Nhiều bất cập hệ thống xử lý nước thải các khu công nghiệp ở Quảng Trị

Các khu, cụm công nghiệp ở tỉnh Quảng Trị đã hoạt động, vận hành trong nhiều năm, song việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải còn rất nhiều bất cập, ảnh hưởng lớn đến môi trường.

Ngày 30/5, ông Nguyễn Hữu Nam - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Quảng Trị cho hay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 5 khu công nghiệp và 16 cụm công nghiệp. Trong đó có 2 khu công nghiệp và 16 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động và đang thu hút đầu tư. Với tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp Nam Đông Hà là 90,64%, khu công nghiệp Quán Ngang 83,13%; 16 cụm công nghiệp từ 15 đến 100%. Đã có 234 dự án đầu tư và cơ sở đang hoạt động sản xuất tại 2 khu công nghiệp và 16 cụm công nghiệp.

Toàn cảnh Khu công nghiệp Nam Đông Hà. Ảnh: Lê Trường

Toàn cảnh Khu công nghiệp Nam Đông Hà. Ảnh: Lê Trường

Khu công nghiệp Nam Đông Hà ở thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Khu công nghiệp Nam Đông Hà ở thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Tại 2 khu công nghiệp Quán Ngang và Nam Đông Hà có 39 dự án đi vào hoạt động và có 16 dự án đang xây dựng, chuẩn bị đầu tư. Các cụm công nghiệp đã thu hút được 105 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, 41 dự án đang triển khai xây dựng, chuẩn bị đầu tư, 23 dự án mới đăng ký đầu tư.

“Ước tính khối lượng nước thải phát sinh tại 2 khu công nghiệp Quán Ngang và Nam Đông Hà là 1.700m3/ngày đêm. Tại các cụm công nghiệp có tổng lượng nước thải phát sinh ước tính là 850 m3/ngày đêm, dao động từ 30-180 m3/ngày đêm mỗi cụm công nghiệp”, ông Nam nói.

Theo ông Nguyễn Hữu Nam, hiện trạng về hạ tầng hệ thống thu gom, xử lý và thoát nước thải tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp đầu tư còn nhiều phiến diện, tỷ lệ xử lý nước thải đạt rất thấp. Hiện, chỉ có khu công nghiệp Quán Ngang đã đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải, tuyến thoát nước thải đang hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép môi trường. Cụm công nghiệp Ái Tử, huyện Triệu Phong và cụm công nghiệp Đông Lễ, thành phố Đông Hà tuy đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải từ năm 20216, song chưa đồng bộ, không thực hiện tu sửa và vận hành thường xuyên nên hệ thống đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, không sử dụng được.

Khu công nghiệp Quán Ngang ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Đức Việt

Khu công nghiệp Quán Ngang ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Đức Việt

Khu công nghiệp Nam Đông Hà và 14 cụm công nghiệp còn lại chưa có hệ thống thu gom, xử lý và thoát nước thải. Đa phần các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa có hệ thống thoát nước mưa, thậm chí chưa giải phóng mặt bằng để thực hiện xây dựng công trình hạ tầng về môi trường… Hiện trạng này dẫn đến chất lượng nước thải tại một số khu, cụm công nghiệp có hàm lượng chất rắn lơ lửng cao, độ kiềm cao, độ màu cao và hàm lượng hữu cơ cao. Kết quả quan trắc chất lượng nước thải năm 2023 tại một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh của cơ quan chuyên môn cho thấy, nhiều mẫu có chỉ tiêu coliform vượt quy chuẩn Việt Nam.

Mới đây, Sở TN&MT Quảng Trị đã có đợt điều tra, khảo sát lập phương án đầu tư xây dựng kế hoạch đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn, cho thấy một số vấn đề khó khăn, bất cập trong việc đầu tư xây dựng, quản lý hạ tầng môi trường. Đó là một số cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng không có quy hoạch chi tiết khu, cụm phân khu chức năng sản xuất, không quy hoạch hệ thống thu gom, khu vực xử lý nước thải, không có hồ sơ môi trường nên rất khó đề xuất xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải.

Tại một số cụm công nghiệp, các cơ sở vào đầu tư tự giải phóng mặt bằng. Địa phương không quy định và kiểm soát cốt mặt bằng theo quy hoạch thoát nước dẫn đến rất khó xây dựng hệ thống thu gom và xử lý, tăng chi phí đầu tư và vận hành sau này khi phải bơm chuyển nhiều điểm để dẫn nước thải về hệ thống xử lý. Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng môi trường chưa được quan tâm đúng mức, cụ thể giai đoạn trước 2023, các địa phương chủ yếu tập trung vào đường giao thông nội bộ, đầu tư cho hạ tầng môi trường cụm công nghiệp rất ít chiếm khoảng 3,1% trên tổng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp.

Phần lớn các cụm công nghiệp đã xây dựng các tuyến đường nhưng không đi kèm hệ thống thoát nước, rất khó khăn để đầu tư hệ thống thu gom, thoát nước. Đối với việc lựa chọn công nghệ xử lý nước thải của cụm công nghiệp, phần lớn các cụm công nghiệp thu hút đa ngành nghề, nước thải cụm công nghiệp hỗn hợp. Tỉ lệ lấp đầy cụm công nghiệp chậm, dự báo khả năng đầu tư, định hướng loại hình đầu tư vào cụm trong thời gian tới không rõ ràng, nên khó dự báo lượng nước thải phát sinh, do đó rất khó khăn để lựa chọn công nghệ, quy mô đầu tư cho hiệu quả…

Từ thực trạng bất cập nói trên, Sở TN&MT Quảng Trị đã đề xuất phương án đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn. Việc đầu tư được định hình cụ thể, đó là chỉ đề xuất phương án đầu tư hệ thống thu gom, xử lý cho khu công nghiệp Nam Đông Hà và 7 cụm công nghiệp, đầu tư cải tạo nâng cấp cụm công nghiệp Đông Lễ và Ái Tử; đầu tư mới cụm công nghiệp 9D, Cam Hiếu, Hải Lệ, Hải Chánh, Krong KLang.

“Các khu, cụm công nghiệp còn lại không đầu tư với lý do là khu công nghiệp Quán Ngang đã đầu tư hệ thống xử lý, đang xin cấp giải phóng mặt bằng. Ba khu công nghiệp Trung Khởi, Tây Bắc Hồ Xá, khu công nghiệp Quảng Trị của tư nhân làm chủ đầu tư. Năm cụm công nghiệp Cầu Lòn-Bàu De, phường 4, Cam Thành, Cam Tuyền, Hướng Tân là các cụm công nghiệp chưa hoàn thiện các hồ sơ thủ tục về môi trường hoặc chưa được quy hoạch. Bốn cụm công nghiệp Đông Ái Tử, Hải Thượng, Cửa Tùng, Diên Sanh đã được bố trí vốn giai đoạn 2023-2025”, ông Nguyễn Hữu Nam cho biết.

Hữu Thành

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhieu-bat-cap-he-thong-xu-ly-nuoc-thai-cac-khu-cong-nghiep-o-quang-tri-post1641774.tpo