Nhật Bản sẽ giải 'bài toán thuế quan' của Tổng thống Trump như thế nào?

Sức ép từ bão thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đặt ra bài toán mới cho Nhật Bản trong hoạch định chính sách nhằm cân bằng quan hệ với hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Động thái thuế quan gần đây cùng với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump khiến Nhật Bản hoài nghi về sự tin cậy của Washington trong vai trò đồng minh truyền thống. (Nguồn: The Sun)

Động thái thuế quan gần đây cùng với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump khiến Nhật Bản hoài nghi về sự tin cậy của Washington trong vai trò đồng minh truyền thống. (Nguồn: The Sun)

Tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế 24% đối với hàng hóa Nhật Bản trong một kế hoạch toàn diện nhằm áp thuế lên khoảng 90 quốc gia.

Nhà Trắng sau đó đã tạm hoãn kế hoạch này nhằm mở đường cho đàm phán, nhưng vẫn giữ mức thuế cơ bản 10% đối với tất cả quốc gia ngoại trừ Trung Quốc, qua đó tiếp tục làm leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, mức thuế 25% lên nhôm, thép và ô tô xuất khẩu vẫn sẽ có hiệu lực với Nhật Bản.

Động thái thuế quan gần đây cùng với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump khiến Nhật Bản hoài nghi về sự tin cậy của Mỹ trong vai trò đồng minh truyền thống. Trong khi đó, Bắc Kinh lại đang tìm cách tập hợp sự ủng hộ từ các quốc gia bị đe dọa do bão thuế Mỹ quan, bao gồm cả Tokyo.

"Ấm tình" láng giềng Đông Bắc Á

Nhật Bản đã cử hàng loạt phái đoàn sang Bắc Kinh trong bối cảnh Mỹ tạo làn sóng thuế quan mới trên toàn cầu. Cuối tháng Tư, khi Chủ tịch đảng Komeito, ông Tetsuo Saito thăm Bắc Kinh, Trung Quốc đã đề cập việc gặp khó khăn trong cuộc cạnh tranh thuế quan với Washington, đồng thời bày tỏ thiện chí cải thiện quan hệ với Tokyo.

Nối tiếp sau đó là chuyến thăm Bắc Kinh từ ngày 22-24/4 của phái đoàn lưỡng đảng thuộc Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật-Trung. Trong cuộc gặp, Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế khẳng định “sẵn sàng thực hiện nhiều hình thức đối thoại và trao đổi khác nhau” với Tokyo.

Dù có nhiều tín hiệu xích lại gần nhau về mặt chính trị, song những bất đồng từ lâu giữa hai quốc gia Đông Bắc Á vẫn phủ bóng lên tiến trình phát triển của quan hệ song phương.

Nhiều năm qua, Tokyo và Bắc Kinh không chỉ tranh cãi về lệnh cấm hải sản, mà còn về các tranh chấp lãnh thổ liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông, cũng như sự quyết đoán ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc.

Vì lẽ đó, các học giả Trung Quốc cho rằng sự cải thiện quan hệ gần đây giữa Tokyo và Bắc Kinh chỉ là một bước đi mang tính thực dụng nhằm ứng phó chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ, chứ không phải là chiến lược dài hạn để hướng đến sự ổn định song phương.

Theo Giám đốc Trung tâm địa kinh tế Greenberg tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, ông Matthew Goodman, khả năng Nhật Bản nghiêng hẳn về phía Trung Quốc là rất thấp.

“Từ lâu, họ đã phải duy trì một mối quan hệ quan trọng nhưng đầy thách thức với Trung Quốc. Và điều đó, một lần nữa, là vấn đề dai dẳng đối với Nhật Bản hàng thế kỷ, thậm chí là hàng thiên niên kỷ nay”, ông Matthew Goodman nhấn mạnh.

Giữ đà liên minh truyền thống

Dù có thể hoan nghênh tín hiệu tích cực từ phía Bắc Kinh, Tokyo vẫn phải nỗ lực ổn định quan hệ với Washington dưới thời nhiệm kỳ Tổng thống Trump, đồng thời hy vọng giải quyết tranh chấp thuế quan mà không phải đối đầu trực tiếp với Mỹ, nhằm ngăn Trung Quốc tận dụng những rạn nứt tiềm tàng trong liên minh Nhật-Mỹ.

Tokyo là một trong những quốc gia đầu tiên đàm phán thuế quan với Washington. Trong vòng đàm phán đầu tiên vào giữa tháng 4/2025, Tổng thống Trump đã trực tiếp tham gia, cho thấy tầm quan trọng của thỏa thuận này đối với Mỹ.

Tại đây, Nhà Trắng đã yêu cầu Nhật Bản nhập khẩu thêm ô tô do Mỹ sản xuất và mở cửa thị trường cho thịt bò, gạo và khoai tây của Mỹ.

Sau vòng đàm phán thứ hai tại Washington vào tuần trước, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản, kiêm Trưởng đoàn đàm phán thuế quan Ryosei Akazawa cho biết đã kêu gọi Mỹ dỡ bỏ thuế quan và tiếp tục nỗ lực để đạt được thỏa thuận phù hợp với hai bên.

Nói về Trung Quốc, ông Akazawa cho hay, Nhật Bản vẫn theo dõi sát diễn biến thương chiến Mỹ-Trung “với sự quan tâm đặc biệt”, đồng thời nhấn mạnh quan hệ thương mại sâu rộng giữa Tokyo và Bắc Kinh.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent (giữa) và Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Ryosei Akazawa (phải) tại cuộc đàm phán ở Washington ngày 1/5. (Nguồn: AFP)

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent (giữa) và Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Ryosei Akazawa (phải) tại cuộc đàm phán ở Washington ngày 1/5. (Nguồn: AFP)

Bên cạnh nỗ lực hàn gắn quan hệ, Trung Quốc và Nhật Bản đang cạnh tranh ảnh hưởng tại Đông Nam Á. Khu vực này gắn liền với chuỗi cung ứng của Trung Quốc, nhưng đang chịu sức ép từ phương Tây nhằm đa dạng hóa và giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Gần đây, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru đã có chuyến thăm tới Việt Nam và Philippines, đạt được thỏa thuận với lãnh đạo hai nước về tăng cường quan hệ an ninh và kinh tế, cũng như nêu bật cam kết của Tokyo trong duy trì và củng cố hệ thống thương mại tự do đa phương.

Có thể nói, trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang, Nhật Bản đang đưa ra chính sách linh hoạt và khôn khéo để giữ thế cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Dù chủ trương duy trì quan hệ thân thiết với Washington, Tokyo vẫn tìm kiếm thêm kênh đối thoại với Bắc Kinh nhằm giảm thiểu rủi ro kinh tế, song các bất đồng song phương vẫn khiến quan hệ Nhật - Trung khó đạt đột phá.

(theo AP)

Phúc Kiên

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhat-ban-se-giai-bai-toan-thue-quan-cua-tong-thong-trump-nhu-the-nao-313426.html