Nhật ký 'Lính chiến' của CCB Phạm Hữu Thậm (Kỳ 17):Những ngày bị địch vây trog hang đá - Căn cư bí mật của du kích xã Lâm Đông
Quân địch ở Hòa Nha tăng viện một Đại đội đánh phía sau. Bị nội công ngoại kích, du kích chống đỡ không nổi. Chín Thương ra lệnh rút lui. Khẩu đại liên của anh Hoàn ở bên sông bắn sang chi viện cho quân ta rút. Đạn súng máy, bay sát mặt đường 14 làm cho quân Ngụy chạy dạt sang phía trảng Lâm Tây. Du kích chớp thời cơ vượt chạy ra sông.
Tôi theo Ba Răng Vổ cùng Hai Lợi nhắm phía đông chạy qua cánh ruộng ngô và ớt. Tiếng súng các cỡ ở ấp Lâm Tây nổ ran. Gần đến ven làng Hai Lợi phẩy tay ra hiệu bò. Cô bò trước còn tôi bò chếch bên phải. Ba Răng Vổ đi sau theo hình chữ V. Chúng tôi bí mật vào nhà dân ở đầu Xóm. Hai Lợi hỏi ông lão chủ nhà:
- Tình hình địch bây giờ ra sao chú?
Ông trả lời:
- Ấp này có 1 Trung đội Bảo an và 1 Trung đội Dân vệ. Ban nãy nghe tiếng súng nổ ở ngã ba cây xoài chắc là 2 bên bắn nhau. Đến bây giờ thì lại im ắng cả, không biết ra sao?
Chúng tôi còn đang do dự thì một bà già ở ngoài đi vào nói:
- Quân Ngụy kéo đến đông nghẹt. Chúng đang lùa dân ra đường, lùng soát khắp nơi. Nghe đâu chúng bắn chết mấy người nghi là Cộng sản và bắt mấy gia đình cả vợ chồng con cái, ghép cho tội chứa chấp Cộng sản đem ra bờ Đại Lải bắn hết. Bây giờ chúng đang đi về xóm Đông, đèn bin rọi cùng lối.
Hai Lợi bảo tôi:
- Anh ra bụi ô dô đầu ngõ, ẩn trong đó. Ba Răng Vổ chui vào giàn trầu còn em ra đống củi bên gốc hồng xiêm. Nếu có động còn chi viện cho nhau mà rút.
Lại nói, 2 Tiểu đội của Trung đội 1, nghe tiếng nổ của bộc phá đánh cầu liền vận động tấn công ấp Lâm Đông, nổ súng đánh tràn vào. Quân Bảo an và Dân vệ của địch bị đánh bất ngờ nên chống đỡ không nổi, mạnh ai nấy chạy. Du kích lùng sục bắt được 2 tên rồi thông báo cho dân bỏ ấp theo Cách mạng về làng cũ. Dân chúng, một số chuyển đồ đạc ra đường, một số chần chừ.
Trong lúc đang ồn ào, náo động thì một Đại đội ngụy ở núi Lở được điều đi đánh cứu nguy cho Lâm Đông. Quân ngụy đặt 2 súng đại liên 30 ly, 2 khẩu cối 61 và 2 khẩu ĐKZ 57 ly bắn vào ấp cùng với đạn M79, M72 nổ chát chúa.
Dân chúng chạy toán loạn, người chết, người bị thương, kêu khóc như ri. Bọn Bảo an và Dân vệ thấy có cứu viện đánh quật lại. Du kích thấy tình hình không cân sức, Sáu Hiền ra lệnh rút lui.
Quân ngụy vào làng, lùng sục khắp nơi cả trong nhà ngoài vườn. Chó sủa vang cả xóm. Địch bắt dân tập trung ở nhà Hội đồng tra khảo dọa nạt, đánh đập một số dân bắt khai.
Một chị trung niên lên tiếng:
- Dân chúng chỉ biết làm ăn, chấp hành chính sách Quốc gia, không biết Cộng sản ở mô. Đang đêm nghe súng nổ, 2 bên bắn nhau, dân chúng sợ tè cả ra quần không dám ló ra. Các ông bảo an dân vệ ăn cơm Quốc gia, có vũ khí, súng đạn mà còn lủi mất, huống chi là dân đàn bà con nít. Các ông có giỏi thì đi lùng bắt Cộng sản chứ tra khảo dân thì có ích gì.
Trong lúc ấy thì mấy tên lính sục sạo, soi ngay đèn pin vào giàn trầu, phát hiện ra Ba Răng Vổ. Tên lính nhảy đại ra:
- Việt Cộng tụi bay!
Một tên cứ rọi đèn vào giàn trầu quát:
- Mau ra đi cha nội, hàng sống, chống thì chết.
Nghe “binh” một cái, tên ngụy nằm giãy đành đạch. Ba Răng Vổ bắn đạn M79 bi. Hai Lợi cũng bắn luôn một viên các bin làm một tên chạy được mươi bước ngã sấp xuống. Bọn địch đổ xô đến láo nháo. Tôi từ bụi ô rô liệng ra một trái lựu đạn. Ba Răng Vổ vọt ra sau nhà hô chạy!
Quân ngụy bắn theo. Chúng tôi chạy ra đến gò cây cháy, một quả đạn nổ phía sau.
- Ối, em trúng thương rồi!
Chúng tôi quay lại. Lợi ngồi xệp dưới đất. Tôi lo lắng hỏi:
- Bị ở chỗ mô?
Lợi cầm tay tôi ấn vào vết thương ở bắp chân trái. Máu chảy ướt quần nóng hổi. Lợi hỏi:
- Em có bị gãy xương không?
- Chưa rõ.
Rồi vội xé băng, vén quần băng lại. Ba Răng Vổ quan sát không thấy có địch đuổi theo nói:
- Anh dìu chị đi sau, em đi trước dò đường.
Tôi xốc Lợi dậy dìu đi. Lợi lấm lết đi bước một. Chừng 500m, Lợi ngồi xuống bảo:
- Nó dồn máu tức không đi được, nguy đấy, làm sao bây giờ?
Ba nói:
- Anh đưa súng của chị đây rồi cõng chị lẹ lên. Trời sáng, chạy không kịp trực thăng đến sẽ xúc hết.
Ba đi trước, tôi cõng Lợi theo sau.
Lúc này là 3 giờ sáng ngày 09/3/1971. Quân Ngụy đã chặn các nẻo, không còn lối vượt sông. Ba đề xuất:
- Bây giờ ta chỉ còn nước là chạy lên danh Lâm Tây, ở đó có nhiều hầm dễ ẩn náu.
Hai Lợi nhất trí. Ba rẽ lối tìm đường mò mẫm rúc rừng rất gian khổ. Gần sáng chúng tôi tới chân núi Lâm Tây. Thấy đã xa địch, chúng tôi ngồi nghỉ ngơi, đợi sáng sẽ đi tiếp.
Ăn cơm vắt xong mệt quá, tôi và Ba ngủ thiếp đi. Lợi ngồi cảnh giới. Sáng rõ cô gọi chúng tôi dậy. Ba nói:
- Anh chị ngồi đây để em đi dò đường.
Nói xong, anh xách súng băng vào rừng.
Tôi quan sát ra ngoài ấp, thấy mấy nơi có khói lửa, đường 14 và các gò đồi quân ngụy đóng rải rác. Pháo bắn theo các trục đường lên danh.
Máy bay các loại không biết là bao nhiêu chiếc u u i i trên bầu trời. Đạn nổ tràn lan dưới mặt đất. Tôi dìu Lợi đến một hườm đá dưới bụi cây, vừa có chỗ ẩn nấp, vừa được che khuất.
Tôi xem vết thương cho Lợi, rồi thay băng quấn lại:
- Em có đau không?
- Cũng thấy đỡ rồi. Có lẽ giờ mất cảm giác, nên không đau.
Tôi xoa bóp chân cho Lợi, rồi cầm khăn mặt, nhặt ống bơ ra suối lấy nước rửa mặt, lau chân tay cho Lợi. Xong, tôi tranh thủ tắm rồi nằm bên Lợi vấn thuốc hút. Lợi hỏi:
Lỡ sau này chân em cà nhắc, thì anh còn thương em không?
Tôi bảo:
- Thương suốt đời kia. Chịu không?
Lợi ngả vào lòng tôi mỉm cười. Chỉ một chút thôi em đã đi vào giấc mộng. Hàng mi khép kín, cái mũi phập phồng, đôi môi mọng chìm vào giấc ngủ.
Người lính chiến chỉ trong giấc mơ mới quên đi tất cả những ưu phiền, rồi tôi làm động tác xoa vết thương cho Lợi để giảm đau. Ước gì bây giờ có kháng sinh mà tiêm cho Lợi nhỉ?
Trong lúc tôi canh cho Lợi ngủ, bỗng có tiếng sột soạt, nhìn ra thấy có một con tê tê bò lại gần. Tôi co chân đạp một cái, con tê tê tung ra ngoài, nó cuộn tròn lại như quả bóng. Tôi buông Lợi ra, bắt tê tê trói lại, nghĩ bụng gặp của này xui xẻo lắm đây, kiểu này không khéo chết không có đất chôn; song lại, nghĩ,sinh tử là chuyện thường của nhà binh, đến đâu hay đến đó.
Một chiếc tàu gáo OH6 vè vè lần theo trục đường tìm dấu vết. Chỗ nào khả nghi, nó lại ném xuống một quả lựu đạn, khiến đất đá cành cây, bụi bặm tung lên. Tôi kéo Lợi vào sát phía trong hườm đá. Chiếc tàu gáo rà sát bụi cây, cánh quạt làm cây cối rạt cả ra. Một quả lựu đạn nổ bên kia hườm đá; nó vòng lại quan sát. Tôi đưa súng Ak đón đầu định bắn; song lại nghĩ, bắn thì dễ, còn thương binh chạy làm sao cho thoát. 2 chiếc HU1 lùng sục xung quanh, chúng vòng lại mấy lần không phát hiện thấy gì rồi bỏ đi.
11 giờ trưa ngày 09/3/1971, mới thấy Ba Răng Vổ quay lại. Chúng tôi bàn nhau và quyết định đi tìm chỗ khác để ẩn náu vì tình hình này không biết khi nào địch mới rút.
Ba đi trước luồn lách, leo lên, tụt xuống, ngược con suối đi mãi đến một vách đá. Tôi cùng Lợi theo sau, ở đây toàn hang đá chồng. Chúng tôi chui vào một cái hang, ở dưới nước chảy rì rào, đi sâu vào 10m có hòn đá to phẳng phiu; tôi đặt Lợi ngồi xuống, mệt quá chúng tôi lăn ra ngủ. Hai Lợi ngồi cảnh giới, cảm giác có gì không ổn, hình như hang này đã có người. Lợi lên đạn súng các bin, quan sát 2 bên.
Từ ngách hang bên trong, một phụ nữ tay cầm súng tiểu liên AR15 men vách đá bò ra hỏi:
- Cô cậu ở mô vô đây?
Lợi thấy người đó vận đồ bà ba, khăn rằn khoác cổ, đoán biết là người đàng mình liền an tâm ngay.
- Tụi em là du kích bên vùng B qua đánh cầu Chìm và công đồn bảo an. Đột vô không xong, bị dồn vô đây tạm lánh ít bữa, địch rút sẽ quá giang.
Người phụ nữ à lên:
- Thì ra tiếng nổ lúc hồi hôm là quả bộc phá phá cầu. Thế có ăn nhằm chi không?
- Cầu chìm đã sập, cùng với 1 Trung đội lính ngụy; lúc chúng đang đi trên cầu tụi em liền điểm hỏa.
Bấy giờ tôi đã thức dậy, thấy hai người nói chuyện, liền hỏi:
- Chị kêu tên gì? làm chi ở đây vậy?
- Tui tên Hạnh. Chúng tui là du kích xã Lâm Đông. Nơi đây là căn cứ mật của kháng chiến có từ hồi ông Diệm kia. Cả xã tôi nay còn có 3 cán bộ: một Bí thư, một Xã đội là tôi còn một chị nữa là Bí thư đoàn và Phụ nữ dân vận. Năm 1967- 1968 có đến 30 cán bộ. Rồi sau, hi sinh hết, đến nay còn có nớ. Có những thời điểm tưởng là tan vỡ vì ai cũng ngán, sợ đi theo Cách mạng. Hai người kia đi dô ấp từ hồi hôm chưa dề. Cô cậu yên tâm đi.
- Cảm ơn chị, đã làm phiền các anh chị ở đây.
- Ơn huệ chi, cùng làm Cách mạng cả mà. Ai cũng vì nhiệm vụ cả thôi. Thêm người càng dui chứ răng.
Tôi lấy khăn mặt chui xuống gầm hang, có hục nước từ trong chảy ra. Tôi tắm xong rồi dắt Lợi xuống, để cô tự cởi đồ, múc nước dội từ đầu cho tỉnh táo, trừ chỗ vết thương.
Không có gì ăn, Ba ra cửa hang vơ củi làm thịt tê tê. Chị du kích cho mượn chiếc xoong bảo chúng tôi đi nghỉ để chị làm giúp. Còn vài củ sắn, chị đem luộc cho chúng tôi ăn.
Ba Răng Vổ sách súng bò ra cửa hang ngồi gác. Lúc này đã 19 giờ, trong hang tối om; mùi phân dơi, mùi ẩm mốc của rêu đá, tiếng nước chảy róc rách dưới gầm hang gợi lên nỗi buồn vô hạn.
Tôi nằm trên phiến đá vấn thuốc hút. Chị du kích hỏi:
- Chú bộ đội ngoài Bắc thì ở mô?
- Ở tỉnh Hải Dương chị Hạnh à.
- Có xa không?
- Xa. Từ đây đi ra phải lên miền Tây, qua nước Lào rồi Quảng Bình, đi dọc bờ biển miền trung đến Hà Nội rồi về Hải Dương 80 km, giáp Hải Phòng.
- Chú nói thì biết vậy, chứ có mô tê đâu. Thế chú đi bộ đội lúc mô?
- Tôi đi bộ đội năm 1968, vào đây ăn Tết 1969.
- Nhà chú có nhiều người không?
- Có 6 người, mới mình tôi đi bộ đội.
- Chú có dợ chưa?
- Lính thì ai thương mà lấy vợ?
- Nói xạo, chú dễ thương kinh nớ. Thế từ hồi nớ có tin gì về quê không?
- Lâu không liên lạc, không rõ thế nào.
- Thế còn gia đình chị có nhiều không?
- Loạn lạc, hi sinh chết vãn rồi, chiến tranh tàn ác quá đi.
Chuyện tới đó, tôi ngủ lúc nào chẳng hay. Đêm khuya, Ba Răng Vổ gọi tôi dậy thay gác. Tôi sờ mò ra cửa hang tìm chỗ lợi thế để quan sát. Một chiếc C130 bay trên bầu trời, cứ mỗi vòng lượn lại quăng ra một quả pháo sáng, dù rơi cả vào cửa hang.
Tôi bò ra quấn lấy 3 cái dù pháo sáng, đem vào trải cho mọi người nằm. Những loạt đạn 20ly từ máy bay bắn xuống nổ như ngô rang. Nhìn sang vùng B, máy bay A37 thả bom xuống khu Lộc Vĩnh. Tiếng súng máy bộ binh lục cục suốt đêm, kèm theo những quả cối nổ chát chúa; thật ngán cảnh chiến trường, cả đêm ngồi đập muỗi, đói khổ, thiếu ngủ…
Sáng rõ, tôi vào gọi Ba ra thay gác. Chị du kích hòa nước muối rửa vết thương cho Lợi và tiêm cho một mũi kháng sinh. Rồi chị lấy thùng đại liên ra bảo còn mấy bò gạo ăn dè.
(Còn nữa)
Đ.V.H
Trái tim người lính