Nhiều 'bất thường' trong thu chi ngân sách Nhà nước và chi đầu tư cơ bản
Trong 8 tháng đầu năm, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã xét duyệt 200 kế hoạch kiểm toán, triển khai 184/231 đoàn kiểm toán; kết thúc kiểm toán 140 cuộc, xét duyệt 202 dự thảo báo cáo kiểm toán; phát hành 162 báo cáo kiểm toán.
Kết quả kiểm toán cho thấy có nhiều đơn vị chưa chấp hành đầy đủ quy định trong quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; quản lý tài sản, đất đai, tài nguyên khoáng sản; quản lý doanh thu, chi phí; một số chính sách còn bất cập, chậm sửa đổi và chưa sát thực tế, hiệu quả chưa cao…
Kiến nghị xử lý tới 22.036 tỷ đồng và chuyển 8 vụ việc sang cơ quan điều tra
Sơ bộ kết quả kiểm toán 8 tháng năm 2022 của 162 báo cáo kiểm toán đã phát hành và 6 báo cáo kiểm toán chuyển từ kế hoạch kiểm toán 2021 sang cho thấy, KTNN đã kiến nghị xử lý 22.036 tỉ đồng; kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 102 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý không phù hợp...
Việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, tổng hợp sơ bộ đến 31/8/2022, các đơn vị đã thực hiện 37.924,2 tỉ đồng, đạt 56,3% (cùng kỳ năm trước đạt 49,9%); các cơ quan đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 15 văn bản quy phạm pháp luật thay thế các văn bản không phù hợp; có 24 báo cáo kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện. Kiểm toán Nhà nước cũng chuyển 8 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện ngay trong quá trình kiểm toán sang cơ quan điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Cụ thể hơn, về thu ngân sách Nhà nước (NSNN), KTNN chỉ ra rằng, trong 8 tháng đầu năm tại Đồng Nai có tới 298 trường hợp chưa điều chỉnh đơn giá thuê đất khi hết thời kỳ ổn định đơn giá thuê.
Tại tỉnh Khánh Hòa, Ninh Bình còn tình trạng chưa thực hiện thủ tục cho thuê đất. Cũng tại tỉnh Đồng Nai, đoàn công tác còn phát hiện Công ty Cổ phần Sonadezi Long Bình dù chưa nộp đủ hồ sơ xin miễn song đã được miễn tiền thuê đất; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển VRG Long Thành được miễn tiền thuê đất quá thời hạn. Ngoài ra, kết quả kiểm toán việc xác định giá đất của một số dự án đất như Dự án Khu đô thị Đại An, huyện Văn Giang; Dự án Khu đô thị sinh thái Dream City huyện Văn Lâm, Hưng Yên cho thấy ở các dự án này chưa có quy định về việc điều chỉnh nghĩa vụ tài chính của nhà đầu tư với NSNN khi có sự thay đổi của các yếu tố ước tính tổng doanh thu phát triển.
Cùng đó cũng ở các dự án này, Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT hướng dẫn sử dụng tối thiểu 3 tài sản so sánh đưa vào hiệu chỉnh để hình thành đơn giá của tài sản định giá, tuy nhiên trên thực tế khi thay thế một tài sản so sánh này bằng một tài sản so sánh khác, có thể làm thay đổi (tăng hoặc giảm) đơn giá của tài sản định giá nên rủi ro nhiều trong việc xác định giá đất. Liên quan đến vấn đề chi thường xuyên, các đoàn công tác kiểm toán đã phát hiện một số trường hợp chưa phù hợp ở tỉnh Kon Tum.
Cụ thể là tại huyện Đăk Hà chi chưa phù hợp 423 triệu đồng cho việc sửa chữa trường; huyện Kon Plông chi chưa đúng 230 triệu đồng (bổ sung cho UBND thị trấn Măng Đen mua xe ôtô chuyên dùng quản lý trật tự đô thị). Chưa dừng lại, vẫn ở tỉnh Kon Tum, huyện Kon Plông còn bị phát hiện sử dụng sai mục đích số tiền 134 triệu đồng trong việc sử dụng tiền sử dụng đất chi trả nợ các công trình sửa chữa, nâng cấp các trụ sở UBND huyện, xã. Ngoài tỉnh này, việc chi sai mục đích còn xảy ra ở Khánh Hòa (sử dụng nguồn thu tiền sử dụng đất chi thường xuyên 27,356 tỷ đồng; sử dụng nguồn thu sử dụng đất chưa phân bổ bù hụt thu 16,662 tỷ đồng (thành phố Nha Trang).
Tại tỉnh Ninh Bình, huyện Kim Sơn sử dụng nguồn tăng thu chi cho các hoạt động thường xuyên 3,08 tỷ đồng. Còn tại huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh), huyện này đã sử dụng nguồn từ ngân sách huyện bố trí cho các nhiệm vụ thường xuyên 3.080.000.000 đồng. Về việc tạm ứng ngân sách quá hạn chưa thu hồi, KTNN lại điểm tên 3 tỉnh "quen thuộc" là Đồng Nai, Khánh Hòa, Kom Tum. Đáng chú ý, trong việc tạm ứng ngân sách quá hạn chưa thu hồi, lại là hai tỉnh Khánh Hòa, Kon Tum "được" gọi tên.
Chi đầu tư xây dựng cơ bản chưa chính xác
Kiểm toán vấn đề chi đầu tư xây dựng cơ bản, KTNN cũng chỉ rõ 4 địa phương phân bổ chưa đúng thứ tự ưu tiên như Khánh Hòa, Kon Tum, Long An, Thái Bình. Thậm chí tỉnh Khánh Hòa còn chi chưa đúng quy định Luật Đầu tư công năm 2019. Tỉnh Long An phân bổ cho dự án chưa đủ điều kiện. Thừa Thiên - Huế bố trí vượt mức vốn trong kế hoạch đầu tư 700 triệu đồng. Đồng Nai và Tây Ninh đều có tỷ lệ giải ngân thấp. Tỉnh Hà Tĩnh, Huế, Khánh Hòa, Ninh Bình chưa xử lý dứt điểm nợ xây dựng cơ bản và để nợ phát sinh.
Quan trọng hơn, một số dự án ở Kon Tum, Long An, Thái Bình còn dư tạm ứng quá hạn chưa thu hồi. Tại báo cáo kiểm toán lần này, KTNN cũng chỉ ra một số doanh nghiệp còn nhiều diện tích đất chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý như Tổng Công ty Đông Bắc 144,6.2ha; Vicem 161,09ha; Tổng Công ty Bưu Điện 0,2ha. Tổng Công ty Đông Bắc còn khai thác khoáng sản vượt 14,75% (theo Giấy phép số 2406/GP-BTNMT ngày 5/10/2017); vượt 13,8% theo Giấy phép số 211/GP-BTNMT ngày 5/11/2020.
Chưa dừng lại, tổng công ty này còn tính thiếu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tới 33,76 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng Công ty Đông Bắc đơn vị có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ được phê duyệt nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định. Việc thực hiện Đề án cơ cấu lại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn không đạt được một số mục tiêu liên quan của phương án cơ cấu lại như tỷ lệ thu nhập phi tín dụng, mục tiêu khách hàng và thị phần, mục tiêu tăng trưởng tín dụng gắn liền với chất lượng tín dụng; riêng mục tiêu tăng vốn điều lệ chưa đạt được do xây dựng mục tiêu không khả thi mặc dù đã có khuyến nghị từ NHNN…
Được biết, về kế hoạch kiểm toán năm 2023, KTNN dự kiến thực hiện 141 nhiệm vụ kiểm toán, giảm 37 nhiệm vụ so với kế hoạch kiểm toán năm 2022. Trong đó ngoài nhiệm vụ kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022, sẽ trình ý kiến về dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2023.