'Nhật ký trong tù' và bản dịch được một tù nhân dịch trong tù
Đó là bản dịch tiếng Basque với tựa đề 'Gartzelako Egunkaria' (Nhật ký trong tù) do một tù nhân đang bị giam giữ trong một nhà tù ở Tây Ban Nha dịch, được Nhà xuất bản Susa, một nhà xuất bản chuyên về sách văn học nghệ thuật của xứ Basque, xuất bản năm 1985.
Một bản in của bản dịch này đã có trong bộ sưu tập các bản dịch "Nhật ký trong tù" bằng tiếng nước ngoài của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Song thật đáng tiếc là bản dịch được coi là "Bản tiếng dân tộc miền nam Liên Xô (cũ)" và tên nhà xuất bản "Susa" cũng bị xác định sai là "Lege Gordailua".
Tiếng Basque và bản dịch "Gartzelako Egunkaria"
Tiếng Basque ("Euskara" hay "Euskera" trong tiếng Basque), là một trong những ngôn ngữ lâu đời nhất còn lại ở miền Tây Nam châu Âu trước khi vùng này bị La Mã hóa vào thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên.
Là ngôn ngữ từng được sử dụng trên một lãnh thổ rộng lớn, song tiếng Basque bị thu hẹp dần do các cuộc chinh phục (của người Celt, người La Mã…) và từ thế kỷ 19, bị mất đi một nửa vùng ảnh hưởng. Ngày nay tiếng Basque chủ yếu được sử dụng trong một vùng rộng khoảng 10.000 km2 ở Tây Ban Nha và Pháp, với khoảng một triệu người nói. Ngoài ra còn có một số người sống rải rác ở những nơi khác ở châu Âu và châu Mỹ.
Ở Tây Ban Nha, xứ Basque bao gồm tỉnh Guipúzcoa, một phần Vizcaya (Biscay) và Navarra (Navarre), và một góc Álava. Xứ Basque thuộc Pháp có trung tâm là khu vực phía Tây của tỉnh Pyréneés-Atlantiques.
Bản dịch "Gartzelako Egunkaria" gồm 112 trang, in khổ 20x13cm, với 101 bài thơ được dịch sang tiếng Basque. Đặc biệt, ở bìa 1, giữa tên tác giả (Hồ Chí Minh) và tên dịch giả (Inaki Aramaio) là bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Cu Ba René Mederos với tựa đề "Viet Nam Shall Win" vẽ năm 1971, sau chuyến thăm Việt Nam trở về của ông.
"Gartzelako Egunkaria" mở đầu với "Hitzaurrea" (Lời nói đầu) và kết thúc với bài thơ "Libre, mendien bestaldera noa" (Ra tù tập leo núi). Trong Lời nói đầu ngắn gọn với 2 trang, người dịch giới thiệu vắn tắt về sự ra đời của Việt Minh, về lý do tác giả Hồ Chí Minh bị bắt, về sự ra đời và nội dung của tác phẩm "Nhật ký trong tù". Song ông không nói rõ bản dịch được thực hiện từ nguồn nào.
Tới tháng 6/1989, trong một bài trả lời phỏng vấn sau khi được ra khỏi nhà tù, dịch giả mới tiết lộ "Gartzelako Egunkaria" được dịch từ bản nguồn tiếng Tây Ban Nha. Tuy nhiên, ông cũng không nói rõ đó là bản dịch nào, vì "Nhật Ký trong tù" bằng tiếng Tây Ban Nha có tới ba bản dịch của ba dịch giả khác nhau. Chúng tôi đồ rằng có thể đó là bản dịch "Diario de prisíon 101 poemas" do Ángel Yanguas dịch, Tusquets xuất bản ở Barcelona: năm 1974, vì cả hai đều có 101 bài thơ.
Một điều hết sức thú vị là ở những dòng cuối cùng của "Lời nói đầu" ngắn gọn đó, người dịch đã tiết lộ "Bản dịch này được thực hiện trong tù, nhưng không phải nhà tù của Trung Hoa mà là nhà tù của Tây Ban Nha có tên Herrera de la Mancha".
Lời tiết lộ dí dỏm đó đã khích lệ người viết bài này tiến hành một cuộc tìm kiếm đầy ly kỳ và thú vị. Tôi không nhớ mình đã viết bao nhiêu email, vào bao nhiêu website để tìm kiếm thông tin về người dịch tác phẩm này, kể cả viết tới nhà tù Herrera de la Mancha, sau khi tìm thấy tên ông trong danh sách tù nhân ở đây. Có lẽ chỉ một phần ba trong số email gửi đi nhận được hồi âm và chỉ một phần rất nhỏ trong số thư hồi âm này cung cấp một vài thông tin hữu ích, giúp tôi tìm ra được "tung tích" của dịch giả bản dịch độc đáo này.
Tù nhân - dịch giả của "Nhật ký trong tù" tiếng Basque là ai?
Trên bìa có ghi bằng tiếng Basque "Người dịch: Inaki Aramaio". Nhưng tên đầy đủ của ông viết theo chữ Basque là Inaki Aramaio Egurrola hay Jósa Ignacio Aramayo Egurrola (thường gọi là Joseba), còn viết theo chữ Tây Ban Nha là: José Ignacio Aramayo Egurrola.
Inaki Aramaio sinh năm 1955 ở Ondarroa, Biscay, thuộc xứ Basque, phía bắc Tây Ban Nha. Sinh ra và lớn lên dưới chế độ độc tài Francisco Franco, Inaki Aramaio đã sớm tham gia phong trào đòi độc lập cho xứ Basque của cộng đồng người Basque ở Tây Ban Nha và trở thành một thành viên chủ chốt của tổ chức ETA (viết tắt của "Euskadi Ta Askatasuna", ra đời năm 1959). Đây là tổ chức chính trị - quân sự theo chủ nghĩa Mác - Lênin và có tư tưởng chủ nghĩa dân tộc ly khai, đòi độc lập cho xứ Basque, chống lại "sự áp bức người Basque" của chế độ Franco và thành lập một nhà nước xã hội chủ nghĩa độc lập.
Sau khi chế độ Franco sụp đổ (1975), xứ Basque được Tây Ban Nha trao quyền tự trị, với nghị viện, cảnh sát, chính sách thuế và giáo dục riêng. Tuy nhiên, những điều này chưa đáp ứng đủ các yêu cầu của ETA và họ tiếp tục tiến hành các hoạt động, kể cả có vũ trang chống lại chính quyền Tây Ban Nha và cả những người Xứ Basque ủng hộ một quốc gia Tây Ban Nha thống nhất. Kể từ khi thành lập cho đến khi tuyên bố ngừng bắn (2009) ETA đã giết khoảng 800 người. Vì thế, ETA bị nhiều nước coi là một tổ chức khủng bố. Đến năm 2018, ETA mới tuyên bố tự giải thể và chấm dứt hoạt động.
Tháng 4 năm 1974, khi mới 20 tuổi, Inaki Aramaio bị bắt lần đầu tiên vì hoạt động vũ trang và bị kết án tù. Tháng 9/1976, Inaki Aramaio đã tổ chức cuộc trốn chạy khỏi nhà tù Basauri cùng với bốn tù nhân khác nhưng bất thành.
Sau cuộc trốn chạy bất thành đó Inaki Aramaio bị đưa đến nhà tù Puerto de Santa Maria và được trả tự do ở đó vào tháng 4/1977 theo Luật Ân xá của Tòa án Madrid. Nhưng 2 năm sau, vào tháng 3/1979, ông lại bị bắt và phải vào nhà tù Soria cho đến khi được thả vào tháng 10 cùng năm. Một năm sau, tháng 4/1980, Inaki Aramaio bị bắt lần thứ ba và bị giam ở các nhà tù Soria và Herrera de la Mancha đến khi được trả tự do vào tháng 4/1988.
Tổng cộng cả ba lần Inaki Aramaio phải ở trong tù 11 năm 7 tháng và đã lần lượt trải qua 8 nhà tù khác nhau. Trong thời gian bị bắt lần thứ ba và bị giam tại nhà tù Herrera de la Mancha, Inaki Aramaio đã dịch "Nhật ký trong tù" sang tiếng Basque.
Theo Inaki Aramaio kể lại trong bài phỏng vấn được nhắc đến ở trên, cả số lần bị bắt lẫn thời gian ở trong tù của ông đều nhiều hơn tác giả "Nhật ký trong tù", song ông không bị cảnh đói, rét, bệnh tật hành hạ. Ở trong nhà tù ở Tây Ban Nha, các tù nhân như ông dù chịu các hình phạt, song cũng có thư viện chung lẫn thư viện riêng, được đọc sách, học và làm các công việc họ yêu thích. Một số tù nhân như Joseba Pikabea, một nhà văn nổi tiếng của xứ Basque và cũng là lãnh đạo của ETA, đã sáng tác nhiều tác phẩm trong tù. Những người khác, như Inaki Aramaio cũng học và dịch.
Về việc dịch "Gartzelako Egunkaria", Aramaio cho biết "một hôm Pikabea trao cho tôi cuốn "Diario de prisíon 101 poemas", và bảo "đọc rồi chuyển cho người tiếp theo". Sang ngày thứ hai tôi mới bắt đầu đọc như đọc một bức thư rồi tôi bắt đầu dịch mỗi hôm một ít"… "Một sự trùng hợp hoàn toàn. Cuối cùng tôi không thể chuyển cuốn sách đó cho người tiếp theo".
Theo Aramaio, nội dung của "Nhật ký trong tù" sáng rõ, dễ hiểu. Cuối bài phỏng vấn, Aramaio "tiết lộ": "Tôi được giảm 45 ngày cho việc dịch "Nhật ký trong tù" và 45 ngày cho việc học và thi được bằng EAG, trình độ B (Chứng chỉ năng lực tiếng Basque, để được làm giảng viên tiếng Basque ở xứ Basque tự trị - PV). Họ cho tôi 45 ngày với khóa học Thạc sĩ. Tổng cộng là 4 tháng".
Điều đáng nói là với việc dịch "Nhật Ký trong tù" sang tiếng Basque, Aramaio không chỉ được giảm 45 ngày tù mà ông đã ghi được tên mình vào đội ngũ các dịch giả của xứ Basque và đưa "Nhật ký trong tù" của Hồ Chí Minh trở thành tác phẩm văn học Việt Nam đầu tiên và duy nhất trong danh mục các tác phẩm văn học nước ngoài được dịch sang tiếng Basque cho đến nay.
Sau khi được ân xá, với bằng EAG có được khi ở trong tù, Inaki Aramaio đã trở thành một giảng viên tiếng Basque của AEK, một tổ chức giáo dục nhằm hồi sinh, phát triển tiếng Basque ở vùng Orereta. Với mong muốn kết nối với Inaki Aramaio để biết thêm về việc dịch "Gartzelako Egunkaria" từ chính ông, tôi đã kiên nhẫn tìm kiếm và liên lạc với nhiều nơi. Song đáng tiếc là vẫn chưa có kết quả. Hy vọng sau khi bài viết này được công bố, tôi sẽ kết nối được với Inaki Aramayo và mong rằng một ngày nào đó sẽ có cơ hội được đến thăm nơi ông đã dịch "Nhật ký trong tù" sang tiếng Basque.
Xin cảm ơn Benat Eizaguirre Indo từ Biblioteca de Koldo Mitxelena Kulturunea (Thư viện Trung tâm Văn hóa Koldo Mitxelena) và Maia Ossa Rissanen, dịch giả người Basque từ Kaanto Piiri của FiLi (Trung tâm trao đổi văn học Phần Lan) đã tìm và dịch giúp người viết một số tư liệu về Inaki Aramaio bằng tiếng Basque sang tiếng Anh cho người viết.