Nhật hợp tác với Pháp và Đức chế tạo pháo điện từ siêu mạnh

Cục Trang bị Quốc phòng (ATLA) của Bộ Quốc phòng Nhật Bản gần đây thông báo đã đạt được thỏa thuận hợp tác với Pháp và Đức cùng phát triển công nghệ pháo điện từ.

Mẫu pháo điện từ đầu tiên do Nhật nghiên cứu phát triển (Ảnh: LTN).

Mẫu pháo điện từ đầu tiên do Nhật nghiên cứu phát triển (Ảnh: LTN).

Mục đích của hiệp định hợp tác và phân công lao động (Terms of Reference, TOR) về pháo điện từ mà Nhật ký với Pháp và Đức là nhằm đẩy nhanh việc triển khai hệ thống vũ khí tiên tiến này, nâng cao năng lực phòng thủ quốc gia của Nhật Bản và ứng phó với môi trường an ninh ngày càng xấu đi nghiêm trọng.

Theo Defense Blog, việc ký kết thỏa thuận này đánh dấu bước đột phá quan trọng trong công nghệ pháo điện từ (railgun) của Nhật Bản. Pháo điện từ sử dụng loại đạn tốc độ cao có khả năng vượt trội loại đạn của pháo binh truyền thống và thể hiện bước nhảy vọt lớn trong công nghệ quân sự. Sự phát triển của công nghệ này được coi là thành phần then chốt trong chiến lược quốc phòng của Nhật Bản, giúp nâng cao năng lực phòng thủ trước các mối đe dọa trên không và trên biển.

Defense Blog đưa tin, năm ngoái, Giám đốc Công nghệ của Bộ Quốc phòng Nhật Bản Mishima Shigenori cho biết "pháo điện từ được liệt kê là một trong những ưu tiên nghiên cứu và phát triển hàng đầu trong kế hoạch phòng thủ của Nhật Bản".

 Pháo điện từ của Nhật sau khi hoàn thiện có thể được lắp đặt trên tàu chiến Hải quân hoặc trên ô tô (Ảnh: DefenseBlog).

Pháo điện từ của Nhật sau khi hoàn thiện có thể được lắp đặt trên tàu chiến Hải quân hoặc trên ô tô (Ảnh: DefenseBlog).

ATLA hồi cuối tháng 5 đã cử các nhân viên sang tiếp cận Hải quân Mỹ để sử dụng những kiến thức chuyên môn của Mỹ về công nghệ pháo điện từ nhằm thúc đẩy ứng dụng thực tế của công nghệ này. Điều này cho thấy Nhật Bản đang tích cực tìm kiếm hợp tác quốc tế để đẩy nhanh quá trình phát triển loại vũ khí tiên tiến này. Hiện nay, Nhật Bản đã mời Pháp và Đức tham gia phân công lao động nghiên cứu. Có thể nói, với sự kết nối của Nhật Bản, một “Liên minh R&D (nghiên cứu và phát triển) pháo điện từ” đã dần hình thành.

Trước đây, Nhật Bản đã trình diễn loại pháo điện từ hạng trung với cỡ nòng 40 mm, thân pháo dài 6 m và nặng khoảng 8 tấn, có thể bắn đầu đạn nặng 320 gram với vận tốc đầu nòng 2.230 mét/giây (khoảng Mach 6,5), nòng pháo có độ bền bắn liên tục hơn 120 phát. Năng lượng tích điện hiện tại của hệ thống là 5 megajoules (MJ) và mục tiêu trong tương lai là tăng lên đến 20 MJ.

Kế hoạch này không chỉ là bước đột phá về công nghệ mà còn là một phần trong chiến lược quốc phòng của Nhật Bản, nhằm nâng cao khả năng ứng phó với các tình huống an ninh đang biến đổi. Thông qua hợp tác với Pháp và Đức, Nhật Bản hy vọng sẽ chiếm được vị thế thuận lợi trong cuộc cạnh tranh công nghệ quân sự toàn cầu.

Nguyên lý hoạt động của pháo điện từ là sử dụng lực điện từ để đẩy nhanh tốc độ tiến của viên đạn trong nòng, giúp đạn có thể đạt vận tốc ban đầu tối đa khi rời khỏi nòng. Trước đây, nòng pháo truyền thống sử dụng lực nổ để đẩy đạn phóng đi. Vận tốc đầu nòng cao nhất là vào thời điểm nổ, tuy nhiên vận tốc đầu nòng khi đạn ra khỏi nòng sẽ nhỏ hơn vận tốc ban đầu của vụ nổ. Đồng thời, do pháo điện từ có thể tùy ý thay đổi vận tốc ban đầu của đạn nên tháp pháo có thể xác định điểm rơi của quả đạn mà không cần thay đổi góc bắn của pháo.

Ông Shigenori Mishima, Phó Cục trưởng Cục Thiết bị Quốc phòng Nhật Bản (ATLA) kiêm Giám đốc công nghệ của Bộ Quốc phòng, cho biết cơ quan này bắt chước mô hình của Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng Mỹ (DARPA) và Đơn vị Đổi mới Quốc phòng (DIU) trực thuộc DARPA, tập trung vào việc triển khai và mở rộng nhanh chóng các công nghệ thương mại trong toàn quân đội Mỹ.

Dự án phát triển pháo điện từ của Nhật đang tiến triển (Nguồn: DefenseBlog).

Theo tạp chí National Defense của Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng, Nhật Bản có kế hoạch hợp tác với các nước có cùng quan điểm để phát triển các công nghệ tiên tiến. Ông Mishima nói: “Môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản ngày càng trở nên nghiêm trọng với tốc độ biến đổi chưa từng thấy và các nước láng giềng đang tăng cường năng lực quân sự của mình”.

Ông cho biết Nhật Bản có kế hoạch chi số tiền tương đương 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng đến năm 2027, bao gồm tăng chi tiêu hàng năm cho nghiên cứu và phát triển quốc phòng lên 26 tỉ USD, gấp 4 lần năm 2022. Các ưu tiên nghiên cứu bao gồm tên lửa chống hạm để bảo vệ đảo, tên lửa đất đối hạm nâng cấp, tên lửa lướt tốc độ cao và tên lửa siêu thanh.

Đáng chú ý, Nhật Bản đang tập trung phát triển công nghệ pháo điện từ, sử dụng từ trường để phóng đạn không cần thuốc nổ có khả năng nhắm mục tiêu vào tàu thuyền.

Nikkei Asia đưa tin rằng Nhật Bản đã phân bổ hơn 56 tỉ USD) để hoàn thiện phát triển pháo điện từ trong 10 năm. Năm 2016, Nhật Bản đã thử nghiệm nguyên mẫu pháo điện từ lần đầu tiên, bắn thử đạn với vận tốc đạt 7.193 km/h.

Nhật Bản cho rằng vũ khí điện từ là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Nhật Bản nhằm chống lại các mối đe dọa trên không và trên biển trong bối cảnh ngày càng có nhiều tên lửa siêu thanh từ Nga, Triều Tiên và Trung Quốc.

Theo LTN, Defense Blog

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/nhat-hop-tac-voi-phap-va-duc-che-tao-phao-dien-tu-sieu-manh-post175443.html