Nhất định phải về miền Tây mùa nước nổi để 'thưởng' món thủy mộc
Với bàn tay khéo léo, người dân miền Tây sông nước đã tận dụng mùa nước nổi để tạo ra rất nhiều món ngon đặc sản từ đa dạng các loại bông, loại nguyên liệu tưởng như chỉ để ngắm ở những nơi khác.
Đối với người dân miền Tây thì mùa nước nổi là một mùa đặc biệt trong năm để đánh bắt, để thu hoạch những đặc sản mà thiên nhiên ban tặng. Mùa nước nổi hay còn được gọi với cái tên dân dã hơn nữa là mùa lũ sông Cửu Long, là hiện tượng tự nhiên thường kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hằng năm.
Vào mùa nước nổi chẳng ai lo đói vì có quá nhiều món ngon quen thuộc mà chẳng cần phải tìm kiếm đâu xa xôi, chỉ cần vài bước ra đồng là có ngay bữa ngon cho cả nhà.
Những món ăn dân dã mang đậm chất miền Tây như cá linh, cá rô mề, cá heo nước ngọt, chuột đồng, cá lóc, rắn, lươn tươi rói và thêm cua đồng hay ốc bươu nữa. Đều là những sản vật từ thiên nhiên ban tặng cho đồng bằng sông Cửu Long vào mùa nước. Cũng nhờ vào vị trí địa lý và hệ thống sông ngòi kênh rạch dày đặc đã mang lại những món ăn ngon. Không chỉ cho người miền Tây mà cả những thức khách ghé thăm đều có thể thưởng thức.
Một thiếu sót rất lớn nếu như nói về con nước miền Tây, nhưng không kể đến các món bông đặc trưng như cây hẹ nước, bông súng dài bằng cả thân người hay cả những bông điên điển vàng óng thi nhau trổ.
Đều là những món ăn bình dân trong bữa ăn thường ngày của bà con miền Tây vào mùa nước nổi nhưng khi đặt lên trên bàn ăn của khách du lịch từ các vùng khác ở trong hay ngoài nước tới, đều trở nên vô cùng đặc biệt. Một bàn ăn đầy đủ cả màu sắc lẫn hương vị đều hài hòa và cho thấy được sức sáng tạo của những người con miền sông nước, có thể làm ra rất nhiều món ăn ngon từ những nguyên liệu tưởng chừng chỉ để ngắm hay trang trí cho đẹp mắt, giống như cái được gọi là bông, là hoa như thế.
Bông súng trước đây là loài cây dại, mọc nơi ao hồ hay những vùng ruộng thấp. Nhiều người gọi bông súng là “thủy mộc”, không ai gieo trồng, chăm sóc nhưng vẫn xanh tốt. Nơi nào có nước, nơi đó có bông súng. Ngày xưa, vào mùa nước nổi, nguồn thực phẩm ít nên người miền Tây nghĩ cách chế biến thân cây bông súng thay cho món rau.
Không ngờ, ngày nay, món bông súng lại trở thành đặc sản miền Tây được nhiều du khách ưa chuộng. Những bó bông súng thân mập mạp, dài đến vài mét, người ta phải cuộn tròn thành từng bó để gọn gàng và dễ vận chuyển. Và ngày nay, trong các tour du lịch Việt Nam, khi nhắc về “đặc sản bông súng”, nhiều người nghĩ ngay đến miền Tây.
Cùng với bông súng, bông điên điển là “đặc sản mùa nước nổi” của miền Tây. Điên điển là loại cây mọc ở vùng đầm lầy, mé sông ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nhất là vào mùa nước nổi. Quanh những cánh đồng, con kênh ngập đầy nước, hàng cây điên điển mọc xanh ươm, thẳng tấp, bông điên điển có màu vàng tươi, mọc thành từng chùm. Mỗi năm, chỉ vào mùa lũ thì loại bông này mới xuất hiện, kéo dài tầm 3 - 4 tháng.
Bông điên điển làm gỏi với tai heo cùng mớ tép rong tươi rói còn nhảy tanh tách, hay bông điên điển nấu canh chua, rồi nào là bánh xèo bông điên điển, hoặc cũng vẫn cũng với tép làm ra món bông điên điển xào tép.
Bà con nông dân miền Tây vô cùng sáng tạo và khéo léo. Cũng chỉ với những nguyên liệu dân dã từ thiên nhiên ban tặng, người dân nơi đây có thể chế biến ra đủ món ngon mà ai cũng mong được ghé đến ít nhất một lần để thưởng thức và nhất định phải ngay con nước để có thể cảm nhận hết cái vị đúng mùa. Cũng chính vì thế mà dù có đi xa đến đâu, người miền Tây cũng chẳng thể với được nỗi nhớ quê da diết trong mình, nhất là khi mùa nước lũ lên.