Nhặt lại sự sống ngoài biển xa
Người đàn bà đứng ở cảng cạnh tôi, cùng đợi con tàu đến, sẽ đưa chúng tôi đi ra giữa vịnh biển cách bờ hơn một tiếng tàu chạy.
Người lái thuyền là cậu con trai đời thứ hai trong một gia đình nổi tiếng chuyên dắt khách đi bơi cùng cá mập voi. Từ tháng 9 đến tháng 12 ở Baja California (Mexico), Bahía de los Ángeles nằm ở eo hẹp biển Cortez, cá mập voi về vịnh nước lặng này sinh con, nuôi dưỡng cá con đến khi lớn khỏe và bắt đầu chu du thế giới.
Gia đình cậu cung cấp thuyền cho những nhà bảo tồn hơn 30 năm trước về đây, tìm cách cứu sống hệ sinh thái biển bị tàn phá vì nạn đánh cá bằng mìn. Hơn 30 năm đó, từ một vùng biển bị hoang hóa và kiệt quệ, vịnh biển này đã quay lại là một trong những vùng có số lượng sinh vật biển đa dạng nhất thế giới. Nơi cá nhà táng, cá mập voi trở về sinh sản. Nơi những đàn cá mòi trắng khổng lồ dày như mây đen dưới nước. Nơi những đàn cá đuối biển khổng lồ “bay” đầy mặt biển mùa sinh sản đến.
Người đàn bà bước lên tàu cùng chúng tôi. Bà nói con trai bà vừa mất hai năm trước, chuyến đi này diễn ra vì bà thực sự “không còn phương hướng” nào nữa trong đời. Người bạn của bà bảo bà hãy đi thử đến Baja. “Đi thử” là thách thức khi chọn sa mạc ở đây vào mùa nắng khắc nghiệt nhất năm. Da mặt bà đã rám đỏ, dường như cháy đau trong khu vực vịnh biển nhiệt độ đến hơn 40 độ C và không một cơn gió.
Người lái thuyền trẻ khoe: “Chúng ta sắp đến nơi hải cẩu nằm nghỉ. Khi tôi còn nhỏ, cha thường thả tôi ra đây cho tụi tôi bơi cùng hải cẩu con”. Anh tắt máy, để thuyền lài lài trôi dần vào giữa rặng đá, nơi có sáu bảy con hải cẩu con nằm phơi nắng cạnh những con lớn hơn. Anh đưa cho bà mắt kính lặn, và khuyến khích: “Mọi người xuống bơi đi, tôi sẽ canh cho. Yên tâm. Ở đây có đủ thiết bị” - anh chỉ vào áo phao và thiết bị cứu hộ.
Tôi nhảy xuống nước. Người đàn bà vất vả bước xuống lan can, chần chừ rất lâu rồi từ chối không xuống. Bà sợ. Bà quay lại vào khoang thuyền và dán mắt xuống nước. Ngoài xa, bọn hải cẩu con nhao nhao kêu và nhảy xuống nước. Chúng tôi bơi bên cạnh. Một hải cẩu bé bơi từ dưới lên, vòng vào giữa ba người trong nhóm chúng tôi, rồi vụt ra. Chúng muốn chơi đùa, muốn thấy những người lạ bơi bên cạnh.
Bỗng nhiên, có “đám mây” cá màu trắng bạc và xám ập tới, tràn vào kính bơi của chúng tôi. Tất cả đoàn người bị vây quanh bởi hàng triệu thân cá bé xíu lấp lánh. Đàn hải cẩu phấn khích nhào ra, vây quanh, tạo thành thế trận, hải cẩu con cắn và ngoạm những thân cá nhỏ xíu đầy miệng. Giữa nắng trưa, ánh sáng cá loang loáng diệu kỳ, rực rỡ lên giữa màu nước biển xanh buốt thủy tinh. Người đàn bà từ trên bờ nhìn xuống đám người ngụp lặn và đám hải cẩu vụt qua như tên bắn.
Cậu lái thuyền kể: “Có cá mòi là có sự hồi sinh. Rất nhiều năm sau khi trạm bảo tồn được thành lập, cha tôi kể có người chạy về làng hô hoán lên khi cá mòi về lại. Vậy là nhiều mùa đói của chúng tôi đã có kết quả”. Cậu đang nhắc đến giai đoạn đầu của công cuộc bảo tồn, tàu cá treo không đánh bắt, dân làng sống bằng trợ cấp nhà nước, số tiền ít ỏi, đói khổ. Người làng vượt qua bằng lời hứa nếu bảo tồn thành công, họ sẽ được đánh bắt trở lại và khai thác du lịch. Biển không phụ người. Cá mòi là nguồn dinh dưỡng quan trọng để những loài cá lớn hơn có thể quay trở về. Làng của cậu giờ là một trong những vùng sung túc nhất giữa sa mạc, vì du khách khắp thế giới đổ về chiêm ngắm đại dương.
Cá mập voi vừa là vị thần của ngôi làng giữa sa mạc và biển, vừa là “linh vật” khiến nơi này trở nên nổi tiếng có thể đón du khách. Ngoài cảng có một đền thờ nhỏ dành cho bộ xương cá trôi dạt. Trong tiệm tạp hóa lưu niệm, người làng bán các món thú nhồi bông nhỏ hình cá mập voi hoặc tượng điêu khắc chú cá màu xám đốm đặc trưng có mồm rộng ngoác cười.
Để có thể cho du khách đi bơi cùng cá mập voi, trạm bảo tồn và người dân cùng tạo ra quy định không bao giờ có hơn 6 người được phép lại gần cá. Tàu khi vào vịnh phải tắt máy. Mỗi tàu chỉ được ở lại 30 phút và phải chèo ngược ra và rời đi sau thời gian quy định. Người lái thuyền một lần nữa khuyến khích bà khách bước xuống nước, không cần làm gì cả, hãy bơi một chút cho mát.
“Chúng tôi không muốn cá con sợ. Khi tiếp xúc liên tục quá nhiều người, cả cá mẹ và cá con sẽ bị căng thẳng.Tàu không được chạy để không gây nguy hiểm cho cá. Người đến bơi không được phép sờ vào cá” - anh dặn dò mỗi du khách và dùng ống nhòm chăm chú chờ đợi dấu hiệu trên mặt nước sậm màu.
Bỗng nhiên vùng nước trước mặt đậm hơn. Anh lại gần và ra hiệu mọi người nhảy xuống. Tôi thấy anh đỡ bà khách, gợi ý bà đi xuống. Bà chần chừ rồi bước xuống nước, để gương mặt ụp xuống khi đeo kính lặn. Lúc đó tôi ở ngay cạnh bà.
Một thân thể cá khổng lồ thình lình từ đâu bơi lại gần, rất lặng lẽ, không tạo ra xao động gì. Phần thân màu xám với đốm trắng như tấm vải hoa thật hài hước. Chú cá quay mặt lại. Là cái miệng rộng ngoác hai bên, không có cái răng nào. Chú cá bơi lại rất gần, rồi quay lưng, rồi vẫy đuôi đi. Một cuộc chạm mặt kéo dài chừng 15-20 giây ngắn ngủi. Tôi và người đàn bà lờ lững thả mình nhìn theo phần đuôi tam giác sắc nét quẫy nhẹ rồi biến mất sau làn nước tối, như một hiển hiện diệu kỳ.
Đôi mắt cá có nhìn thấy tôi và bà? Bà có nhìn thấy bộ hàm trơn láng mở rộng như một nụ cười kỳ lạ? Rồi anh lái thuyền ra hiệu bảo hai chúng tôi lên bờ vì cá đi rồi. Anh kéo bà lên trước. Bà gỡ chiếc kính lặn ra, vuốt mái tóc ngắn đã bạc nhiều. Bỗng nhiên bà bật cười thành tiếng, rồi nước mắt bà rơi xuống, rồi bà cười to hơn, rồi bà nắm chặt tay tôi và người lái thuyền: “Nó thấy tôi. Nó nhìn thấy tôi. Tôi thấy nó”. Bà run rẩy bật khóc, miệng bà cười, làn da ở gò má nhăn nheo thành nét vui khó tả. Đã không còn nét cam chịu đau đớn của người mẹ mất con trai và chìm trong đau đớn vài giờ trước đó. Đã không còn sự im lặng mù mịt và đôi mắt mất phương hướng khi bước lên tàu. Đã không còn sự trơ trơ của nỗi buồn sâu thẳm không gì can dự được.
Chú cá khổng lồ đã cho bà và tôi vài chục giây gặp gỡ, như những người bộ hành trên sa mạc đặc quánh lặng im. Dưới sa mạc của nước sâu, của ánh nắng tắt dần dưới độ sâu, của âm thanh không thể xuyên qua chất lỏng, cá mập voi đã đưa miệng, ngoái nhìn, lướt qua, và vẫy đuôi. Giao tiếp vô thanh ngắn ngủi đánh thức sự xúc động kỳ lạ nào đó sâu thẳm trong tôi, như một đứa trẻ đi lạc nghe tiếng thì thầm ai đó gợi ý về con đường trước mặt. Giao tiếp vô thanh đó đã nói gì vào tai bà? Đôi mắt cá khổng lồ đó có thấy hai chúng tôi, những sinh vật bé nhỏ đang bấu víu vào thiên nhiên, bấu víu vào cuộc gặp gỡ sắp đặt này?
Trên những con sóng nhỏ như môi cá mòi, người đàn bà quấn khăn tắm hơi run run, môi lắp bắp: “Con trai tôi đã đưa tôi đến đây. Con trai muốn tôi sống”. Người lái thuyền đỡ bà xuống cảng. Bà ôm chầm lấy cậu và khóc: “Tôi muốn sống. Tôi muốn sống” - Những người khách khác đi qua nhìn bà và lại gần. Người lạ ôm lấy người lạ. Họ và tôi không thể hiểu một người mẹ mất con cô đơn ra sao. Phải chăng cá mập voi hiểu vết nứt đó trong tim bà?
Trong ánh sáng cuối ngày ở vịnh biển hoang mạc, thiên nhiên, cá mập voi mẹ, những chú cá mập voi con hào phóng bơi dưới kia, gặp gỡ những con người vụn vỡ, nhặt lại cho họ từng mảnh tâm hồn, đưa cái miệng to và đôi mắt tròn nhìn họ. Trong vô ngôn, chúng thầm thì về sự sống mà tôi, người đàn bà, những du khách lạ lẫm vẫn đang mù quáng kiếm tìm.
Sự sống trong ngực này, dưới làn nước, trong không khí, giữa hoang mạc, khi chúng tôi tháo bỏ vũ trang của thế giới vật chất bên ngoài xuống và thả mình xuống biển. Đơn độc và nguyên sơ.
Bài và ảnh: Khải Đơn
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nhat-lai-su-song-ngoai-bien-xa-46905.html