Nhiều áp lực lên mặt bằng giá ngay từ đầu năm 2022
Nhận định về áp lực lạm phát năm 2022, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nhiều yếu tố sẽ tác động lên mặt bằng giá, việc thực hiện mục tiêu CPI của năm 2022 sẽ không dễ dàng, thậm chí áp lực lạm phát còn tăng khá cao và tăng ngay từ đầu năm.
Ngày 4/1/2022, Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính )tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2021 và dự báo 2022" dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Dấu ấn điều hành giá trong bối cảnh dịch bệnh
Phát biểu khai mac Hội thảo, PGS.,TS. Trương Thị Thủy - Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, kinh tế - xã hội Việt Nam đầu năm 2021 tiếp đà những kết quả quan trọng đã đạt được của năm 2020. Tuy nhiên, làn sóng dịch COVID-19 thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4/2021 tại các tỉnh kinh tế trọng điểm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, an toàn của người dân và phát triển kinh tế - xã hội, làm tăng trưởng kinh tế có mức giảm sâu nhất vào quý III/2021...
Trước bối cảnh đó, Đảng và Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng và chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện một cách quyết liệt cùng với các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, sự đồng lòng, nhất trí của các cấp, các ngành, các địa phương, sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp… nhằm đạt mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.
Những giải pháp kịp thời này đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế đất nước: GDP năm 2021 ước tính tăng 2,58% so với năm 2020; CPI bình quân năm 2021 tăng 1,84% so với bình quân năm 2020; Lạm phát cơ bản bình quân năm 2021 tăng tăng 0,81% so với bình quân năm 2020 (thấp hơn khá nhiều so với chỉ tiêu này của các năm 2010 - 2020)...
Theo ông Nguyễn Xuân Định - Phó trưởng Phòng Chính sách, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, CPI cả năm 2021 ở mức 1,84% là một dấu ấn trong công tác quản lý điều hành giá của Chính phủ trong bối cảnh dịch COVID-19.
Việc xây dựng kịch bản điều hành giá sát với thực tiễn là một trong các cơ sở quan trọng cho việc định hướng, triển khai chính sách tài khóa phù hợp, phối hợp cùng với các chính sách tiền tệ, thương mại và các chính sách kinh tế vĩ mô khác một cách hiệu quả hướng đến mục tiêu hồi phục tăng trưởng trong giai đoạn bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt.
Quang cảnh Hội thảo.
Trong công tác quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng thiết yếu, các bộ, ngành đã chủ động tổ chức triển khai các giải pháp nhằm góp phần khắc phục khó khăn của doanh nghiệp, người dân theo đúng kịch bản điều hành giá đặt ra từ đầu năm.
Áp lực lạm phát tăng ngay từ đầu năm 2022
Nhận định về áp lực lạm phát năm 2021, đại diện Cục Quản lý giá cho rằng, ngay từ đầu năm áp lực lạm phát được đánh giá là rất lớn; nhất là khi Tết nguyên đán Nhâm dần 2022 diễn ra sớm nên chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 và tháng 2 có thể ở mức cao theo quy luật khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao thời điểm cận Tết.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BTC ngày 25/11/2021 về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 chỉ đạo toàn Ngành tăng cường công tác quản lý điều hành giá ngay từ những tháng đầu năm để tạo đà cho cả năm 2022.
Đồng thời, trong vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong năm 2022 để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới sau đại dịch.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, mục tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra cho năm 2022 CPI tăng khoảng 4%. Đây là quyết tâm cao của Quốc hội, tuy nhiên việc thực hiện mục tiêu CPI của năm 2022 sẽ không dễ dàng, thậm chí còn tăng khá cao và tăng ngay từ đầu năm. Các tổ chức quốc tế dự báo CPI của Việt Nam trong năm 2022 tăng khoảng 3,5 - 4%, rủi ro vượt 4% phụ thuộc vào giá cả hàng hóa thế giới. Dự báo CPI năm 2022 sẽ ở mức 3,4-3,7% thấp hơn so với mục tiêu dưới 4%.
Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, trong thời gian tới, cần nâng cao hiệu quả trong phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ trong điều hành cung tiền, lãi suất, trung hòa lượng tiền vào – ra, điều tiết giá cả. Đặc biệt, phải tăng cường truyền thông về lạm phát, biến động giá cả để góp phần ổn định tâm lý tiêu dùng, tránh hiện tượng tích trữ hàng, sốt giá ảo và giảm kỳ vọng lạm phát, kết hợp đẩy mạnh kiểm tra, giám sát nhằm giảm thiểu hiện tượng "té nước theo mưa" của một bộ phận thương lái, người bán hàng...
Cùng quan điểm trên, PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính nhận định, năm 2022, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ sẽ tạo áp lực lớn đến mặt bằng giá cả, lãi suất, tỷ giá và lạm phát. Áp lực tăng cao của lạm phát trong năm 2022 so với năm 2021 là có thực, nhưng mức độ tăng của lạm phát năm 2022 không quá lo ngại.
Theo đó, để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4% như chỉ tiêu của Quốc hội và tìm cách ổn định thị trường tài chính tiền tệ, tiếp tục hạ thấp tỷ lệ lạm phát cần kiểm tra chặt chẽ các yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, các mặt hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, tránh việc điều chỉnh giá, tăng giá bất hợp lý.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá, thực hiện tốt các quy định về công khai, minh bạch các thông tin về giá, đặc biệt là đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, các mặt hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, tránh lạm phát kỳ vọng, tránh các tin đồn thất thiệt gây hoang mang tâm lý, ảnh hưởng xấu tới mặt bằng giá cả của một số mặt hàng và mặt bằng giá cả của nền kinh tế...