Nhiệm vụ mới của tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc khiến Lầu Năm Góc chú ý
Trung Quốc đã thông qua chính sách duy trì ít nhất một tàu ngầm hạt nhân hiện diện thường trực trên biển trong mọi thời điểm, báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết.
Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo Type-094 của Trung Quốc.
Lầu Năm Góc đã đưa ra nhận định như vậy trong báo cáo hồi tháng 11/2022. Thông tin này chỉ mới được hãng tin Reuters tiết lộ.
Trung Quốc hiện sở hữu hạm đội gồm 6 tàu ngầm hạt nhân có khả năng mang tên lửa đạn đạo liên lục địa, tầm bắn vươn tới Mỹ. Các nhà quan sát nhận định, chính sách mới của Bắc Kinh sẽ gây thêm khó dễ cho lực lượng Mỹ và đồng minh trong nỗ lực theo dõi hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc trong khu vực.
"Các tàu ngầm tấn công hạt nhân của Mỹ có nhiệm vụ cần theo sát tàu ngầm Trung Quốc. Vậy nên điều này sẽ tạo thêm thách thức", chuyên gia Christopher Twomey đến từ Trường nghiên cứu Sau đại học của Hải quân Mỹ ở bang California, nói với Reuters.
Chính sách mới cho thấy Trung Quốc có thể đã thông qua chiến lược răn đe hạt nhân thường trực tương tự như Mỹ và các nước phương Tây sở hữu "bộ ba hạt nhân".
Theo giới quan sát, chính sách mới cũng đồng nghĩa Trung Quốc có thể đã thay đổi cấu trúc trong lực lượng hải quân. Điều mà Mỹ và các đồng minh chưa hề biết đến.
Thông tin được công bố sau khi các quốc gia trong liên minh AUKUS gồm Mỹ, Anh và Úc đã đạt thỏa thuận về tàu ngầm hạt nhân. Úc sẽ mua 3 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ và sau đó nhận các tàu ngầm hạt nhân đóng mới theo thiết kế của Anh.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân luôn là khí tài hàng đầu để có thể săn tìm các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa như của Trung Quốc. Việc Úc sở hữu các tàu ngầm tấn công hạt nhân cũng giúp Mỹ và Anh giảm bớt áp lực trong khu vực, theo Reuters.
Trung Quốc hiện sở hữu 6 tàu ngầm hạt nhân Type 094 mang tên lửa đạn đạo. Tàu có lượng giãn nước 11.000 tấn, mang theo tối đa 12 tên lửa đạn đạo JL-2 (tầm bắn 7.200km) hoặc tên lửa JL-3 (tầm bắn lên tới 12.000km).