Nhiệm vụ đặc biệt của bác sĩ Việt tại Nam Sudan

Ngay ngày đầu năm 2022, nhận được yêu cầu hỗ trợ từ bệnh viện MSF (Bentiu, Nam Sudan), kíp phẫu thuật của Bệnh viện dã chiến 2.3 Việt Nam đã lập tức lên đường, cứu sống thành công mẹ con sản phụ.

Thời gian gần đây, trên khắp thế giới, biến chủng Omicron của virus SARS-CoV-2 ngày càng lan rộng khiến dịch Covid-19 trở lại khu vực Bentiu, nhiều nhân viên y tế bị nhiễm bệnh phải cách ly và điều trị, trong đó có kíp phẫu thuật của bệnh viện MSF.

Đầu năm 2022, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 Việt Nam (BVDC 2.3) thuộc Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS) nhận được nhiệm vụ đặc biệt từ Trưởng bộ phận hỗ trợ phái bộ, Trưởng y tế phái bộ UNMISS và Trưởng căn cứ Bentiu, đề nghị sẵn sàng hỗ trợ phẫu thuật cấp cứu cho bệnh viện MSF.

Các bác sĩ Việt Nam trong ca phẫu thuật lấy thai cho sản phụ. (Nguồn: BVDC 2.3)

Các bác sĩ Việt Nam trong ca phẫu thuật lấy thai cho sản phụ. (Nguồn: BVDC 2.3)

Ngay trưa ngày 3/1, kíp phẫu thuật đầu tiên từ BVDC 2.3 khẩn cấp sang Bệnh viện MSF hội chẩn sau khi đơn vị bạn yêu cầu giúp đỡ.

Kíp gồm Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Ngoại; Thượng úy, bác sĩ sản khoa Tống Vân Anh, phẫu thuật viên chính; Đại úy, bác sĩ Nguyễn Văn Tú; Đại úy, bác sĩ Ngô Quốc Hoàn cùng với ekip gây mê và phụ dụng cụ.

Ngay sau khi thăm khám bệnh nhân, bác sĩ Tống Vân Anh xác định đây là 1 ca khó, có chỉ định mổ bắt con cấp cứu do suy thai có thể gây mất tim thai.

Bệnh nhân là sản phụ 22 tuổi người Nam Sudan, mang thai lần 2, thai đã được 35 tuần. Tuy nhiên, sản phụ bị gù vẹo cột sống nặng nề do di chứng lao cột sống và đang có dấu hiệu vỡ ối, chuyển dạ kéo dài, đầu bé không lọt gây suy thai.

Bé trai Nam Sudan nặng 4kg khi chào đời, sau 15 phút được các bác sĩ hồi sức sơ sinh đã cất tiếng khóc đầu tiên. (Nguồn: BVDC 2.3)

Bé trai Nam Sudan nặng 4kg khi chào đời, sau 15 phút được các bác sĩ hồi sức sơ sinh đã cất tiếng khóc đầu tiên. (Nguồn: BVDC 2.3)

Do bệnh nhân bị gù vẹo cột sống nặng nề do di chứng lao cột sống gây khó khăn trong khi mổ cũng như không thể dùng phương pháp gây tê tủy sống mà phải gây mê nội khí quản với hệ thống máy thở thô sơ, kíp gây mê phải liên tục bóp bóng bằng tay trong suốt quá trình phẫu thuật gần 2 giờ.

Bé trai 4 kg được mổ bắt thành công nhưng bé không khóc, trương lực cơ yếu, phải bóp bóng trợ thở. Tiến hành hồi sức sơ sinh tích cực khoảng 15 phút thì bé khóc được, trương lực cơ tốt.

“Tiếng khóc đầu tiên của em bé làm vỡ òa niềm vui của mọi người trong phòng mổ”, bác sĩ Vân Anh chia sẻ. Đối với mẹ thì tử cung co hồi kém, sử dụng thuốc co hồi tử cung, sau xử trí tử cung co tốt.

Sau khi ca mổ thành công, nữ bác sĩ trẻ Vân Anh tâm sự: "Cảm xúc rất hồi hộp bởi đây là ca mổ sản đầu tiên mà tôi đứng ở vị trí phẫu thuật viên chính ở Nam Sudan trong điều kiện dã chiến. Tuy nhiên, hình ảnh bệnh nhân mới 22 tuổi, thấp bé, gù vẹo biến dạng cột sống rất đáng thương là động lực để tôi cùng kíp mổ hạ quyết tâm cứu lấy đứa bé".

Bác sĩ Việt Nam cùng đồng nghiệp tại Bệnh viện MSF. (Nguồn: BVDC 2.3)

Bác sĩ Việt Nam cùng đồng nghiệp tại Bệnh viện MSF. (Nguồn: BVDC 2.3)

Chị Vân Anh cũng nhấn mạnh, ca mổ thành công một phần nhờ sự phối hợp nhiệt tình của đồng nghiệp MSF trong điều kiện thuốc men, trang thiết bị, dụng cụ trong phòng mổ không đầy đủ.

Sau khi ca mổ thành công, Trưởng y tế phái bộ UNMISS đã gửi thư bày tỏ sự đánh giá cao, ghi nhận đóng góp và đề nghị BVDC 2.3 Việt Nam tiếp tục tham gia hỗ trợ Bệnh viện MSF trong những ca phẫu thuật tiếp theo.

Ông Pou James, nhân viên phòng mổ Bệnh viện MSF chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với kíp phẫu thuật BVDC 2.3. Các bạn rất chuyên nghiệp, chúng tôi nể phục các bạn với hành động sẵn sàng cứu mạng sống người dân địa phương”.

Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Ngoại, BVDC 2.3 thông tin, bệnh viện hiện đóng vai trò chính trong sàng lọc và điều trị các ca Covid-19 tại phân khu Bentiu. Do một số nhân viên nhiễm Covid-19 phải cách ly, điều trị, đơn vị đang thiếu một số vị trí chuyên khoa.

Tuy nhiên, các y bác sĩ quyết tâm vượt qua thử thách nhằm đáp lại sự tin tưởng của Phái bộ đối với bệnh viện Việt Nam, khẳng định cam kết hỗ trợ tích cực y tế trong khu vực, góp phần đem lại hình ảnh, giá trị tốt đẹp của người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Trước đó, ngày 23/3/2021, các cán bộ chiến sĩ BVDC 2.3 chính thức lên đường đến Cộng hòa Nam Sudan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đây là lần thứ 3 Việt Nam tổ chức BVDC tham gia gìn giữ hòa bình quốc tế.

BVDC 2.3 có 70 cán bộ chiến sĩ (63 người chính thức và 7 dự bị), trước khi lên đường đã trải qua thời gian huấn luyện tổng thể về tiếng Anh, chuyên môn quân y, chính trị, hậu cần kỹ thuật, kiến thức về gìn giữ hòa bình và kỹ năng sinh tồn cũng như được tiêm vaccine Covid-19.

Nam Sudan nằm ở Đông Phi, đã trải qua cuộc nội chiến kéo dài suốt từ năm 2013. Hiện nhiều khu vực ở đây vẫn bị tàn phá bởi các cuộc xung đột, người dân phải đối mặt với nội chiến, nạn đói và bệnh tật.

(theo BVDC 2.3)

Minh Nhật

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhiem-vu-dac-biet-cua-bac-si-viet-tai-nam-sudan-170031.html