Nhật kí trên mâm pháo

Trong số bốn mươi tám người cùng đợt khám tuyển, có lẽ mình là người ít tuổi nhất. Ba thằng mình: Ngọc, Khôi, Chín xấp xỉ nhau. Ai lạ gì tuổi thanh niên bộp chộp, cả ba cùng nhận giấy triệu tập đi khám nghĩa vụ mà reo lên sung sướng. Ôi tiếng cười rộn rã trong nhà, ngoài vườn, lan đến bà con cô bác người thân. Nói sao hết nỗi lòng của chúng mình đang sôi lên, một niềm vui vừa đến.

Hôm nay đã quá rõ ràng- trúng tuyển nghĩa vụ. Ba chúng mình chưa đầy mười tám, bước chân vui khôn tả trên đường làng cùng đến Ủy Ban để làm lí lịch. Khai sao cho được rõ ràng, sạch sẽ, đầy đủ. Với ý nghĩ đó mỗi người tập trung tất cả sự cố gắng của mình vào trang giấy. Mồ hôi ướt đẫm, chốc chốc lại phải lấy khăn mặt lau rồi viết tiếp.

Tối ấy không sao ngủ được, vui quá. Vừa nghỉ học mấy tuần là trúng tuyển bộ đội- ước mơ hằng mơ ước.

Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

Cả nước đang rầm rập bước chân như thác lũ- chống Mĩ. Các phong trào "Ba khoan", "Ba sẵn sàng- Ba đảm đang" đang sục sôi lôi cuốn hàng vạn thanh niên xông ra tiền tuyến, cứu nước, lập công. Sung sướng biết bao mình được đứng trong hàng ngũ ấy.

Rạo rực bồn chồn muốn nhảy cẫng lên. Mở rộng lồng ngực cùng tiếng hát. "Đất anh hùng, gái đảm việc, thanh niên xung phong giữa lứa tuổi lúc mái đầu còn xanh...". Lòng hồi hộp như đứng bên dòng sông mát mẻ mà lòng khát lâu rồi, sắp được uống cho đã thèm sau bao ngày chịu đựng.

Đến rồi! Ước mơ sắp được thực hiện. Ta sẽ cất cánh tung bay, lướt nhẹ rồi lao vào những thử thách khó khăn nhất, quyết liệt nhất. Quyết tôi luyện bản thân.

Bồi hồi nghĩ tới mái trường sẽ là kỉ niệm. Thầy cô các bạn ơi sao chưa xa mà cảm xúc thế này? Sân trường tung tăng cùng bạn, chỗ ngồi chăm chú nghe giảng, phát biểu trong giờ, rồi ánh mắt thầy cô trìu mến, những buổi lao động trong vườn thí nghiệm Thống nhất. Nhớ những phút học bài ở nhà, nhớ có lần dối mẹ đi làm bài cùng bạn mà vào chơi nhà Lan, nghe đài, nói chuyện đến 12 giờ khuya...

Lan là nỗi lòng chưa bao giờ dám ngỏ. Giờ lên đường chắc tình cảm sẽ không còn gì nữa. Chỉ còn trong câu thơ khờ dại: "Người đẹp ơi ta yêu người tha thiết/ chẳng biết người có nợ lòng thương"? đọc hoài trong nhớ nhung.

Đang mông lung chìm ngập trong suy nghĩ đó thì có tiếng chó gầm gừ rồi chắc nhận ra người quen nó im bặt. "Ngọc ơi ngủ chưa"? Tiếng Khôi, mình chồm dậy châm đèn.

-Thôi, tắt đèn đi. Tao nằm với.

Hai thằng nằm chung chiếc giường một, đắp chung cái chăn mỏng.

-Hồi hôm đến giờ tao có ngủ được đâu. Cứ nghĩ được đi bộ đội tao sướng lắm. Nhưng cũng buồn phải xa mẹ xa em, còn Vinh nữa, tao yêu cô ấy thế rồi không biết xa có còn tình cảm không? Việc học tao rất tiếc nhưng thôi đi, việc nước lo trước phải không?

"Mày có nghĩ như thế không? Nói đi em, cứ để anh nghĩ mãi". Ôi...rồi anh lại độc thoại: "Ta sẽ cùng cất bước nhẹ nhàng với bộ quần áo xanh cỏ úa, đầu đội mũ sao vàng, thắt cái thắt lưng to, rồi lựu đạn, bi- đông, ba lô nặng trĩu, vai vác khẩu súng, súng gì mà anh tiền trạm nói ấy nhỉ? À súng AK, khẩu súng AK ấy mà được giao thì thích phải biết", nói đến đấy Khôi ôm chặt mình vào lòng.

"Hai đứa bay ngủ đi chứ gần sáng rồi". Là tiếng mẹ. Giao hẹn: đứa nào còn nói nữa thì đứa kia sẽ đập cho một cái thật mạnh vào mồm. Thế là chìm vào giấc mơ những đoàn quân rầm rập hướng Nam thẳng tiến, trong đó có mình, tay nắm chắc lá cờ của Mặt trận giải phóng tung bay phấp phới.

Hôm sau là liên hoan chia tay ở cơ sở Hợp tác xã, Đảng ủy, Ủy ban và Chi Đoàn. Lần khám nghĩa vụ vừa rồi cả ba chúng mình đều trúng loại A3. Cả xã chỉ ba anh em lên đường lần này. Ba đứa lớn lên cùng nhau, vui buồn cùng san sẻ, chung sách vở chung đèn, chung cô giáo chủ nhiệm. Đi học hay đi sản xuất cũng quanh quẩn đợi chờ nhau, chuyện bí mật gì cũng kể. Chỉ khác mình là Đoàn viên trước.

Giấy tờ đã xong xuôi, người ngợm gọn gàng sạch sẽ. Chỉ còn một ngày mai là lên đường.

Gặp gỡ chia tay từng người mà ngậm ngùi khôn tả. Người 5 đồng người 3 đồng góp lại gọi là để các anh giải khát. Người già thì "Mong các con chân cứng đá mềm vạn sự bình an", bạn trẻ thì "Các bạn lên đường mạnh khỏe lập công, hẹn ngày gặp lại". Khóc cười xúc động chứa chan, thôi thì đủ điều mong muốn gửi tới những người con trước lúc lên đường tạm biệt nơi chôn nhau cắt rốn để vì nhân dân, vì giai cấp mà chiến đấu, mà phục vụ- Thống nhất nước nhà.

Đêm cuối trước khi xa gia đình, mình nước mắt vòng quanh: "Con thương mẹ lắm, mẹ nuôi con cho con ăn học đến nay vừa đủ lông đủ cánh chưa giúp đỡ gì cho mẹ thì con lại đi xa, chẳng biết đến bao giờ..."

Mẹ cố nén tiếng sụt sịt. Một cảm giác lành lạnh dọc cơ thể, chỉ biết nói mong mẹ giữ sức khỏe cho con yên tâm chiến đấu, dặn em ngoan, học giỏi... rồi mình nghẹn lời.

"Con yên tâm lên đường, mẹ không chết đói đâu". Mẹ chỉ nói được thế.

(Trích Nhật kí Đặng Sỹ Ngọc)

Đó là những dòng nhật kí tôi viết trên mâm pháo ngày 31/3/1969. Ba năm sau ngày nhập ngũ.

Sau gần hai năm làm lính bộ binh chiến đấu với lính thủy đánh bộ của Mĩ ở chiến trường Quảng Trị, ngày 24/11/1967 tôi được kết nạp Đảng trước trận đánh tại làng Hảo Sơn- Gio An. Trận ấy bị thương không đủ sức khỏe trở lại đơn vị cũ nữa, tôi được quân lực bộ đội phòng không tiếp nhận và trở thành pháo thủ C10 D15 E284.

Trên đất Lào nắng cháy mưa đổ, gian khổ hi sinh không phải ít nhưng vẫn còn có khoảnh khắc cho tôi viết lại kí ức đẹp tươi trước ngày nhập ngũ. Cho tôi nhớ đồng đội đơn vị nơi chiến trường Quảng Trị. Nơi ấy B52 thường là 9,18,27 chiếc cấp tập, lại còn đại bác, cối, tăng, bọc thép và đạn từ đồn bốt, trực thăng vãi xuống. Đồng đội sao rồi?

Và tôi nhớ mẹ. Làng tôi ngăn cách bởi sông Ngàn Sâu. Trên con sông này tuổi trẻ mẹ đã dùng con thuyền- tài sản lớn nhất của gia đình ông ngoại, đưa nhiều đợt bộ đội dân công hỏa tuyến qua sông phục vụ cho chiến dịch Tây Bắc- Điện Biên Phủ. Bố tôi là Công an vũ trang sốt rét sức yếu phải về quê, sống cùng mẹ một năm rồi mất. Mẹ dắt díu hai con về nhà ngoại nương nhờ nơi bến sông này. Vượt bao khó khăn ngày mới hòa bình lập lại ở miền Bắc mẹ cố nuôi các con học hết cấp hai. Mẹ dạy con tình yêu quê hương đất nước qua những câu Kiều. Mẹ ủng hộ động viên con trai duy nhất nhập ngũ. Rồi mẹ lại thi đua với con nơi chiến trường, ngày đêm chở bộ đội qua sông vào Nam đánh Mĩ...

Ngày tôi lên đường. Sáng hôm ấy bầu trời trong xanh. Trên bến nước quen thuộc con thuyền đưa chúng tôi qua sông, bịn rịn nhìn lại các bạn cùng lớp đứng tiễn bên bờ kia, ai cũng cố không khóc.

Trên con thuyền chở ba chúng tôi còn có mẹ tôi, mẹ Khôi và vài người bạn thân.

"Con lên đường cho bằng anh bằng em, chân cứng đá mềm, cố gắng lập công dâng Tổ quốc". Mẹ quay nhanh mặt đi.

Với người lính chúng tôi, nói là để lại bao kỉ niệm nơi quê nhà hay nói hành trang mang theo là bao kỉ niệm- đều đúng.

Chiến trường khác lắm tôi tưởng tượng, và lời mẹ luôn bên tôi vượt qua.

Trái tim người lính

Đặng Sỹ Ngọc

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nhat-ki-tren-mam-phao-a11541.html