụ các tô mì ramen và món tráng miệng với những biến tấu thú vị về gấu trúc.

Satsuki Kitai điều hành một cửa hàng lưu niệm gần ga tàu Shirahama, bán thú nhồi bông gấu trúc và đồ ăn vặt hình gấu trúc. Bà cho biết doanh nghiệp gia đình đã tồn tại trong 80 năm, với 40% doanh thu đến từ việc bán đồ lưu niệm gấu trúc.

"Chúng tôi vẫn chưa quyết định sẽ dần loại bỏ chúng hay giữ lại làm 'kỷ niệm gấu trúc'", bà nói thêm. Các chủ doanh nghiệp khác trong thị trấn cũng đang cân nhắc lựa chọn tương tự.

Thị trấn Shirahama xinh đẹp từng nổi tiếng với những suối nước nóng, được cho là một trong những suối nước nóng lâu đời nhất Nhật Bản.

Trong suốt 31 năm qua, tình yêu của người dân Nhật Bản dành cho loài động vật dễ thương này đã mang đến một nét văn hóa đặc trưng thu hút số lượng lớn khách du lịch ghé thăm.

MINH DƯƠNG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-gioi/nhat-ban-noi-loi-tam-biet-voi-gau-truc-150970.html