Nhật Bản và chính sách lãi suất âm
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ngày 19/3 đã chính thức tuyên bố chấm dứt chính sách lãi suất âm, và tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm với mức nâng lãi suất cơ bản từ -0,1% lên khoảng 0% - 0,1%.
Như vậy, BOJ là ngân hàng trung ương cuối cùng trên thế giới chấm dứt lãi suất âm và kết thúc một kỷ nguyên trong đó các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới tìm cách thúc đẩy tăng trưởng thông qua tiền giá rẻ và các công cụ tiền tệ phi truyền thống. BOJ đưa ra quyết định trên trong bối cảnh các công ty lớn nhất Nhật Bản đã đồng ý nâng lương cho người lao động thêm 5,28% trong năm 2024 - mức tăng lương mạnh nhất trong 33 năm qua, giúp Nhật Bản thoát khỏi "bóng ma" giảm phát.
Vào đầu những năm 2010, 3 ngân hàng trung ương lớn trên thế giới gồm BOJ, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đều cắt giảm lãi suất xuống mức 0%. Fed đã không hạ xuống lãi suất âm vì các nhà hoạch định chính sách nước này cho rằng luật pháp Mỹ sẽ không cho phép làm như vậy. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương khác do lo sợ giảm phát - nguyên nhân thúc đẩy người tiêu dùng trì hoãn việc mua sắm để chờ giá cả giảm xuống sau này - có thể đẩy nền kinh tế của các nước này rơi vào suy thoái, nên đã quyết định áp dụng chính sách lãi suất âm.
Chính sách lãi suất âm đã được các ngân hàng trung ương trên thế giới áp dụng sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng nợ và suy thoái toàn cầu vào cuối những năm 2000. Lãi suất âm đã làm thay đổi hoàn toàn tính chính thống của tiền tệ. Về lý thuyết, lãi suất âm có nghĩa là người gửi tiền thay vì được nhận lãi sẽ phải chi trả phí gửi cho các khoản tiền tiết kiệm. Mục đích chính của động thái này là thúc đẩy người dân rút tiền khỏi ngân hàng đem đi đầu tư, kinh doanh thay vì tiết kiệm.
Ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ phải giảm lãi suất cho vay, khiến chi phí tín dụng dễ thở hơn cho doanh nghiệp để làm ăn. Lãi suất âm về lý thuyết là điều kiện gần như hoàn hảo để các doanh nghiệp và cá nhân trong nền kinh tế thực hiện các khoản vay, khi họ gần như hoàn toàn không phải trả lãi suất cho các khoản vay của mình. Trong một bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa hoàn toàn phục hồi, thậm chí nguy cơ giảm phát vẫn rình rập tại các nền kinh tế lớn nhất thế giới thì lãi suất âm gần như trở thành một giải pháp thời thượng được tất cả ngân hàng trung ương hướng đến.
Tuy nhiên, khi khép lại kỷ nguyên lãi suất âm, các nhà phân tích đánh giá rằng chính sách này giống như "con dao hai lưỡi".
Cụ thể, tại Nhật Bản, cùng với động thái nới lỏng định lượng của BOJ, chính sách lãi suất âm đã giúp ngăn chặn giảm phát sâu hơn. Tuy nhiên chính tình trạng gián đoạn nguồn cung do đại dịch COVID-19 gây ra và hệ lụy từ chiến tranh Nga - Ukraine mới khiến chi phí nhập khẩu năng lượng, nguyên liệu thô và thực phẩm của Nhật Bản tăng mạnh. Nhờ đó, lạm phát của nước này mới vượt mục tiêu 2% mà BoJ đề ra.
Còn tại châu Âu, mặc dù các nghiên cứu của ECB cho thấy lãi suất âm đã khiến tăng trưởng tín dụng tăng thêm khoảng 0,7 điểm phần trăm mỗi năm, nhưng mức tăng này vẫn chưa đủ để có thể nâng mức lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lên tới mục tiêu mà ECB đề ra là khoảng 2%. Trong khi đó, những người chỉ trích lãi suất âm lập luận rằng việc thiếu khả năng tiếp cận tín dụng chưa bao giờ là nguyên nhân chính khiến châu Âu phục hồi chậm chạp và những vấn đề nghiêm trọng hơn như thiếu khả năng cạnh tranh và đầu tư công - lại nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của chính sách tiền tệ.
Tương tự như vậy, tại Mỹ, Fed vốn duy trì mức lãi suất ở mức gần 0%, nhận thấy những nỗ lực giải quyết mức lạm phát thấp kéo dài trong một thập kỷ, chỉ đem lại hiệu quả không như mong đợi. Cuối cùng, thế giới đã thoát khỏi kỷ nguyên lạm phát thấp nhờ chuỗi cung ứng bị đình trệ do đại dịch COVID-19 gây ra, cùng với các chương trình kích thích tài chính lớn mà các nước giàu tiến hành và những cú sốc năng lượng do cuộc chiến ở Ukraine gây ra.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) Agustin Carstens trong bài phát biểu tuần này về chính sách trên phạm vi rộng cho rằng lạm phát sẽ phần nào phụ thuộc vào các yếu tố không nằm trong tầm kiểm soát của các ngân hàng trung ương, như căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng, dân số lão hóa và biến đổi khí hậu...
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách trên thế giới vẫn đang giải quyết những "tàn dư" do lãi suất âm gây ra, nhất là hệ thống tài chính tràn ngập với hàng nghìn tỷ USD "tiền rẻ" và lượng vốn dư thừa mà các ngân hàng thương mại giờ đây có thể gửi ở ngân hàng trung ương đơn giản chỉ để thu lãi một cách dễ dàng. Điều đáng lo ngại là hậu quả đối với chính sách tài khóa trên khắp trên thế giới khi chính sách lãi suất thấp đã khuyến khích chính phủ nhiều nước tích lũy các khoản nợ cao kỷ lục (khoản nợ ban đầu rất rẻ với mức lãi suất thấp nhưng sau đó đã trở nên đắt đỏ hơn khi lãi suất tăng lên).
Trong bối cảnh trên, ông Carstens nhận định: "Giới chức tài chính có một cánh cửa hẹp để sắp xếp lại trật tự (hệ thống tài chính) trước khi công chúng bắt đầu không còn tin tưởng vào những cam kết của họ".