Nhật Bản tăng gấp đôi chi tiêu quân sự 5 năm tới, trị giá 314 tỷ USD
Nhật Bản tuyên bố sẽ tăng gấp đôi chi tiêu quân sự trong 5 năm tới, viện dẫn các mối đe dọa từ Trung Quốc và Triều Tiên.
Tokyo qua đó cũng trang bị khả năng tấn công căn cứ của đối thủ.
Những thay đổi này đánh dấu việc đầu tư mạnh mẽ nhất đối với chiến lược an ninh của Nhật Bản kể từ khi nước này thông qua hiến pháp hòa bình sau Thế chiến thứ hai.
Theo kế hoạch, Tokyo sẽ mua tên lửa tầm xa của Mỹ có khả năng phá hủy các bãi phóng của đối phương nếu nước này bị tấn công, đồng thời họ cũng sẽ tăng khả năng chiến tranh mạng.
Thủ tướng Nhật - Fumio Kishida nói với các nhà báo rằng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản sẽ chiếm 2% GDP vào năm 2027.
“Thật không may, trong vùng lân cận của đất nước chúng tôi, có những quốc gia đang tiến hành các hoạt động như tăng cường năng lực hạt nhân, xây dựng quân đội nhanh chóng và nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng” - ông nói.
"Những thứ này hiện cũng đang trở nên nổi bật hơn. Trong 5 năm tới, để củng cố cơ bản khả năng phòng thủ của mình, chúng tôi sẽ thực hiện chương trình xây dựng quốc phòng trị giá 43 nghìn tỷ yên (314 tỷ USD)" – thủ tướng Nhật cho biết.
Một tài liệu chiến lược an ninh quốc gia được nội các thông qua và được hãng tin AFP trích dẫn đã mô tả Trung Quốc là "thách thức chiến lược lớn nhất từ trước đến nay đối với việc đảm bảo hòa bình và ổn định của Nhật Bản".
Tài liệu cũng lưu ý rằng Trung Quốc đã không loại trừ việc sử dụng vũ lực để khẳng định quyền kiểm soát đối với Đài Loan.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản đã phản ứng bằng cách cáo buộc Tokyo đưa ra những tuyên bố sai trái về các hoạt động quân sự của họ.
Nhật Bản cũng lo ngại về khả năng tên lửa của Triều Tiên.
Bình Nhưỡng đã phóng hơn 50 tên lửa trong 3 tháng qua, trong đó có một tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản hồi tháng 10 - lần đầu tiên sau 5 năm.
Trong khi đó, tài liệu của Nhật Bản mô tả chiến dịch quân sự ở Ukraine của Nga là hành động "vi phạm nghiêm trọng luật cấm sử dụng vũ lực" đã "làm lung lay nền tảng của trật tự quốc tế".
Hiến pháp thời hậu chiến của Nhật Bản không chính thức công nhận quân đội và giới hạn quân đội ở khả năng tự vệ, mặc dù cựu thủ tướng Shinzo Abe đã mở rộng vai trò của quân đội vào năm 2015.
Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy dư luận ở Nhật Bản hiện đang ủng hộ rộng rãi một số hình thức mở rộng quân sự hơn nữa.
Con số 2% GDP của ông Kishida trùng hợp với mục tiêu dài hạn do các đồng minh của Nhật Bản trong liên minh quân sự phương Tây mà NATO đặt ra vào năm 2006.
Trong khi nhiều quốc gia NATO vẫn chưa đạt được mục tiêu, Đức hy vọng sẽ đạt được mục tiêu trong vài năm tới.