Nhiếp ảnh gia 'chính gốc khoai mì' ở Mũi Né
Với anh, người cầm máy cần phải có đam mê và phải biết chọn cho mình một lối đi riêng, một phong cách riêng.
Ở Mũi Né không ít người chơi máy ảnh chuyên nghiệp và cả nghiệp dư. Cũng nhờ họ, phong cảnh nơi này được chuyển tải tới mọi người trong và ngoài nước.
Đến Mũi Né, tôi nhờ người bạn làm giáo viên hướng dẫn để đi chụp ảnh. Anh bạn cười toe toét: “Để tui giới thiệu cho một tay máy bản địa, nhiếp ảnh gia “chính gốc khoai mì””.
Những tháng năm vất vả và cái duyên được cầm máy ảnh
Trước mặt tôi là người đàn ông đã ngoài 70 tuổi, da ngăm đen đúng chất dân miền biển. Anh tự giới thiệu 77 năm trước, cha mẹ đặt tên anh là Lê Văn Liễu, chính hiệu nông dân chứ không phải là nhiếp ảnh gia như người ta hay gọi.
Anh kể từ lúc sinh ra đến năm 1975 lấy vợ vẫn ở trong rẫy, xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết. Nhà nghèo, làm rẫy phụ thuộc thời tiết thất bát, đến năm 1987 anh về Mũi Né cùng với chiếc xe bò cà rịch cà tang, mùa mưa vô rẫy trỉa dưa, gieo đậu, trồng khoai mì… Hết mùa lại đánh xe bò đi chở thuê cho mọi người. Rồi sẵn có nghề cơ khí học được khi vô TP Phan Thiết học phổ thông, anh mở tiệm sửa chữa máy nổ ghe thuyền. Dù vậy, mùa mưa anh vẫn vô rẫy cày xới đất chuẩn bị cho mùa mới.
Khi con gái thi đậu vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chuyên ngành xây dựng, anh cũng ráng mua cho cháu một máy ảnh hiệu Canon Eos 550D để đi thực tập. Năm 2014, khi con học ra trường đi làm, máy ảnh đem về nhà không ai sử dụng nên mỗi khi rảnh anh đem ra mày mò tập chụp.
Ban đầu chỉ dám cầm máy đi chụp quanh rẫy, sau đó đem ra biển, tới làng chài… Gặp gì chụp nấy, có ảnh chụp ra đen thui, có bức thì sáng lóa… nhưng có bức thì nhìn cũng hay hay và kể từ đó anh bắt đầu mày mò làm quen với tốc độ, khẩu độ, iso, cân bằng sáng… Để có những bức ảnh như ý, anh gặp bạn bè là những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và cả những bạn trẻ, tuổi nhỏ hơn con mình để học thêm kinh nghiệm chụp và tập làm photoshop trên máy tính. Anh nói hình như đấy là cái duyên mà mình được biết đến nhiếp ảnh.
Mỗi bức ảnh đều chứa đựng hơi thở cuộc sống
Anh mở máy cho xem những bức ảnh mà anh đã chụp về các miền đất có dịp đặt chân tới nhưng nhiều nhất vẫn là ảnh tại nơi anh đang sống. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện về cuộc sống sinh hoạt, chân dung của những nhân vật nơi anh đi qua. Với anh, người cầm máy cần phải có đam mê, mỗi người vẫn thường chọn cho mình một lối đi riêng, một phong cách riêng.
Vốn là nông dân nên anh thích chụp về đời sống sinh hoạt đời thường, tôn vinh những người lao động giản dị, phong cảnh bản địa và các loài động vật hoang dã. Anh kể ở đây có một nhóm anh em đam mê nhiếp ảnh, rảnh là rủ nhau đi chụp phong cảnh và cuộc sống của người dân xóm chài Mũi Né. Có khi anh em rủ nhau đi, chờ cả buổi chỉ để chờ một ánh hoàng hôn hắt lên từ biển, hay ngồi lặng im, dán mắt trong máy cả ngày chỉ để bắt khoảnh khắc con chim săn mồi trong vườn nhà…
Mùa mưa năm nay đã bắt đầu, anh lại tất tả lên khu vườn để chuẩn bị xuống giống vụ mới. Hành trang vào vụ của người nông dân Lê Văn Liễu với chiếc nón lá đội đầu, bộ bà ba khăn rằn quấn cổ, cùng dụng cụ rựa, cuốc, giống cây, vẫn không thể thiếu bộ máy ảnh thân quen với anh hơn chục năm nay.
Người chụp ảnh phải trân trọng những gì cuộc sống ban tặng
Anh hơi tiếc là đến với nhiếp ảnh khá muộn màng nhưng chính sự muộn màng ấy lại mang niềm đam mê đến cho anh rất nhiều. “Nhiếp ảnh rất dễ cho mình gần gũi và tiếp cận, làm quen với bạn bè khắp nơi. Qua mỗi bức ảnh, mình hiểu thêm về cuộc sống lao động của người dân, yêu thiên nhiên, con người ở mỗi miền quê mình đi qua. Nhiếp ảnh cần phải mang hơi thở cuộc sống xã hội và phải chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, đồng thời cũng phải có trách nhiệm với cộng đồng.…” - anh Lê Văn Liễu chia sẻ.
Nguồn PLO: https://plo.vn/nhiep-anh-gia-chinh-goc-khoai-mi-o-mui-ne-post747683.html