Nhiều bất cập liên quan đến quy hoạch tuyến công nghiệp Cổ Chiên
Hàng loạt hộ dân ở xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, Vĩnh Long đang sinh sống ổn định trên phần đất ông bà để lại và có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nhưng tỉnh lại cấp cho doanh nghiệp triển khai dự án.
Doanh nghiệp không thực hiện, mang sổ đỏ thế chấp ngân hàng vay vốn, sau đó nợ nần và đẩy người dân vào tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng với doanh nghiệp trên chính phần đất họ đang quản lý, sử dụng.
Ông Quan Tứ Cao, ngụ ấp Sơn Đông cho biết: nhiều thế hệ trong gia đình sinh sống ổn định tại xã Thanh Đức, với nghề làm gạch gốm, trồng cây ăn trái và trồng lúa. Gia đình có hơn 5.000m² đất thổ cư, đất xây dựng, vườn và ruộng ảnh hưởng vì trong quy hoạch khu 4 - Tuyến công nghiệp Cổ Chiên.
Căn nhà ông Quan Tứ Cao nằm cặp bờ sông Cổ Chiên, nhiều năm qua xuống cấp trầm trọng, mái tôn mục nát. Bên trong, trần nhà lỗ chỗ vết thủng, phải lấy nilon che chắn cho nước mưa khỏi dột vào phòng ngủ. “Gia đình tôi có 10 người đang sinh sống nhưng không dám sửa nhà”, ông Quan Tứ Cao nói.
Năm 2003, tỉnh Vĩnh Long ban hành quyết định phê duyệt phương án đền bù, giải tỏa mặt bằng xây dựng Tuyến công nghiệp Cổ Chiên thuộc xã Thanh Đức (huyện Long Hồ) và xã Mỹ An (huyện Mang Thít). Một năm sau, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long quyết định thu hồi hơn 30 hécta đất giao cho Ban quản lý dự án quy hoạch các khu công nghiệp Vĩnh Long.
4 năm sau, ông Phạm Văn Đấu - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long tiếp tục ký quyết định thống nhất bảng tổng hợp danh sách các trường hợp thu hồi đất. Quá trình thực hiện dự án gặp sự phản ứng của hàng loạt hộ dân, vì giá đền bù quá thấp. Đất lúa 34.500 đồng/m², đất vườn 40.500 đồng/m² và đất thổ cư 45.000 đồng/m². Việc thực hiện khu 4 - Tuyến công nghiệp Cổ Chiên kéo dài hơn 10 năm đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Theo người dân, trước đây khu vực này từng là vườn cây ăn trái, cơ sở sản xuất gạch gốm. Sau 15 năm Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long ký quyết định thu hồi đất, người dân bị ảnh hưởng từ đời sống kinh tế, đến tinh thần và lâm vào cảnh khổ sở. Còn nơi được quy hoạch khu 4 - Tuyến công nghiệp Cổ Chiên cỏ dại um tùm. Nhiều hộ dân sống trong căn nhà lụp xụp, dột nát, ngập nước mỗi khi triều cường.
Ông Cao và nhiều hộ dân khác cho biết, họ đồng thuận chủ trương phát triển công nghiệp của tỉnh nhưng phải thực hiện đúng quy định pháp luật, có sự đền bù thỏa đáng để chuyển đến nơi ở mới ổn định đời sống, sản xuất. “Họ áp giá đền bù cho dân quá thấp, sau đó giao đất cho doanh nghiệp 350.000 đồng/m²”, nhiều hộ dân bức xúc.
Các anh chị em, người thân trong gia đình ông Cao gần 10 hộ, có khoảng 20.000 m². Họ không đồng ý giao đất vì không có quyết định thu hồi cụ thể đến từng hộ, chưa nhận tiền đền bù. Người dân còn giữ “sổ đỏ” trong nhà nhưng tỉnh Vĩnh Long đã ký giấy, giao cho Công ty TNHH MTV BioFeed 2, do ông Trương Thanh Phương làm giám đốc thực hiện dự án.
Gia đình ông Cao và nhiều hộ dân khác khởi kiện ra tòa, yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long hủy một phần quyết định đã ký vào năm 2003 và năm 2004. Ông Cao cho rằng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long với tư cách cá nhân ký quyết định thu hồi đất là không đúng thẩm quyền, không đúng quy định pháp luật.
Vụ kiện kéo dài trong nhiều năm vẫn chưa có kết quả sau cùng thì ông Cao và 8 hộ dân khác bị kéo vào một vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Công ty TNHH MTV BioFeed 2 với ngân hàng. Doanh nghiệp này sau khi được tỉnh Vĩnh Long ký giấy giao đất đã mang thế chấp ngân hàng vay vốn, sau đó dẫn đến nợ và bị kiện ra tòa.
Thông báo ngày 5-8 của TAND TP Vĩnh Long, một ngân hàng có trụ sở tại Hà Nội khởi kiện buộc Công ty TNHH MTV BioFeed 2 trả số tiền 40 tỷ đồng. “Họ mang sổ đỏ được cấp trên phần đất của gia đình chúng tôi thế chấp ngân hàng, sau đó nợ nần và kéo chúng tôi vào vụ kiện”, ông Quan Phát Cao – hộ dân bị ảnh hưởng nói.
Ông Phạm Thành Khôn - Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long cho rằng, việc thu hồi đất và thực hiện cấp quyền sử dụng đất đều do Sở Tài nguyên và Môi trường. Ban Quản lý chỉ là đơn vị thụ hưởng, giao “đất sạch” thì triển khai dự án.
Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp cũng lý giải rằng, chính quyền chưa thực hiện xong công tác thu hồi, chưa bàn giao “đất sạch” cho Công ty TNHH MTV BioFeed 2. Doanh nghiệp phải vay ngân hàng, khi cấp sổ đỏ họ có quyền chuyển nhượng, thế chấp.
Ông Trương Văn Tuấn - Trưởng phòng Quy hoạch xây dựng và môi trường (Ban Quản lý các khu công nghiệp) cho biết thêm: Tuyến công nghiệp Cổ Chiên có 2 khu 4 và 5, với 150 hộ dân bị ảnh hưởng thuộc huyện Long Hồ và Mang Thít. Khu 5 là tái bố trí cho các cơ sở sản xuất và bố trí di dời từ khu 4 xuống. Còn khu 4 là giao đất cho doanh nghiệp thực hiện ngành công nghiệp khác, do giải tỏa chậm nên doanh nghiệp không thực hiện dự án, xây nhà xưởng. Hiện khu 4, còn 20 hộ dân chưa nhận tiền đền bù, chưa bàn giao mặt bằng.
“Ngay từ đầu tiên triển khai, áp giá bồi hoàn người dân cho rằng quá rẻ nên không nhận tiền. Vấn đề tồn tại là doanh nghiệp chờ đất, còn người dân khiếu nại chờ bồi thường”, ông Trương Văn Tuấn nói.
Sổ đỏ của người dân không còn giá trị?
Phóng viên mang những khúc mắc của người dân, liên hệ với Sở Tài nguyên-Môi trường và UBND tỉnh Vĩnh Long. Cả hai nơi đều đề nghị gửi lại câu hỏi.
Gần một tháng trôi qua, sáng 2-10, ông Đặng Văn Lượng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long nói rằng cơ quan liên quan trả lời chưa ổn, đang làm lại và hẹn đến kỳ họp báo chí tới do tỉnh tổ chức sẽ trả lời phóng viên.
Trong văn bản do Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Vĩnh Long ký ngày 20-9, báo cáo UBND tỉnh giải thích rằng năm 2007, Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Long Hồ có thông báo về việc thu hồi, chỉnh lý “sổ đỏ” của 104 hộ dân tại ấp Sơn Đông, có đất bị thu hồi theo quyết định số 908 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long ký vào năm 2004. Vì vậy, các “sổ đỏ” này không còn giá trị pháp lý. Diện tích đất thu hồi, sau đó giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án và được UBND tỉnh hoặc ủy quyền cho Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường cấp “sổ đỏ”.
Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi trường bác thông tin một miếng đất có tới 2 sổ đỏ là không có cơ cở (?!).