Nhật Bản và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) hỗ trợ tỉnh Quảng Trị mở cửa biên giới an toàn

Ngày 31/1, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đã trao tặng các vật tư, trang thiết bị vệ sinh - y tế thiết yếu cho tỉnh Quảng Trị nhằm hỗ trợ các cán bộ tuyến đầu khu vực biên giới, đảm bảo quá trình mở cửa trở lại thông hành quốc tế của Chính phủ Việt Nam diễn ra an toàn.

Lễ bàn giao giữa IOM và Tổng lãnh sự quán Nhật Bản và Sở Y tế tỉnh Quảng Trị ngày 31/1. (Nguồn: IOM)

Lễ bàn giao giữa IOM và Tổng lãnh sự quán Nhật Bản và Sở Y tế tỉnh Quảng Trị ngày 31/1. (Nguồn: IOM)

Khoản viện trợ của Chính phủ Nhật Bản và IOM cho tỉnh Quảng Trị bao gồm các trang thiết bị vệ sinh như xà phòng, nước rửa tay sát khuẩn và các trang thiết bị y tế như máy đo thân nhiệt, máy nhiệt kế hồng ngoại, và máy đựng nước sát khuẩn tay.

Phát biểu tại sự kiện, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng Yakabe Yoshinori hoan nghênh các đợt chuyển giao gần đây, đồng thời nhấn mạnh cam kết của Chính phủ Nhật Bản nhằm hỗ trợ quá trình mở cửa thông hành quốc tế an toàn của Việt Nam.

“Chúng tôi ủng hộ những nỗ lực của IOM nhằm tăng cường chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ tuyến đầu cửa khẩu, đồng thời hỗ trợ trang thiết bị bảo hộ cá nhân và các vật tư thiết yếu cho khu vực biên giới,” Tổng lãnh sự Yakabe Yoshinori nói.

Với nguồn tài trợ lên tới 1,6 triệu USD từ Chính phủ Nhật Bản, IOM đã hỗ trợ quá trình mở cửa trở lại thông hành quốc tế an toàn của Chính phủ Việt Nam thông qua việc nâng cao năng lực y tế công cộng tại sáu cửa khẩu biên giới quốc tế và năm sân bay quốc tế (sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất và Phú Quốc) trên khắp Việt Nam. Ước tính có 400 cán bộ tuyến đầu, 50 cán bộ Chính phủ và 3.000 người dân ở các tỉnh biên giới sẽ được hưởng lợi từ dự án.

Về phần mình, Trưởng phái đoàn IOM Park Mihyung cũng tin tưởng những trang thiết bị hỗ trợ bởi Chính phủ Nhật Bản là những đóng góp thiết thực nhằm tăng cường năng lực cho các khu vực biên giới Việt Nam phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Theo bà Park Mihyung, đại dịch đã cho thấy vai trò quan trọng của lao động di cư trong xã hội, và sự cần thiết phải có một cơ chế hiệu quả hơn để vừa bảo vệ vừa trao quyền cho người di cư với tư cách là thành viên quan trọng trong cộng đồng của chúng ta.

"Trong bối cảnh Việt Nam đã thành công trong việc mở cửa lại thông hành quốc tế, thách thức dành cho chúng ta là tiếp tục hỗ trợ người lao động di cư, đặc biệt lực lượng lao động di cư ra nước ngoài, đảm bảo rằng họ được tiếp cận với thông tin chính xác, được trao quyền để đưa ra quyết định sáng suốt và tự bảo vệ mình khỏi những rủi ro khi làm việc ở nước ngoài,” bà Park Mihyung cho hay.

Cũng vào đầu năm nay, IOM đã chính thức giới thiệu quyển Sổ tay sức khỏe cho người Việt Nam làm việc ở hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc, cung cấp kiến thức cơ bản, lời khuyên và hướng dẫn đáp ứng các nhu cầu sức khỏe của lao động di cư.

Cuốn sổ tay hiện đang được cung cấp miễn phí trên bản điện tử: https://mhwg.org.vn/en/library/. IOM sẽ tiếp tục hợp tác tích cực và chặt chẽ cùng Bộ Y tế và các địa phương nhằm đảm bảo mỗi người lao động di cư đều được tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản, để không bỏ lại ai ở phía sau, đặc biệt trong bối cảnh “bình thường mới” của Việt Nam.

Quang Hiếu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhat-ban-va-to-chuc-di-cu-quoc-te-iom-ho-tro-tinh-quang-tri-mo-cua-bien-gioi-an-toan-214970.html