Tháp Chăm cổ hơn nghìn năm tuổi được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt

Tháp Bà Ponagar hơn nghìn năm tuổi, một quần thể kiến trúc độc đáo và đặc sắc của người Chăm cổ được công nhận trở thành di tích quốc gia đặc biệt.

Tối 10/7, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Tháp Bà Ponagar - một quần thể kiến trúc Chăm cổ hơn nghìn năm tuổi. Đồng thời, tri thức chế biến trầm hương cũng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Xuân Ngọc

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Xuân Ngọc

Tháp Bà Ponagar ở nằm trên đồi Cù Lao, bên dòng sông Cái, trên đường 2 Tháng 4, phường Bắc Nha Trang. Công trình là quần thể tháp Chăm được xây từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 13. Tương truyền, dưới vương triều Panduranga để thờ nữ thần Ponagar là Mẹ xứ sở của người Chăm (gọi là Tháp Bà Ponagar), gắn bó với đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc Chăm – Việt hơn nghìn năm qua.

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đón nhận di tích quốc gia đặc biệt đối với Tháp Bà Ponagar Nha Trang. Ảnh: Xuân Ngọc

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đón nhận di tích quốc gia đặc biệt đối với Tháp Bà Ponagar Nha Trang. Ảnh: Xuân Ngọc

Tháp Bà Ponagar được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1979. Lễ hội Tháp Bà Ponagar diễn ra từ ngày 21 - 23/3 âm lịch hàng năm, là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được xếp hạng là một trong những lễ hội cấp quốc gia.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Tháp Bà Ponagar không chỉ là công trình kiến trúc độc đáo có giá trị thẩm mỹ, lịch sử mà còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm như sắc phong, bia ký, tượng cổ… Đặc biệt, tượng Nữ thần Pô Inư Nagar (Thiên Y A Na) là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc Chăm, thể hiện thần thái sinh động, biểu cảm sâu sắc, phản ánh chiều sâu tín ngưỡng và tài hoa văn hóa của cả một thời kỳ lịch sử.

Tháp Chăm cổ hơn nghìn năm tuổi nhìn trên cao. Ảnh: Xuân Ngọc

Tháp Chăm cổ hơn nghìn năm tuổi nhìn trên cao. Ảnh: Xuân Ngọc

Hiện nay, cụm đền tháp Champa vẫn giữ gần như nguyên vẹn kết cấu kiến trúc, gắn liền với các tín ngưỡng dân gian và truyền thuyết về “Bà Mẹ Xứ Sở”, là biểu tượng thiêng liêng trong tâm thức cư dân miền Trung.

Theo ông Nam, Tháp Bà Ponagar không chỉ được bảo tồn tốt mà còn phát huy vai trò là trung tâm thờ Mẫu tiêu biểu của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung.

Bên cạnh đó, Thiên Y A Na còn được cộng đồng những người làm nghề trầm hương tôn kính là Thủy tổ. Nhờ nguồn nguyên liệu quý đặc hữu, nhiều sản phẩm trầm hương của Khánh Hòa đã đạt chuẩn OCOP quốc gia, tạo dựng bản sắc riêng cho vùng đất “Xứ Trầm Hương” trên bản đồ văn hóa Việt Nam.

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Tri thức chế biến trầm hương". Ảnh: Xuân Ngọc

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Tri thức chế biến trầm hương". Ảnh: Xuân Ngọc

Người đứng đầu UBND tỉnh nhấn mạnh, Tháp Bà Ponagar và tri thức chế biến trầm hương không chỉ là di sản quý giá của địa phương, mà còn là biểu tượng kết nối cộng đồng, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc.

Ông đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu các giải pháp bảo tồn di tích gắn với phát triển du lịch, từng bước xây dựng Tháp Bà Ponagar trở thành điểm đến văn hóa, tâm linh đặc trưng của Khánh Hòa trên hành trình hội nhập và phát triển.

Xuân Ngọc

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thap-cham-co-hon-nghin-nam-tuoi-o-nha-trang-la-di-tich-quoc-gia-dac-biet-2420265.html