Nhiếp ảnh Sóc Trăng qua những chặng đường phát triển

Tại tỉnh Sóc Trăng, từ thập niên 60 thế kỷ XX, nhiếp ảnh đã trở thành niềm vui của rất nhiều người trong cuộc sống, qua việc lưu giữ ảnh cá nhân, gia đình, bạn bè trong đám tiệc, sự kiện trọng đại đời người… Thông qua một số hiệu ảnh tư nhân nổi tiếng thời đó như: Đại Đồng, Hoàn Mỹ… cùng với sự xuất hiện của nhiều người có niềm đam mê lớn đối với nhiếp ảnh, họ đã nâng tình yêu bộ môn này lên tầm lý tưởng mới, mang tính chuyên nghiệp hơn, đó là những thanh niên giác ngộ cách mạng đi theo kháng chiến, trở thành nhà báo, phóng viên nhiếp ảnh, với nhiệm vụ ghi nhận các hình ảnh công tác, chiến đấu, đời sống sinh hoạt thực tế của quân dân Việt Nam trong vùng kháng chiến.

Tuy giai đoạn này, phương tiện tác nghiệp còn thô sơ, đa phần máy ảnh chụp bằng phim, công đoạn xử lý kỹ thuật khó khăn, tốn kém, hầu như không có tác phẩm mang tính nghệ thuật, nhưng hoạt động sáng tác nhiếp ảnh tác động tích cực đến những thành tựu cũng như phát triển lực lượng nhiếp ảnh tỉnh nhà.

Nếu bộ ảnh Ký ức thời chiến (Thái Thành Long), Đất thép Gia Hòa (Ngô Văn Thới) sống mãi với thời gian nhờ kịp lưu giữ lại nhiều hình ảnh tư liệu quý giá về một giai đoạn lịch sử hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ, giải phóng dân tộc của quân dân Sóc Trăng, thì bộ ảnh Tình đất tình người trong tôi của Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Văn Ngọc Nhuần đặc tả đường nét cảnh vật, con người sau đổi mới, ghi lại từng khoảnh khắc sinh động, chân thực của cuộc sống nơi NSNA từng đi qua.

Các đại biểu tham quan khu triển lãm ảnh tại buổi họp mặt truyền thống ngày Nhiếp ảnh Việt Nam. Ảnh: NGỌC NHÂN

Các đại biểu tham quan khu triển lãm ảnh tại buổi họp mặt truyền thống ngày Nhiếp ảnh Việt Nam. Ảnh: NGỌC NHÂN

Có thể nói nhiếp ảnh giai đoạn này kéo dài rất lâu sau năm 1975, đã đặt nền móng vững chắc cho bộ môn Nhiếp ảnh tỉnh Sóc Trăng và khi đó chỉ làm nhiệm vụ thông tin báo chí, tuyên truyền văn hóa văn nghệ, cổ vũ sĩ khí, tinh thần chiến đấu lao động, sản xuất của quân dân trong kháng chiến, đổi mới trong quá trình kiến thiết đất nước. NSNA Văn Ngọc Nhuần - nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Sóc Trăng đã kế thừa, phát huy những kiến thức, kỹ năng và niềm đam mê nhiếp ảnh của thế hệ đàn anh đi trước và mở rộng phạm vi hoạt động với phong phú các mảng đề tài, góp phần xây dựng phong trào nhiếp ảnh vào những năm 1990 ngày thêm khởi sắc, thu hút nhiều tác giả trẻ có lòng đam mê đối với nghệ thuật thời đó như: Hứa Tấn Hưng, Nhan Quốc Dũng, Đoàn Văn Ân, Hoàng Kim Thành, Tăng Hùng Sơn, Trịnh Lâm Tuyền…

Năm 2010, nhiếp ảnh được tiếp cận nhiều với các phương tiện khoa học kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại với công nghệ mới, sự xuất hiện các loại máy ảnh kỹ thuật số, in, truyền, nhận ảnh bằng công nghệ số, chụp ảnh bằng flycam... góp phần hình thành một lực lượng sáng tạo mới mang tính chuyên nghiệp có trình độ, giàu ý tưởng, không ngừng lao động, sáng tác, tham gia các cuộc thi tỉnh, Liên hoan Ảnh Nghệ thuật khu vực đồng bằng sông Cửu Long, quốc gia, quốc tế, các cuộc thi của các ngành, địa phương trong và ngoài nước… Các tác giả nhiếp ảnh đã mang về cho tỉnh nhà 23 huy chương quốc tế, trên 400 ảnh được triển lãm tại 37 quốc gia; hơn 30 giải thưởng huy chương cấp khu vực và toàn quốc. Gần đây nhất, tại cuộc thi Nhiếp ảnh Quốc tế VN23 do Việt Nam đăng cai, Sóc Trăng có 15 tác phẩm được chọn triển lãm, trong đó có 1 tác phẩm nhận huy chương bạc (Cô bé Chăm - Triệu Hớn Võ); 1 NSNA được phong tặng tước hiệu E/VAPA - NSNA xuất sắc (Đinh Công Tâm).

NSNA Hoàng Kim Thành - Phân hội trưởng Phân hội Nhiếp ảnh tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Hiện tại, phân hội có 37 hội viên hoạt động chuyên và không chuyên, trong đó có 10 hội viên được phong danh hiệu NSNA. Nhiếp ảnh hiện nay đích thực đã tạo nên một sân chơi lý thú, nơi sinh hoạt đời sống xã hội phong phú lành mạnh, góp phần làm giàu, mở rộng thêm dòng chảy nghệ thuật, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân. Trong đợt xét tặng Giải thưởng VHNT tỉnh Sóc Trăng, lần thứ nhất năm 2022, một giải thưởng lớn của tỉnh về lĩnh vực VHNT được tổ chức xét và trao tặng 5 năm một lần, chuyên ngành Nhiếp ảnh có rất nhiều cá nhân vinh dự được trao phần thưởng cao quý này, trong đó có 2 cá nhân được nhận giải thưởng cống hiến”.

Ông Trần Minh Lý - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Thông qua các tác phẩm, tác giả đã đóng góp tích cực vào việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, ca ngợi, quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước, con người, thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, xây dựng nông thôn mới… của tỉnh. Qua đó thể hiện sự vận động, phát triển không ngừng của đội ngũ nhiếp ảnh qua các chặng đường, góp phần tạo nên truyền thống vẻ vang của nghệ thuật nhiếp ảnh tỉnh nhà”.

NGỌC NHÂN

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/nhiep-anh-soc-trang-qua-nhung-chang-duong-phat-trien-74558.html