Nhật Bản sẽ xả nước thải nhà máy điện hạt nhân Fukushima từ 24/8
Ngày 22/8, Chính phủ Nhật Bản thông báo nước này sẽ bắt đầu quá trình xả hơn 1 triệu tấn nước thải đã qua xử lý của nhà máy điện hạt nhân Fukushima từ ngày 24/8.
Hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 22/8 cho biết: "Tôi đã yêu cầu Công ty Điện lực Tokyo nhanh chóng chuẩn bị cho việc xả nước theo kế hoạch đã được Cơ quan Quản lý Hạt nhân phê duyệt và dự kiến việc xả nước sẽ bắt đầu vào ngày 24/8 khi điều kiện thời tiết cho phép".
Tới đầu tháng 9, kết quả xét nghiệm đầu tiên về nước biển sau xả thải có thể sẽ được công bố. Nhật Bản cũng sẽ tiến hành kiểm tra cá ở vùng biển gần nhà máy và công bố kết quả kiểm tra trên trang web của Bộ Nông nghiệp nước này.
Thông báo được đưa ra một ngày sau khi Chính phủ Nhật cho biết đã đạt được "một mức độ thông cảm" từ ngành công nghiệp đánh bắt cá về việc xả nước thải – những người lo sợ thiệt hại về uy tín và ảnh hưởng tới sinh kế của mình nếu kế hoạch được thực hiện. Sau cuộc họp ngày 21/8 với đại diện của các tổ chức thủy hải sản địa phương, ông Kishida đưa ra cam kết: “Tôi hứa rằng chúng tôi sẽ đảm nhận toàn bộ trách nhiệm trong việc đảm bảo ngành đánh bắt cá có thể tiếp tục kiếm sống, ngay cả khi điều đó sẽ mất nhiều thập kỷ”.
Quyết định cũng được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản ngày 20/8 trước đó đã đích thân tới thăm nhà máy hạt nhân Fukushima và các cơ sở lọc và pha loãng nước thải tại nhà máy. Tại đây, nước thải sẽ được lọc để loại bỏ hầu hết các nguyên tố phóng xạ ngoại trừ triti, một đồng vị của hydro khó tách khỏi nước. Nước sau được xử lý sẽ được pha loãng xuống dưới mức triti được quốc tế chấp nhận trước khi được thải ra Thái Bình Dương.
Kế hoạch này vốn được chính phủ Nhật Bản phê duyệt từ 2 năm trước với nguyên nhân nó là một phần quan trọng trong việc ngừng hoạt động nhà máy điện hạt nhân Fukushima cũng như hỗ trợ sự hồi phục của khu vực này. Chính phủ Nhật Bản cùng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc – đều đã xác nhận kế hoạch này an toàn.
Hồi tháng 7, IAEA đã bật đèn xanh cho kế hoạch khi khẳng định việc này đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế trong khi tác động đối với con người và môi trường là "không đáng kể".
Tuy nhiên, các quốc gia láng giếng, đặc biệt là Trung Quốc, bày tỏ sự hoài nghi rất lớn về tính an toàn. Hồi tháng 7 trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân đã thể hiện thái độ gay gắt khi chỉ trích Nhật Bản không tham khảo ý kiến đầy đủ của cộng đồng quốc tế về việc xả nước.
Gần như ngay lập tức, Trung Quốc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu hải sản từ 10 quận của Nhật Bản, trong đó bao gồm Fukishima và Tokyo. Việc nhập khẩu mặt hàng này từ các tỉnh khác sẽ được cho phép nhưng phải vượt qua các cuộc kiểm tra phóng xạ và có bằng chứng nguồn gốc từ bên ngoài 10 tỉnh bị cấm.
Về phía Hàn Quốc, các nhà hoạt động của nước này có bày tỏ sự phản đối. Tuy nhiên, chính phủ đã kết luận rằng nước này tôn trọng đánh giá của IAEA trong khi khẳng định kế hoạch của Nhật Bản đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế sau khi tiến hành nghiên cứu của chính mình.
Ngày 21/8, Thủ tướng Fiji, Sitiveni Rabuka, tuyên bố ủng hộ báo cáo của IAEA nhưng thừa nhận rằng kế hoạch này nhận được thái độ chia rẽ từ các quốc đảo Thái Bình Dương.