Nhiều bất lợi trong vụ lúa hè thu năm 2025
Sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân, nông dân Kiên Giang tất bật chuẩn bị gieo sạ vụ hè thu năm 2025. Hiện tình tình thời tiết có phần bất lợi, giá phân bón tăng cao.
Khó khăn từ đầu vụ
Theo nhiều nông dân sản xuất lúa trên địa bàn Kiên Giang, bước vào vụ lúa hè thu năm 2025, giá vật tư nông nghiệp, phân bón tăng từ 50.000-100.000 đồng/bao tùy loại so với vụ đông xuân 2024-2025. Hiện giá phân đạm N-P-K dao động từ 1,05-1,1 triệu đồng/bao, phân urê từ 560.000-590.000 đồng/bao. Các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng giá từ 15-20%.

Nông dân huyện Tân Hiệp cải tạo đất chuẩn bị gieo sạ vụ hè thu năm 2025.
Ông Huỳnh Văn Tổng, ngụ ấp Thạnh Trị, xã Thạnh Trị (Tân Hiệp) cho biết chi phí phân bón chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí sản xuất của cả vụ lúa. Vì vậy, khi giá phân bón tăng, nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Những hộ không có điều kiện kinh tế phải mua phân bón trả chậm từ đại lý và chịu thêm phần lãi suất mua trả chậm, từ đó chi phí sản xuất đội lên.
Trước tình hình phân bón tăng giá, nông dân tính toán lại lượng phân bón phù hợp hơn, sử dụng thêm các loại phân bón hữu cơ thay thế để giảm bớt liều lượng phân bón hóa học. Đồng thời, kết hợp thêm các kỹ thuật canh tác giảm lượng giống, bón phân cân đối, đúng liều lượng để đảm bảo cây lúa khỏe, phát triển tốt, không bị sâu bệnh, đạt năng suất.
Canh tác lúa 3 vụ/năm, nên vừa thu hoạch vụ lúa đông xuân, ông Nguyễn Văn Nam, ngụ ấp Thạnh Trị, xã Thạnh Trị chuẩn bị gieo sạ vụ lúa hè thu năm 2025. Sau hơn 2 tuần vệ sinh đồng ruộng, cày xới đất, ông bắt đầu gieo sạ. “Vụ lúa hè thu thường gặp thời tiết bất lợi, cuối vụ có mưa dông, do đó, để hạn chế rủi ro, tôi giảm lượng giống gieo sạ còn 10kg/công, chọn giống lúa cứng cây, ít đổ ngã, có khả năng chống chịu với thời tiết bất lợi. Ngoài ra, nhằm giảm lượng phân bón, tôi kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ giai đoạn đầu sau sạ, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất. Đây là giải pháp hữu hiệu trong điều kiện giá phân bón tăng cao như hiện nay”, ông Nam nói.
55.000ha gieo sạ ngoài lịch
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kiên Giang dự báo tình hình hạn hán và mặn xâm nhập đã giảm. Tuy nhiên, từ nay đến hết mùa khô năm 2025 vẫn còn những đợt cao điểm mặn xâm nhập theo kỳ triều cường. Do đó, việc gieo sạ vụ lúa hè thu sẽ gặp nhiều bất lợi từ thời tiết nắng nóng kéo dài. Nguy cơ thiếu nước có thể xảy ra đối với các vùng chịu ảnh hưởng mặn, vùng ven biển.
Thực tế cho thấy tại một số nơi mặc dù ngành nông nghiệp và các địa phương đã ban hành khung lịch gieo sạ vụ hè thu năm 2025 từ sớm, nhưng vẫn có một số hộ nông dân gieo sạ tự phát ngoài lịch khuyến cáo, dẫn đến tình trạng bị thiệt hại do thiếu nước, lúa bị nhiễm mặn. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, có khoảng 55.000ha lúa hè thu sớm của nông dân gieo sạ không theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, tập trung tại các huyện Giồng Riềng, Giang Thành, Châu Thành, Gò Quao, Tân Hiệp, Hòn Đất, U Minh Thượng và TP. Rạch Giá.
Riêng tại huyện U Minh Thượng, ước khoảng 128ha lúa hè thu sớm gieo sạ tự phát bị thiệt hại do nhiễm mặn. Cụ thể, khoảng 53ha lúa bị thiệt hại từ 30-70% và 44,1ha bị thiệt hại trên 70% tại các ấp Minh Cường, Minh Thành, Minh Thượng A, Minh Thượng B, xã Minh Thuận.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lê Văn Dũng, nông dân gieo sạ lúa không theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp sẽ gặp nhiều rủi ro trong sản xuất. Hiện nay, đa số nông dân thường có thói quen đốt đồng, bơm nước vào ngâm đất, tiến hành cải tạo đất để gieo sạ, thời gian giãn cách giữa 2 vụ không đảm bảo nên dễ phát sinh mầm bệnh, ngộ độc hữu cơ đối với cây lúa.
Ông Dũng khuyến cáo để đảm bảo xuống giống lúa thuận lợi trong tình hình hạn, mặn, nông dân cần tuân thủ lịch thời vụ, ưu tiên chọn giống lúa chống chịu phèn, mặn. Bên cạnh đó, nông dân cần chủ động kiểm tra nguồn nước kênh cấp nước trước khi bơm vào ruộng, phòng trường hợp nước nhiễm mặn. Cơ quan chức năng, các địa phương cần thường xuyên rà soát các cống, đập, đê bao nhằm đảm bảo khả năng giữ nước, hạn chế mặn xâm nhập.
Điều đáng lưu ý, sau khi thu hoạch xong vụ lúa đông xuân, nông dân cần đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa tối thiểu 20 ngày nhằm hạn chế thấp nhất sự lây lan của rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lúa bị ngộ độc hữu cơ. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân nên áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp như giảm lượng giống gieo sạ còn 80-100 kg/ha, sử dụng phân bón cân đối, quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả để đảm bảo vụ mùa đạt thắng lợi.
Theo khung lịch gieo sạ vụ lúa hè thu năm 2025 do Sở Nông nghiệp và Môi trường ban hành, lịch gieo sạ chia thành 4 đợt: Đợt 1 từ ngày 15 đến 31-3; đợt 2 từ ngày 5 đến 20-4; đợt 3 từ ngày 5 đến 20-5; đợt 4 từ ngày 25-5 đến 25-6.