Được chỉ định thầu đối với thuê dịch vụ CNTT, chuyển đổi số
Bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu đối với các gói thầu thuộc các nhiệm vụ, dự án, hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin, chuyển đổi số...
Sáng 19/2, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP TỪ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Theo nghị quyết, tổ chức khoa học công nghệ (KHCN) công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được thành lập hoặc tham gia thành lập, góp vốn vào doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do tổ chức đó sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng.
Viên chức quản lý làm việc tại tổ chức KHCN công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia góp vốn, quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức đó tạo ra khi được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày dự thảo nghị quyết. Ảnh: QH
Trường hợp viên chức quản lý là người đứng đầu tổ chức KHCN công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập thì phải được sự đồng ý của cấp trên quản lý trực tiếp.
Điều 4 của Nghị quyết quy định rõ về "Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ" gồm:
Thứ nhất: "Tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự khi gây ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước khi đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định liên quan trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ".
Thứ hai: "Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước trong quá trình triển khai đã thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý nhiệm vụ KHCN, quy trình và nội dung nghiên cứu đã được thuyết minh nhưng không đi đến kết quả như dự kiến thì không phải hoàn trả lại kinh phí đã sử dụng".
KHOÁN CHI TRONG NGHIÊN CỨU
Nhà nước ưu tiên cấp kinh phí ngân sách để triển khai các nhiệm vụ KHCN theo cơ chế quỹ thông qua các quỹ KHCN. Các quỹ phát triển KHCN của Nhà nước được thành lập theo quy định tại Luật Khoa học và Công nghệ.
Kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp hằng năm để triển khai các nhiệm vụ KHCN thông qua các quỹ phát triển KHCN. Cơ quan chủ quản của đơn vị được giao quản lý quỹ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của đơn vị quản lý quỹ, bảo đảm việc giải ngân và sử dụng ngân sách đã cấp đúng tiến độ và có hiệu quả.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết. Ảnh: QH
Nhiệm vụ KHCN được thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng khi tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KHCN có cam kết về sản phẩm với chỉ tiêu chất lượng chủ yếu cần đạt.
Tổ chức chủ trì có trách nhiệm tổ chức khai thác tài sản hình thành từ nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước, tiếp tục đầu tư để thương mại hóa bảo đảm hiệu quả.
Theo nghị quyết, các khoản thu nhập tiền lương, tiền công từ thực hiện nhiệm vụ KHCN có sử dụng ngân sách nhà nước không chịu thuế thu nhập cá nhân.
DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT CHIP ĐƯỢC HỖ TRỢ TỪ NGÂN SÁCH
Nghị quyết nêu rõ, ngân sách trung ương được sử dụng để đầu tư, mua sắm, thuê, duy trì, vận hành, bảo trì các nền tảng số, hệ thống thông tin quy mô quốc gia, quy mô vùng để các cơ quan, tổ chức của trung ương, địa phương sử dụng, khai thác chung nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí.
Bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu đối với các gói thầu có thời gian lựa chọn nhà thầu trong giai đoạn 2025-2026 thuộc các nhiệm vụ, dự án, hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin, chuyển đổi số để triển khai, xây dựng các nội dung như: Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu dùng chung của bộ, ngành, địa phương; các nền tảng số, hệ thống thông tin quy mô quốc gia, quy mô vùng; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh…
Ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G toàn quốc được quy định như: Doanh nghiệp viễn thông phải đạt tối thiểu 20.000 trạm phát sóng 5G được nghiệm thu đưa vào sử dụng từ ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12.
Tổng số tiền hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông không vượt quá tổng số tiền trúng đấu giá của các cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thực hiện trong năm 2024.
Mức hỗ trợ một trạm phát sóng 5G là 15% chi phí thiết bị bình quân cho một trạm được mua trong năm 2025 của các doanh nghiệp viễn thông được hỗ trợ.
Nghị quyết cũng nêu rõ việc thí điểm có kiểm soát dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp.
Cụ thể, thí điểm có kiểm soát đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, loại hình mạng viễn thông vệ tinh sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp tại Việt Nam trên nguyên tắc bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó không giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc tỷ lệ đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, nghị quyết quy định rõ việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng dự án nhà máy đầu tiên được lựa chọn để chế tạo chip quy mô nhỏ, công nghệ cao phục vụ nghiên cứu, đào tạo, thiết kế, chế tạo thử, kiểm chứng công nghệ và sản xuất chip bán dẫn chuyên dụng của Việt Nam.
Doanh nghiệp trên được hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư dự án trực tiếp từ ngân sách trung ương trong trường hợp nhà máy nghiệm thu đưa vào sản xuất trước ngày 31/12/2030. Tổng mức hỗ trợ không vượt quá 10.000 tỷ đồng.
Trong thời gian chuẩn bị và thực hiện dự án, hằng năm được trích lập cao hơn 10% nhưng tối đa không quá 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp cho quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp để bổ sung cho dự án. Tổng số tiền trích lập không vượt quá tổng mức đầu tư của dự án.
Kịp thời thể chế hóa Nghị quyết 57 vào thực tiễn
Theo tờ trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, việc xây dựng Nghị quyết về thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết 57 vào thực tiễn; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính; bảo đảm KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết gồm 17 điều, với mục đích thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; chính sách phải ưu đãi vượt trội để tháo gỡ, giúp những việc lớn chuyển động; tinh thần đổi mới sáng tạo sẽ giúp Việt Nam thực hiện KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành công với hạ tầng số phát triển tiên tiến, công nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển.