Nhiễm trùng chân sau vấp ngã

Thông tin từ BVĐK Nông nghiệp cho biết, gần đây tiếp nhận nhiều trường hợp người dân gặp phải chấn thương nhỏ sau tai nạn nhưng do chủ quan không điều trị để bệnh nặng lên, mới đến bệnh viện dẫn đến tốn kém cho người bệnh và thời gian nằm viện phải kéo dài.

Khoa Ngoại chấn thương BVĐK Nông nghiệp vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân N.V.H, 75 tuổi (ở Văn Điển, Thường Tín, Hà Nội). Bệnh nhân bị vấp ngón út, gây chảy máu nhiều nhưng tự điều trị tại nhà không đi khám.

Sau đó, chảy dịch vàng nhiều gia đình mới đưa vào viện khám. Bệnh nhân được rửa sạch các tổ chức nhiễm trùng và phẫu thuật cố định khớp.

Tiếp tục trường hợp bệnh nhân P.T.T.N, 38 tuổi (ở Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội) bị tai nạn giao thông xe máy. Sau tai nạn, bệnh nhân hạn chế vận động bàn chân phải, biến dạng ngón II chân phải.

Bệnh nhân không đi khám ngay cũng không điều trị gì, ngày càng đau tăng lên kèm biến dạng rõ ngón II. Bệnh nhân vào Khoa Ngoại chấn thương BVĐK Nông nghiệp ngày 18/3/2021.

Hình ảnh vết thương nhỏ sau khi được bác sĩ rửa vết thương.

Hình ảnh vết thương nhỏ sau khi được bác sĩ rửa vết thương.

Bệnh nhân sau thăm khám được chẩn đoán là trật khớp đốt 1-2 ngón III bàn chân phải, phải xử lý phẫu thuật cố định khớp ngón chân ngày thứ 10 do tai nạn sinh hoạt.

Các thầy thuốc cho biết, nếu bệnh nhân đến sớm chỉ cần nắn chỉnh cố định bằng bột và được về nhà ngay. Do chủ quan đến muộn nên việc xử trí và điều trị sẽ phức tạp hơn do có nhiều tổ chức xơ bám vào khớp. Bệnh nhân phải tiến hành làm sạch các tổ chức xơ và kết hợp xương cố định kinser.

Do đó BS CKII. Đỗ Đức Kiểm - Khoa Ngoại chấn thương, BVĐK Nông nghiệp khuyến cáo, sau một tai nạn té ngã, chấn thương thì mọi người nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt để thăm khám, kiểm tra kỹ để kịp thời phát hiện những tổn thương bất thường và có phương pháp điều trị tối ưu.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, yếu tố quan trọng nhất là cấp cứu cho người bị thương càng sớm càng tốt. Hầu hết tử vong xảy ra trong những giờ đầu tiên sau tai nạn do hệ thống hô hấp bị ảnh hưởng, đường thở bị tắc hoặc do bị mất nhiều máu, tất cả những vấn đề này đều có thể xử trí được nhờ sơ, cấp cứu. Nếu được sơ, cấp cứu kịp thời, nạn nhân tai nạn giao thông có thể giảm đáng kể tỷ lệ tử vong cũng như những biến chứng, chấn thương.

P.Huyền

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhiem-trung-chan-sau-vap-nga-n188675.html